Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là "Tàu"?


ĐỘC GIẢ: Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?

AN CHI: Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II, Saigon, 1896, tr.346). Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xem Thanh Hóa quan phòng, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr.97). Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng thằng Ngô con đĩ) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?

Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số - cũng được “vinh dự” gọi là Tàu.

(KTTN 103, ngày 01-3-1993)

Ghi chú số 1:

Lâu lâu “đánh trống qua cửa nhà sấm” bắt giò An Chi một cái. Nếu cho rằng người Việt “quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan”, thì cái quan niệm này phải có từ thời còn nhiều người Trung Hoa làm quan tại Việt Nam. Vậy thì ta phải tìm được các dấu tích này trong văn chương cổ, tối thiểu là văn chương bình dân, hay truyền khẩu như ca dao-tục ngữ. Tuy nhiên văn chương bình dân Việt Nam cho đến cuối thời kỳ bắc thuộc vẫn không tìm thấy chữ nước tàu, người tàu, hay giặc tàu trong bất kỳ thể loại nào. Từ người Tàu chỉ xuất hiện và bắt đầu được dùng rộng rãi khi có những đợt sóng người Minh Hương chạy loạn tràn sang Việt Nam. Họ đến từng đoàn đông đúc trên những chiếc “tàu lớn” nên gây sự chú ý của người Việt. Nên biết rằng cho đến thế kỷ 19, kỹ thuật đóng tàu của người Việt vẫn chỉ ở mức ghe, thuyền đánh cá nhỏ chớ không phát triển kỹ thuật đóng tàu lớn đi biển. Trong khi đó người Trung Hoa đã phát triển các đại chiến thuyền, lâu thuyền từ thời xưa và cực thịnh trong thời Tống. Vì thế, các đoàn “tàu” của người Trung Hoa lũ lượt chạy loạn tấp vào Việt Nam là một cảnh tượng ngoạn mục và ấn tượng cho người Việt thời bấy giờ. Vì vậy mới xuất hiện danh từ người “tàu”. Sau này phái sinh các cụm từ khác - thường là trong cách nói không tôn trọng - “giặc tàu”, “nước Tàu”.

Cho nên quan niệm “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” là đúng, và đã nghe vài giáo sư người Hoa xác nhận điều này.

Tương tự, trong giai đoạn 1975 đến 1980, có những đợt sóng người Việt vượt biên bằng đường thủy lên đến hàng triệu người. Thế giới đã chú ý đến hiện tượng đó và gọi chung những người Việt vượt biên là “boat people”. Sau này từ “boat people” thành 1 thứ tiếng lóng được dùng để chỉ đa số người Việt ở nước ngoài, dù họ đi đường bộ hay… máy bay ra nước ngoài du học. “Boat people” có phải là người “tàu” không? Người Việt hải ngoại thường dùng chữ “thuyền nhân Việt Nam” để phân biệt mình với “tàu nhân Trung quốc”. Cách nào đó, người Việt hải ngoại đã gián tiếp công nhận mình là “người … thuyền”.

Ghi chú số 2:

Nếu An Chi lý luận đúng thì cách gọi người Hoa là “Tàu” là một từ xưng hô vinh dự. Điều này trái hẳn với thực tế. Người Hoa sinh sống tại Việt Nam không ai muốn bị gọi là “ba tàu” vì đó là cách gọi khinh dễ. Nó nhắc họ nhớ đến một quá khứ không vinh quang của cha ông. Đồng thời, họ cảm thấy bị tách rời và phân biệt ngay giữa đất nước họ sinh sống và góp phần xây dựng. Họ cũng không muốn bị gọi là Hoa “kiều” vì họ là cư dân và công dân của Việt Nam.