Chương 2: 8 Cung và 64 quẻ Dịch
Tương truyền vua Phục Hy về sau lấy các quẻ đơn trong bát quái chồng lên nhau để có 64 quẻ kép. Mỗi quẻ kép gồm hai quẻ đơn. Quẻ đơn ở trên gọi là ngoại quái, quẻ đơn ở dưới gọi là nội quái. Mỗi quẻ kép gồm 6 vạch, gọi là 6 hào. Các hào được tính thứ tự từ dưới lên trên. Sự phân chia các quẻ Dịch trình bày sau này dựa vào Ngũ hành mà không dựa vào sự vận hành như Chu Dịch.
I. TÊN QUẺ
Các quẻ trong 64 quẻ kép đều có tên, tên gọi tùy theo những quẻ đơn đã cấu tạo thàn quẻ kép này. Nhưng không gọi là Càn, Đoài, Li… Thật ra tên cũng dựa vào lời và tượng của bát quái. Lúc vận dụng Ngũ hành thì tên của Quẻ cũng có dùng nhưng theo những tượng riêng, mà cũng không có ảnh hưởng nhiều đến ngũ hành các hào trong quẻ.
Quẻ Càn gọi là Thiên, Đoài gọi là Trạch, Li gọi là Hỏa, Chấn gọi là Lôi, Tốn gọi là Phong, Khảm gọi là Thủy, Cấn gọi là Sơn, Khôn gọi là Địa. Tên đọc từ quẻ trên xuống quẻ dưới. Nhưng quẻ trên là Càn, dưới là Tốn thì đọc:
Càn | Thiên | Đọc là Thiên Phong Cấu | |
Tốn | Phong |
Cấu là tên tắt của Quẻ, gọi đầy đủ phải là Thiên Phong Cấu.
Càn | Thiên | Đọc là Thiên Sơn Độn | |
Cấn | Sơn |
Riêng những quẻ có quẻ trên và quẻ dưới giống nhau gọi là trùng quái thì có cách gọi tên khác. Những quẻ này gọi là quẻ Bát Thuẩn. Như trên dưới đều Càn gọi là Bát Thuần Càn hay Càn vi Thiên. Trên dưới đều là Khôn thì tên gọi là Bát Thuần Khôn hay Khôn vi Địa. Nhưng cũng thường gọi tắt các quẻ Bát Thuần, như Bát Thuần Càn chỉ gọi là Càn, Bát Thuần Khảm chỉ gọi là Khảm… cũng dễ lầm với quẻ thuộc Bát Quái. Tên của 64 quẻ sẽ được kê ở phần cuối của chương này.
II. ĐỘNG BIẾN 動 變
Các quẻ Dịch liên hệ với nhau do sự động biến của các hào. Hào có hào Dương, hào Âm. Khi động thì hào Dương biến thành Âm, Âm biến thành Dương. Quẻ này biến sang quẻ khác cũng vì các hào trong quẻ động. Động tĩnh là phần trọng yếu trong Dịch, sẽ đề cập trong các chương sau.
III. NGŨ HÀNH 五 行
64 quẻ Dịch dựa vào bát quái mà phân thành 8 nhóm gọi là Bát cung. Đứng đầu mỗi cung là quẻ trùng quái, tức là quẻ Bát Thuần. Các quẻ ở trong mỗi cung có số thứ tự từ 1 đến 8. Quẻ đứng đầu hay quẻ số 1 của mỗi cung là quẻ Bát Thuần, các quẻ kế tiếp là do động biến của các hào trong quẻ Bát Thuần.
Ví dụ: Quẻ Bát Thuần Càn (trên Càn dưới Càn) đứng đầu 8 quẻ thuộc cung Càn:
1.Bát thuần CÀN | 2.Động hào sơ biến Thiên Phong CẤU | 3.Động thêm hào nhị biến Thiên Sơn ĐỘN | 4.Động thêm hào tam biến Thiên Địa BỈ | 5.Động thêm hào tư biến Phong Địa QUAN | 6.Động thêm hào ngũ biến Sơn Địa BÁC | 7.Quẻ Du Hồn quay trở lại động hào tứ biến Hỏa Địa TẤN | 8.Quẻ Quy Hồn động lại các hào trước biến Hỏa Thiên ĐẠI HỮU |
Như vậy cung Càn gồm 8 quẻ là Càn, Cấu, Độn, Bỉ, Quan, Bác, Tấn và Đại Hữu.
Các cung khác cũng phỏng theo như thế.
8 cung của quẻ Dịch lấy tên quẻ đầu mà gọi gồm có:
- Cung Càn thuộc Kim
- Cung Đoài thuộc Kim
- Cung Li thuộc Hỏa
- Cung Chấn thuộc Mộc
- Cung Tốn thuộc Mộc
- Cung Khảm thuộc Thủy
- Cung Khôn thuộc Thổ
Quẻ Đầu của mỗi cung là quẻ Bát Thuần, bất kỳ ở cung nào quẻ thứ 7 đều gọi là quẻ Du Hồn và quẻ thứ 8 gọi là quẻ Quy Hồn. Quẻ thuộc cung nào thì mang ngũ hành của cung đó. Ngũ hành của các hào trong quẻ thì tùy thuộc vào Can Chi của mỗi hào. Như hào Tí thì thuộc Thủy, hào Ngọ thì thuộc Hỏa… muốn rõ hãy xem chương Ngũ Hành. Quẻ đơn (gồm 3 hào) có quẻ Dương, có quẻ Âm. Quẻ Dương là Càn, Khảm, Cấn, Chấn; quẻ Âm là Tốn, Li, Khôn, Đoài. Chống quẻ đơn lên nhau thành 6 hào. Với quẻ Dương dù ở nội quái hay ngoại quái (tức ở trên hay dưới), Can Chi an vào theo chiều thuận, tức chiều từ hào sơ đến hào lục. Với quẻ Âm thì an Can Chi theo chiều nghịch, tức chiều từ hào lục đến hào sơ. Quẻ dương thì an Địa Chi dương (Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất), quẻ âm an Địa Chi âm (Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi).
Định Can Chi cho những hào trong quẻ cũng có quy luật nhất định, nhưng người dùng quen thì áp dụng mà chẳng cần hiểu nguyên nhân. Như Địa Chi quy định cho các hào dựa vào sự kết hợp của các quẻ và tương hợp của các Địa Chi. Như Càn cha hợp với Khôn mẹ, nên hào sơ của Càn ở nội quái là Tí, thì hào sơ của Khôn ở ngoại quái là Sửu, vì Tí và Sửu tương hợp; hào sơ của Khôn ở nội quái là Mùi thì hào sơ của Càn ở ngoại quái là Ngọ vì Mùi và Ngọ tương hợp. Hoặc Chấn (trưởng nam) hợp với Tốn (trưởng nữ) nên ở nội quái hào sơ của Chấn là Tí thì hào sơ của Tốn là Sửu, do Tí và Sửu tương hợp…
Ta có thể kể ra như sau:
1. CÀN (kim – dương)
- Nội quái khởi Giáp Tí
- Ngoại quái khởi Nhâm Ngọ
Địa chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Tí, Dần, Thì, Ngọ, Thân, Tuất :
Hào lục | Tuất | |
Hào ngũ | Thân | |
Hào tứ | Ngọ | |
Hào tam | Thìn | |
Hào nhị | Dần | |
Hào sơ | Tí |
Vì quẻ Bát Thuần Càn hợp bởi hai quẻ Càn của bát quái nên đều là hai quẻ dương, nên địa chi chỉ an theo chiều thuân từ hào sơ (nhất) đến hào lục. Quẻ dương nên chỉ dùng địa chi dương, khởi từ Tí, tiếp theo là Dần rồi đến Thìn, Ngọ, Thân và Tuất.
Ở phần cuối chương ta sẽ kê đầy đủ 64 quẻ với Can Chi.
2. ĐOÀI (kim – âm)
- Nội quái khởi Đinh Tị
- Ngoại quái khởi Đinh Hợi
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Tị, Mão Sửu, Hợi, Dậu, Mùi
Hào lục | Mùi | |
Hào ngũ | Dậu | |
Hào tứ | Hợi | |
Hào tam | Sửu | |
Hào nhị | Mão | |
Hào sơ | Tị |
Để ý Đoài là quẻ âm nên Địa Chi đi theo chiều nghịch từ Tị đến Mão, đến Sửu. Các cung về sau cứ phong thế mà an.
3. LI (hỏa – âm)
- Nội quái khởi Kỷ Mão
- Ngoại quái khởi Kỷ Dậu
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Mão, Sửu, Hợi, Dậu, Mùi, Tị
4. CHẤN (mộc – dương)
- Nội quái khởi Canh Tí
- Ngoại quái khởi Canh Ngọ
Địa chi lần lượt từ háo sơ đến hào lục là : Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất.
5. TỐN (mộc – âm)
- Nội quái khởi Tân Sửu
- Ngoại quái khởi Tân Mùi
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Sửu, Hợi, Dậu, Mùi, Tị, Mão
6. KHẢM (thủy – dương)
- Nội quái khởi Mậu Dần
- Ngoại quái khởi Mậu Thân
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, Tí
7. CẤN (thổ - dương)
- Nội quái khởi Bính Thìn
- Ngoại quái khởi Bính Tuất
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, Tí, Dần.
8. KHÔN (thổ - âm)
- Nội quái khởi Ất Mùi
- Ngoại quái khởi Quý Sửu
Địa Chi lần lượt từ hào sơ đến hào lục là : Mùi, Tị, Mão, Sửu, Hợi, Dậu.
IV. LỤC THÂN 六 親
Lục thân là sau loại liên hệ gần gũi với Ta, tức Phụ Mẫu (Cha mẹ), Huynh Đệ (Anh em), Thê Tài (Vợ và tiền bạc), Tử Tôn (Con cháu), Quan Quỷ (Công danh và tai họa)1. Ý nghĩa của Lục Thân sẽ biến đổi tùy hoàn cảnh mà quẻ Dịch được vận dụng, sẽ trình bày rõ ở phần Dụng Thần. Lục Thân vì hàm chưa ý nghĩa sinh khắc nên rất thích ứng để phối hợp với Ngũ hành.
Lấy Ta làm gốc. Phụ Mẫu là người sinh ra Ta (sinh Ta), Huynh Đệ là người sinh ra cùng Ta (cùng Ngũ hành với Ta), Thê Tài là người và vật mà ta điều khiển, sử dụng (Ta khắc), Quan Quỷ là những việc ảnh hưởng đến ta (khắc Ta), Tử Tôn là những kẻ do ta sinh ra (Ta sinh). Thay vì đưa Ngũ hành vào các hào trong quẻ thì người xưa đã dùng Lục Thân để thay thế. Muốn biết Ta thuộc hành nào phải xem quẻ mà ta coi thuộc vào Cung nào, rồi lấy hành của cung đó. Rồi từ đó định sinh khắc cho các hào mà đưa Lục Thân vào. Ví dụ : Quẻ Thiên Phong Cấu thuộc cung Càn (kim) : nên
- Ta thuộc Kim
- Huynh đệ vì cùng hành, nên Kim là Huynh Đệ.
- Thổ sinh Kim, nên Thổ là Phụ Mẫu.
- Kim sinh Thủy, nên Thủy là Tử Tôn
- Kim khắc Mộc, nên Mộc là Thê Tài.
- Hỏa khắc Kim, nên Hỏa là Quan Quỷ.
Tuất | Thổ - Phụ Mẫu | |
Thân | Kim – Huynh Đệ | |
Ngọ | Hỏa – Quan Quỷ | |
Dậu | Kim – Huynh Đệ | |
Hợi | Thủy – Tử Tôn | |
Sửu | Thổ - Phụ Mẫu |
(Thiên Phong Cấu)
Chính vì Lục Thân hàm nghĩa sinh khắc nên các môn Thuật số ở Trung Quốc đều sử dụng Lục Thân để định sinh khắc thay vì dùng Ngũ Hành.
V. PHỤC THẦN 伏 神
Không phải quẻ Dịch nào cũng đầy đủ Lục Thân, có quẻ thiếu Phụ Mẫu, có quẻ thiếu Thê Tài, thiếu Tử Tôn, thiếu Huynh Đệ hay Quan Quỷ, có nghĩa các hào ở trong quẻ có thể khi thiếu Kim, khi thiếu Mộc… Để giải đoán quẻ Dịch người ta cần đầy đủ các loại Ngũ Hành, vì thế tìm cách đưa những ngũ hành còn thiếu vào trong Quẻ. Phần Lục Thân thiếu sót đó vì không xuất hiện mà nằm lẫn trong các hào khác, nên được gọi là Phục Thần, với « Phục » có nghĩa « nằm nép ». Muốn tìm những phần còn sót trong Lục Thân ta phải căn cứ quẻ Bát Thuần đứng đầu mỗi Cung mà định, vì Quẻ Bát Thuần là quẻ có đầy đủ những phần trong Lục Thân.
Ví dụ quẻ Thủy Lôi Truân không có hào Thê Tài, quẻ này thuộc cung Khảm nên phải căn cứ vào quẻ Bát Thuần Khảm để tìm xem hào Thê Tài « phục » ở dưới hào nào.
Thuần Khảm | Thủy Lôi Truân | ||||
---|---|---|---|---|---|
Tí | Huynh Đệ | Tí | Huynh Đệ | ||
Tuất | Quan Quỷ | Tuất | Quan Quỷ | ||
Thân | Phụ Mẫu | Thân | Phụ Mẫu | ||
Ngọ | Thê Tài | Thìn | Quan Quỷ (phục Thê Tài – Ngọ Hỏa) | ||
Thìn | Quan Quỷ | Dần | Tử Tôn | ||
Dần | Tử Tôn | Tí | Huynh Đệ |
Quẻ Truân thiếu hào Thê Tài nên lấy hào Thê Tài của quẻ Bát Thuần Khảm là Ngọ Hỏa đến phục dưới hào tam của mình là Quan Quỷ - Thìn Thổ. Hào Thê Taig gọi là Phục Thần, hào Quan Quỷ Thìn Thổ gọi là Phi Thần.
VI. THẾ ỨNG 世 應
a. Tính Chất: Quẻ Dịch nào cũng có hào Thế và hào Ứng. Hào Thế nắm chủ động của Quẻ, mang Lục Thân nào thì Lục Thân đó nắm vị thế chánh yếu. Nằm ở vị trí nào thì vị trí đó chiếm phần quan trọng hơn. Như nằm ở hào Ngũ thì hào này ưu thế hơn các hào khác, ở hào Tam thì hào Tam quan trọng nhất chẳng hạn. Ứng là hào ở vị trí tương hợp của hào Thế. Thông thường trong một quẻ kép thì hào Sơ ứng với hào Tứ, hào Nhị ứng với hào Ngũ, hào Tam ứng với hào Lục, và ngược lại. Thành Thế ở hào Sơ thì Ứng ở hào Tứ, Thế ở hào Nhị thì Ứng ở hào Ngũ… Khi vận dụng các hào trong quẻ thì Thế là mình, là người xem quẻ, còn Ứng là người khi xem liên quan giữa ta và người. Xem cho những người không có quan hệ thân thích, như kẻ hợp tác, kẻ đối phương… cũng dùng hào Ứng để thay thế cho họ.
b. Vị trí: Ngày xưa người ta định vị trí của Thế ứng bằng khẩu khuyết thuộc lòng chẳng cần hiểu vì sao như sau:
八卦之首世六當
以下初爻輪下揚
遊魂入宮四爻立
歸魂入卦三爻詳
Bát quái chi thủ Thế Lục dương
Dĩ hạ sơ hào luân hạ dương
Du hồn nhập cung Tứ hào lập
Qui hồn nhập Quái tam hào tường
Có nghĩa: « Quẻ đứng đầu 8 quẻ thuộc một cung (tức quẻ Bát Thuần) thì Thế ở hào Lục. Sau đó Thế lần lượt ở hào Sơ mà tính dần lên (tức hào Nhị, hào Tam, hào Tứ, hào Ngũ). Quẻ Du Hồn Thế ở hào Tứ, Quẻ Qui Hồn Thế ở hào Tam.
Ví dụ: Cung Càn gồm 8 quẻ : Quẻ đầu là Bát Thuần Càn, quẻ 2 là Cấu, quẻ 3 là Độn, quẻ 4 là Bỉ, quẻ 5 là Quán, quẻ 6 là Bác, quẻ Du Hồn là Tấn, quẻ Qui Hồn là Đại Hữu, thì Càn có Thế ở hào Lục, Cấu có Thế ở hào Sơ, Độn có Thế ở hào Nhị, Bỉ có Thế ở hào Tam, Quán có Thế ở hào Tứ, Tấn có Thế ở hào Tứ, Bác có Thế ở hào Ngũ, Đại Hữu có Thế ở hào Tam.
Ở các cung khác như Đoài, Li, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn cũng áp dụng tương tự như vậy
Học thuộc lòng khẩu khuyết thì xác định vị trí của Thế Ứng khá nhanh, nhưng như trước đây đã đề cập, Vị trí của các quẻ trong mỗi cung tuỳ thuộc số hào động lần lượt từ hào sơ mà tính lên của quẻ Bát Thuần. Như quẻ Bát Thuần Càn động hào Sơ thì biến thành quẻ Thiên Phong Cấu, động thêm hào Nhị biến thành Thiên Sơn Độn… và quẻ Cấu có Thế ở hào Sơ, quẻ Độn có Thế ở hào Nhị… Vì thế muốn tìm vị trí của Thế ở tại bất kỳ một quẻ nào đó, ta chỉ cần động ngược trở lại, ngang đến hào nào mà quẻ trở thành quẻ Bát Thuần thì không những biết vị trí của Thế mà còn biết quẻ thuộc vào cung nào nữa.
Ví dụ: Quẻ Phong Lôi Ích
Động hào sơ biến thành |
Động thêm hào nhị biến thành |
Động thêm hào tam biến thành |
||||
bấy giờ đã trở thành quẻ Bát Thuần Tốn. Cứ động cho đến khi trở thành quẻ Bát Thuần thì ngưng.
Vậy quẻ Phong Lôi ích thuộc cung Tốn, có Thế ở hào Tam (vi động đến hào Tam thì trở thành quẻ Bát thuần). Ngoài ra cứ phỏng như thế mà tìm thì khá nhanh. Quẻ Qui Hồn cũng dễ nhận biết vì Nội quái và Ngoại quái là hai quẻ có hào Nhị âm dương trái nhau. Như Khôn (hào nhị âm) và Khảm (hào nhị dương), nên quẻ Địa Thuỷ (Khôn+Khảm) Sư hay Thuỷ Địa (Khảm+Khôn) Tỉ đều là quẻ Qui Hồn.
VII. PHÉP CHIÊM QUÁI
Chiêm quái là tạo thành quẻ Dịch để dựa vào quẻ mà luận đoán. Có một sự liên hệ giữa con số và sự việc mà người muốn xem, làm sao tạo được số để lập nên quẻ. Bói về Tiên thiên thì nhờ hiện tượng trời đất, hay sự việc bất chợt xảy ra trước mắt…, xem thuộc vào quẻ nào trong bát quái để có một quẻ, cộng thêm năm tháng ngày giờ chẳng hạn để có quẻ thứ hai. Bấy giờ chồng hai quẻ để lập quẻ kép. Bói hậu thiên phải tìm cách tạo số, để từ đó lập nên quẻ Dịch.
Bốc Dịch là loại bói Hậu thiên, dùng cách tạo quẻ hoặc tạo số rồi từ số đưa đến quẻ. Cách thức thay đổi tuỳ thời, nhưng chỉ phân thành hai loại:
-
Ngày xưa bói bằng cây cỏ thi, dùng 50 cây cỏ thi phân ra mà lập quẻ. Cách phân tách hai nhóm để lập nội quái và ngoại quái. Nội quái trước, ngoại quái sau. Lối này xưa vốn phức tạp và rắc rối và mất thì giờ, không tiện để thầy bói hành nghề trong dân gian. Nên về sau chuyển thành lối bói “Phệ trúc”, tức dùng thẻ tre. Vì ngày xưa cỏ thi cũng được bọc lụa đỏ, nên thẻ tre thường được sơn đỏ để tăng dương khí.
-
Tương truyền đến thời Quỉ Cốc Tử đã dùng ba đồng tiền để bói thay cho cỏ thi. Một đồng tiền trong vuông ngoài tròn, một mặt có chữ một mặt trơn. Mặt trơn là là mặt sấp (S) tức Dương, mặt có chữ là mặt ngửa (N) tức Âm. Một lần gieo quẻ gồm 3 đồng tiền. Trong Dịch học thì “thiểu số thống trị đa số”2 nên gieo ra 3 đồng tiền có hai mặt giống nhau thì kể mặt thứ ba. Như SSN thì kể N, NNS thì kể S. Nếu SSS thì kể S nhưng toàn Dương mà không có Âm thì hào này là động, tương tự NNN thì kể N nhưng toàn Âm không Dương nên hào này động. Thường thầy bói kiếm ba đồng tiền giống nhau tức cùng một loại tiền và cùng một niên hiệu, và đồng tiền này lấy trong kho chưa được lưu dùng trên thị trường.
- Về gieo quẻ thì cần thành tâm. Đi bói thì thầy bắt phải khấn cầu như: Trời bảo sao thì Thần chỉ cho biết. Nay tôi tên họ… có việc… không biết hung cát ra sao, xin chỉ cho biết. Sau đó thầy xem mới gieo quẻ 6 lần để có sáu hào, gieo từ hào sơ đến hào lục. Thông thường có một mai rùa lớn để ngửa, thầy bỏ 3 đồng tiền vào trong một mai rùa nhỏ còn cả yếm, Xong bịt hai đầu để lắc cho đều rồi mở một đầu để 3 đồng tiền xổ vào mai rùa lớn. Thầy bói thường mù nên lấy tay mà rờ xem ngửa hay sấp, cứ mặt có chữ là ngửa, còn không chữ là sấp. Gieo lần đầu sẽ có hào sơ. Nếu dương thì được vạch đơn __ mà âm thì vạch kép _ _ Nếu 3 Sấp tức vạch trùng O, mà 3 Ngửa tức vạch giao X mà giao và trùng thì hào sẽ động.
Sau khi gieo 3 lần thì tạo được một quẻ đơn là nội quái, lại khấn tiếp là đã được quẻ gì đó, chưa quyết được hung cát, cầu xin gieo ba lần nữa để thành một quẻ mà đoán. Rồi gieo thêm ba lần nữa tạo thành ngoại quái. Tổng cộng có 6 hào âm dương cùng tĩnh và động.
Với lối dùng đồng tiền, người gieo phải là thầy bói, không phải là người xem. Vì tâm thầy thường không động trước sự việc của người xem cần hỏi.
Với lối dùng 3 đồng tiền gieo quẻ có thể động nhiều hào, khiến người đoán dễ sinh bối rối, nhưng sự việc có thể suy đoán dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
- Dùng thẻ tre đương nhiên người xem cũng như thầy bói phải thành tâm. Dụng cụ để bói gồm 50 thẻ tre dài chừng 24cm đến 45cm. Thầy bói đối diện với người xem, trước hết lấy rút một thẻ đặt lên bàn, còn lại 49 thẻ. Lấy hai tay giăng ra thành hình quạt rồi lấy sức tách thành đôi. Sau đó lấy một thẻ tre từ nắm bên tay phải nhập vào số thẻ tre trong tay trái. Lấy số thẻ tre trong tay trái bớt dần đi mỗi lần 8 thẻ, số còn lại sẽ còn từ 1 đến 8. Số này định quẻ đơn ở Nội quái với số thứ tự ấn định trong bát quái là:
Càn số 1, Đoài số 2, Li Số 3, Chấn số 4, Tốn số 5, Khảm số 6, Cấn số 7, Khôn số 8
Lại theo cách cũ để tách số thẻ tre để tạo Ngoại quái.
Ví dụ lần đầu còn thừa 3 thẻ tức ta được quẻ Li, lần sau còn thừa 4 thẻ ta được quẻ Chấn. Như vậy Nội quái là Li, Ngoại quái là Chấn, ta có quẻ Lôi Hoả PHONG.
Lấy tổng số thừa của hai lần để bớt đi 6 (số hào của quẻ), ta có số hào động. Ở ví dụ trên tổng số hai lần là 3 + 4 = 7, lấy 7-6 = 1, vậy bói được quẻ Lôi Hoả Phong với hào sơ (hào một) động, để biến thành Lôi Sơn Tiểu Quá.
Tuy nhiên khi hành nghề các thầy bói chỉ dùng 16 thẻ tre là một bội số của 8 quẻ, để tạo sự giao tiếp giữa thầy và người xem, thầy giăng thẻ để người xem bốc3 lấy trong hai lần. Lần đầu trừ bớt 8 số thừa tạo thành Nội quái tính theo cách trên. Lần bốc thứ hai cũng trừ bớt 8 và số thừa tạo thành Ngoại quái. Tổng số thẻ của hai lần bốc trừ bớt 6, còn bao nhiêu là số hào động ở trong quẻ. Ví dụ lần đầu bốc 15 thẻ tức trừ 8 còn thừa 7 thẻ, được quẻ Cấn; lần hai bốc được 13 thẻ, trừ 8 còn 5 tức được quẻ Tốn. Quẻ bói được là trên Tốn dưới Cấn tức Phong Sơn Tiệm, Tổng số hai lần bốc là 15 + 13 = 28, trừ bớt dần với 6, còn thừa 4 thẻ, tức bói được quẻ Tiệm động hào tứ biến thành Thiên sơn Độn.
Lối bói bằng thẻ tre này tuy ứng nghiệm nhưng có khuyết điểm là bao giờ cũng chỉ có một hào động mà thôi, giải quyết hung cát thì dễ nhưng không thể thấy tổng quát được mọi khía cạnh của vấn đề mình cần xem.
Footnotes
-
Phải kể thêm cả Ta mới đủ 6 loại. ↩
-
Đây là quan niệm tối cổ ở Trung Quốc, và nền cai trị quân chủ cũng dựa vào quan niệm này. Trên cùng chỉ có một ông vua mà thôi. Lý lấy từ Thái cực sinh hai Nghi, hai Nghi sinh Tứ tượng… ↩
-
Bốc vốn có nghĩa là bói, nhưng vì khi bói nhặt một số thẻ nên biến thành động từ là “bốc” cỏ nghĩa nắm lấy. ↩