“Tứ hỉ” là gì? Có phải cũng là “tứ khoái” không?
ĐỘC GIẢ: “Tứ hỉ” là gì? Có phải đó cũng là “tứ khoái” hay không?
AN CHI: Tứ khoái là quan niệm của người Việt Nam gồm có: ăn, ngủ, đ. và ị. Đây là bốn cái thú có tính chất sinh lý. Còn tứ hỉ là một quan niệm của người Trung Hoa, có nghĩa là bốn điều mừng, bốn điều tốt lành. Quan niệm này bắt nguồn từ một bài thơ dân gian, tục gọi là Tứ hỉ thi (bài thơ về bốn điều vui mừng). Đây là một bài thơ mà các trường học ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa vẫn dạy cho học sinh. Nó đã được chép trong Dung trai tùy bút của Hồng Mại đời Tống, Nguyên văn (phiên âm Hán Việt) như sau:
Cửu hạn phùng cam vũ;
Tha hương ngộ cố tri;
Động phòng hoa chúc dạ;
Kim bảng quải danh thì.
Dịch nghĩa: Nắng hạn lâu ngày gặp mưa nhuần - Nơi xứ người gặp được bạn cũ - Đêm đuốc hoa trong phòng cô dâu - Lúc thi đỗ bảng vàng treo tên.
Mỗi câu thơ nói lên một điều vui mừng. Tuy câu thứ ba nói lên điều vui mừng về đêm tân hôn, có phần nào trùng với cái khoái thứ ba, nhưng rõ ràng tứ khoái và tứ hỉ là hai quan niệm riêng biệt.
(KTNN 101, ngày 01-02-1993)