Dẫn nhập: Đại cương về Dịch
Dịch vốn có nguồn gốc từ xa xưa, khảo sát về Dịch ta thấy có ba giai đoạn gọi là Tam Dịch, đó là Liên Sơn, Quy Tàng và Chu Dịch. Theo Đỗ Tử Xuân đời Hán thì Liên Sơn là Dịch thời Phục Hy, Quy Tàng là Dịch thời Hoàng Đế, nhưng với Trịnh Huyền trong Dịch Luận thì “nhà Hạ có Liên Sơn, nhà Ân có Quy Tàng, nhà Chu có Chu Dịch”. Trịnh Huyền lại giải thích: “Liên Sơn là tượng núi lộ ra khỏi mây, nối liền không dứt; Quy Tàng là chất chứa vạn vật ở bên trong; Chu Dịch là bao trùm khắp không nơi nào là không đến. Liên Sơn đã thất thoát trước đời nhà Đường (618-907), Quy Tàng thất thoát từ đầu đời Hán (202 trước TL – 8 sau TL), chỉ Chu Dịch là còn truyền đến ngày nay.”
Dựa vào truyền thuyết thì các Nho gia cho rằng Dịch bắt đầu từ vua Phục Hy, lúc đó ở Hoàng hà xuất hiện con long mã, vua xem khoáy trên lưng của nó mà hiểu được lẽ biến hóa của vũ trụ để vạch thành quẻ. Trong phần Hệ từ ở Chu Dịch vốn do Văn Vương và Chu Công viết ra, có chép: “Ngày xưa họ Bào HY làm vua thiên hạ, ngẩng lên thì xem tượng ở trời, cúi xuống thì xét xem phép tắc dưới đất, xem vẻ đẹp của chim muông với thích ứng của trời đất, gần thì dựa vào thân mình, xa thì lấy vạn vật rồi vạch ra bát quái để cảm thông với đức của thần minh, và hòa với tình của muôn vật.” Đầu tiên chỉ gồm hai vạch là vạch liền ____ và vạch đứt __ __ tượng cho âm dương, hai vạch đó gọi là Lưỡng Nghi, lại chồng hai Nghi lên nhau mà sinh thành Tứ tượng, rồi chồng ba vạch lên nhau mà tạo thành Bát quái tức là 8 quẻ đơn trong Dịch. Bát quái tượng lệ dùng hình tượng để mô tả bát quái:
- Càn tam liên (Quẻ Càn gồm 3 vạch liền)
- Khôn lục đoạn (Quẻ Khôn gồm sáu vạch đứt)
- Chấn ngưỡng bồn (Quẻ Chấn hình như cái chậu ngửa)
- Cấn phúc uyển (Quẻ Cấn có hình cái chén úp)
- Ly trung hư (Quẻ Li thì ở giữa rỗng)
- Khảm trung mãn (Quẻ Khảm thì ở giữa đầy)
- Đoài thượng khuyết (Quẻ Đoài ở trên khuyết)
- Tốn hạ đoạn (Quẻ Tốn ở dưới đứt)
Nhưng vạn vật thì muôn vẻ, biến hóa không lường, nên vua mới chồng các quẻ này lên nhau mà tạo thành quẻ kép. Tất cả là 64 quẻ, mỗi quẻ gồm 6 vạch, được gọi là Hào, tổng cộng 384 hào, với số hào này có thể biểu hiện được biến hóa của muôn vật.
Từ đời Phục Hy đến hết nhà Thương (1122 trước TL), Dịch chỉ gồm những vạch liền và vạch đứt. Đến Văn Vương (khoảng 1144 trước TL) mới thêm lời dưới mỗi quẻ để nói rõ hung cát, gọi là lời Thoán (tức Thoán từ). Đến Chu Công con của Văn Vương lại đưa thêm lời vào dưới mỗi hào của của quẻ gọi là Hào từ. Sau cùng là đến Khổng Tử soạn thêm các phần Thoán Truyện, Tượng Truyện, Văn Ngôn, Hệ Từ truyện, Thuyết Quái, Tự Quái,. Mục đích cũng để giải thích các quẻ và các hào. Văn Vương, Chu CÔng rồi đến Khổng Tử sợ người đời sau không hiểu Dịch với một mới quẻ và vạch nên đưa lời vào nói rõ lẽ biến hóa, sự hung cát. Nhưng cũng chính vì thế mà người đời sau biến Dịch thành một cuốn sách bí hiểm, cổ quái. Từ nhà hán trở đi các học giả đua nhau chú thích Dịch, mỗi người chú giải một ý, họ đã đưa Dịch trở thành Kinh vì là sách được Khổng Tử san định, rồi cho rằng Dịch là sách trình bày đạo lý. Thật ra Dịch chỉ là sách bói toán. Trong Chu Lễ có viết: “Chưởng Tam dịch chi pháp, nhất viết Liên Sơn, nhị viết Quy Tàng, tam viết Chu Dịch” (Quan Thái bốc giữ Tam Dịch, thứ nhất là Liên Sơn, thứ hai là Quy Tàng, thứ ba là Chu Dịch), mà Thái Bốc là quan trông coi việc bói. Cũng chính nhờ là sách bói nên về sau Dịch mới thoát khỏi ngọn lửa đốt sách của nhà Tần.
Ở Trung Quốc khi giải thích vũ trụ có hai luồng tư tưởng là về Âm dương và về Ngũ hành. Âm dương liên quan đến Dịch, còn Ngũ hành thì không. Trong thiên Hồng Phạm ở Kinh Thư đã trình bày về Ngũ hành, chứng tỏ Ngũ hành xuất hiện rất sớm không thua gì Dịch. Thái cực phân thành âm dương đâu có thể dễ dàng định hung cát, chính vì thế mới chuyển dần thành Bát quái, rồi vì đời lắm việc, khiến phải cồng 8 quẻ trong bát quái chuyển thành quẻ kép để được 4 quẻ mới giải quyết được. Nhưng cũng chỉ dùng cho các bậc Thánh, đâu có thể để cho người sau am tường, vì thế mới có sự hợp nhất của hai luồng tư tưởng nói trên. Ngũ hành vốn phân phối chi li vào vạn vật với quy luật sinh khắc rõ ràng chính xác. Sự hợp nhất này đã được Tư Mã Đàm đề cập khi nói đến các Âm Dương gia. Tuy trong thiên Hồng Phạm ở Kinh Thư, điều 7 trong Cửu trù “trạch kiến lập Bốc phệ nhân, nãi mệnh bốc phệ” (chọn đặt người bói Bốc phệ khiến họ nói Bốc phệ). Bốc vốn có nghĩa “vấn quy” (hỏi rùa), tức hỏi sự việc hung hay cát bằng con rùa. Thuở ban sơ của Bốc là dùng một con rùa có mai đường kính phải lớn hơn một thước, xem sự chuyển dịch của chân và đầu. Phép bốc này về sau không thấy dùng, mà lại thay bằng mai rùa. Phệ là lối bói dùng cỏ thi. Dù Bốc hay Phệ khi bói hình thức đều vô cùng rắc rối. Về sau khi ngành bói phát triển trong dân gian Bốc và Phệ được hợp nhất giữa hình thức và nội dung. Người bói dùng đồng tiền hoặc thẻ tre thay cho cỏ thi và đặt hay gieo ở mai rùa. Phệ thường dùng lời của quẻ của hào từ để định hung cát, nhưng đọc truyện kể Văn Vương gieo quẻ định khí số Trụ Vương chấm dứt vào ngày Giáp Tí năm Mậu Ngọ, hoặc việc Khương Thượng bói ra quẻ Cấn về việc thâu tiền lương thì chắc chắn phải vận dụng về ngũ hành. Nhưng không đáng tin vì những truyện này được viết vào thời nhà Minh, lúc Bốc Phệ thịnh hành cực điểm trong xã hội. Theo các sách Thuật số sau này thì chính Quỷ Cốc Tử, một người không rõ quê quán mà tính danh tương truyền là Vương Hủ, sống vào đời Chu, ông tổ của Tung Hoành Gia, thầy của Trương Nghi, Tô Tần và Bàng Quyên, Tôn Tẫn đã chuyển Ngũ hành vào các hào trong 64 quẻ Dịch, và vận dụng được sinh khắc biến hóa của Ngũ hành phối hợp với âm dương của các hào Dịch mà dự đoán chính xác cát hung của muôn việc. Tuy nhiên trong truyện Đông Chu, khi bói cho Bàng Quyên cùng Tôn Tẫn, Quỷ Cốc Tử lại dùng chiết tự. Phải đến đời Tam Quốc với quẻ bói của Thần bốc Quản Lộ “Tam bát tung hoành. Hoành trư ngộ hổ. Định Quân chi nam. Thương chiết nhất cổ” (Ba tám dọc ngang, Lợn vàng gặp hổ, Phía nam Định Quân, Gãy mất một chân), thì đã thấy dùng hào Hợi (lợn) thuộc Kim (vàng), gặp Dần (cọp), tức về sau ứng vào năm Kỷ Hợi tháng Dần, tức vào giai đoạn này đã phối hợp Ngũ hành để bói.
Thiệu Khang Tiết người đời Tống mà các học giả về sau xếp ông vào nhà Vũ Trụ luận vì đã dùng Dịch để giải thích vũ trụ. Ông vận dụng các quẻ trong sự luân lưu bốn mùa, của ngày tháng giờ, mà những yếu tố thời gian này hoàn toàn bị chi phối bởi Ngũ hành. Môn Mai Hoa Dịch do ông sáng tạo tuy chỉ dùng Bát quái, nhưng đã định Ngũ hành cho bát quái, nhờ đó mới định được quẻ nào tượng cho vật gì, cho điều gì, cho thời điểm nào… Thật ra sự tương ứng giữa Dịch và Số vốn đã có từ xưa, ngay từ thời Lạc thư xuất hiện, nhưng biến đổi qua những hình thức khác nhau. Thiệu Khang Tiết khi bói Hậu thiên đã dùng số để vạch quẻ, còn về sau nữa khi lan truyền rộng rãi trong dân gian đã dùng đồng tiền và thẻ tre để định quẻ, cốt để đáp ứng đòi hỏi có quẻ thật nhanh, nhưng cũng rất ứng nghiệm.
Đến nhà Hán, Dịch phân thành hai nhánh. Vương Bật đời nhà Hán lại dùng Lão Trang để giải thích Dịch, nên người đời lầm tưởng Dịch là sách nói về Lý. Mà việc đưa lời vào quẻ của Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử khiến người đời sau bám vào lời mà không ngẫm nghĩ đến các vạch của Phục Hy, khiến lầm tưởng Dịch là môn triết lý. Và người theo học Dịch lại cố tránh không nói đến bói, mà xem như bói là thấp kém, khiến về sau không xiển dương được phần nào vận dụng của Dịch trong cuộc sống, mà còn làm hiểu sai lầm về Dịch. Một số học dụng của Dịch chỉ chú trọng vận dụng của Ngũ hành trên 6 hào, bám níu vào cái Dụng mà xa rời cái Thế của Dịch. Thêm nữa lớp người này phần lớn học để tạo thành nghề độ nhật, khiến không phát huy được phần cao siêu của Dịch, mà còn hạ thấp để trở thành mê tín. Vả lại việc vận dụng Ngũ hành dựa theo âm dương trong Dịch đâu có dễ dàng. Cái hay trong việc vận dụng là tùy trình độ mà đạt được đến mức thấp hay cao, cho thấy được bài giải của một môn thuật số tối cổ của Trung Quốc.
Đến đời Nhà Minh, việc học Bốc Phệ khá thịnh hành, không chỉ truyền trong lớp người hành nghề bói Dịch, mà ở mọi tầng lớp đều có người thông hiểu Bốc Phệ. Sở dĩ được truyền bá rộng rãi vì việc viết và phát hành sách về Bốc Dịch đã khá phổ biến. Không những chỉ ghi chép về lời truyền của người xưa mà còn đem những chứng nghiệm thực tế để bài bác hoặc sửa đổi hoặc bổ khuyết, khiến Bốc Phệ có một nền móng ngày càng vững vàng hơn. Thời này những cuốn sách về Bốc Phệ như Dịch Mạo, Dịch Lâm Bổ Di, Bốc Phệ Chánh Tông rồi Tăng San Bốc Dịch được truyền bá rộng rãi. Những sách này đều trình bày được sở đắc của mình, hoàn toàn dựa vào lý lẽ vững chắc về âm dương ngũ hành, khiến kẻ hậu học dễ dàng học và hiểu Dịch hơn.
Đến Đời Thanh tuy cũng có nhiều sách về bói Dịch, nhưng nổi tiếng vẫn là Bốc Dịch Đại Toàn, đó là cuốn sách trong môn thuật số thuộc Tứ Khố Toàn Thư dưới triều vua Khang Hy.
Sách mà chúng tôi soạn ở đây là cuốn Tăng San Bốc Dịch với Tăng San có nghĩa bổ sùn và gạt bỏ, tức là có nghĩa bồi bổ thêm và gạt bỏ đi những phần sai lầm về Bốc Dịch truyền lại từ xưa. Tác giả là Dã Hạc Lão Nhân, một nhân vật không rõ quê quán và danh tính, Dã Hạc chỉ là danh hiệu, có nghĩa “con hạc ở ngoài đồng” hàm ý “tự tại với trời đất cao rộng”. Hơn 40 năm hành nghề về Bói Dịch, trải qua nhiều vùng ở Trung Quốc nên rất lịch lãm. Rồi ghi chép những kinh nghiệm, nhận thức của mình trên những kiến giải của mình để đoán định lại những quẻ Dịch được cổ nhân truyền với lý luận chặt chẽ, cũng bài bác những điều mà ông cho là người xưa sai lầm, khiến hậu học tâm phục khẩu phục. Tuy đương thời cũng nhiều người bài bác sách này ở một số quan điểm nêu ra, nhưng về sau mọi người đều phải công nhận Tăng San Bốc Dịch là cuốn sách được truyền bá khá rộng rãi không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở nước ta nữa.
Nội dung của sách trình bày việc áp dụng Ngũ hành trong Dịch với những quy tắc để vận dụng chúng. Sách không bàn về lời hung cát, lẽ hung cát của quẻ Dịch được dựa vào sinh khắc chế hóa của ngũ hành các hào, phát huy việc dùng Thế Ứng, rồi lại định thêm Dụng thần, mà Dụng thần cũng là phần trọng yếu trong môn Bát Tự. Việc vận dụng ngũ hành để định hung cát mà không dựa vào lời quẻ, lời hào khiến việc xác định dễ dàng hơn, mới thấy được cách để tìm hướng giải quyết khi gặp hoàn cảnh thiếu thuận lợi vì thế hiểu được vì sao người xưa đã xếp môn học này thuộc vào môn “tạo mệnh” mà không phải thuộc vào môn “thụ mệnh”.
Ở nước ta ngày trước môn Bốc Phệ vào thời nhà Nguyễn cũng khá thịnh hành. Đọc trong gia phổ và ngay trong Thực lục nhà Nguyễn cũng đã từng ghi tên những quẻ bói Dịch đã áp dụng ở thời đó. Học thuật này đã được sĩ phu ở Nghệ An truyền vào Kinh Đô Huế, từ những bậc khoa bảng cho đến những người khiếm thị hành nghề độ nhật đều đã nắm được phần nào tinh túy trong học thuật này, khiến một số vang danh đương thời và đang còn lưu tên đến hôm nay. Hai cuốn Tăng San Bốc Dịch và Bốc Phệ Chính Tông khá phổ biến trong giới học Dịch. Nhất là cuốn Tăng San đã có khắc in tại nước ta vào cuối triều Nguyễn.
Tăng San Bốc Dịch chính bản gồm 130 chương, được khắc in nhiều lần và nhiều thời, nên về sau bị cắt bỏ càng nhiều. Nói là Dã Hạc Lão Nhân viết nhưng đọc các phần trong sách thì biết do người sau soạn lại, ghi chép những lời giảng của Dã Hạc và sắp thành chương cú. Và cũng chính vì thế phần không biết xếp vào đâu, mà bỏ đi thì tiếc công lao người xưa nên cũng phân thành chương riêng, khiến thiếu hệ thống và khá lộn xộn. Sách lại được những người nghiên cứu về Dịch thời đó đóng góp ý như Lý Ngã Bình ở Sở Giang, cũng được Lý Văn Huy biệt hiệu Giác Tử bổ túc hoặc cắt bỏ, mà con trai và rể của ông hiệu đính nữa.
Sách viết theo lối cổ, mà cái học người xưa lại trọng về phú là một lề lối sử dụng câu đối, tuy vắn tắt nhưng dễ nhớ. Vì thế khi soạn và viết lại, chúng tôi cố gắng kết hợp một số chương liên đới nhau để gom lại thành ít chương hơn, mặt khác cố gắng giữ lại hoàn toàn những câu phú được nêu ra trong sách cùng ví dụ áp dụng, để người học sau này, từ đó phát huy thêm và có thể linh động áp dụng trong hoàn cảnh mới, để có những kết quả đoán định hoàn hảo như người xưa đã mong muốn với môn học này.
Lạc Biên Phủ, ngày Rằm tháng Bảy
Năm Ất Dậu
Người soạn dịch
Vĩnh cao