Tử Đột đem quân đánh Vệ
Chính trị phải đi đôi với Quân sự. Chính trị mà thiếu Quân sự, chính trị hỏng, Quân sự mà thiếu chính trị, quân sự không thành công.
Kiềm Mâu lên nối ngôi nước Vệ, Công Tử Sóc muốn đoạt ngôi nên viện binh năm trước: Lỗ, Tống, Tề, Trần, Sái đến đánh Kiềm Mâu để phục nghiệp.
Kiềm Mâu hay tin lòng lo lắng, vội viết tờ cáo cấp gởi về nhờ Thiên Tử nhà Châu cứu giúp.
Châu Trang Vương xem văn biểu rồi hỏi các quan:
- Ai dám thay mặt trẫm đem binh đi cứu nước Vệ chăng?
Châu Công quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ, từ khi nhà Châu thua Trịnh lòng quân giải đãi.
Nay nếu đi chinh phạt e khó thắng, vã lại chư hầu lấy cớ phục nghiệp vua nước Vệ là danh chánh ngôn thuận, chúng ta không thắng nổi đâu.
Quách Công Kỵ Phủ cũng cho lời nói ấy là phải.
Bỗng có người bước vô tâu:
- Lời nói của hai ông thật không đúng. Nếu bảo rằng quân của chư hầu mạnh hơn binh triều thì phải nhưng nếu bảo việc chư hầu phục nghiệp cho Vệ Sóc là danh chánh ngôn thuận thì thật sai lầm không thể chối cãi được.
Các quan xem lại người vừa nói đó là Tử Đột, đang làm chức Hạ Sĩ.
Châu Công quắc mắt nhìn Tử Đột hỏi:
- Một nước Chư hầu bị tiếm ngôi, các nước khác đem binh tới cứu thế mà không danh chính ngôn thuận ư?
Tử Đột nói:
- Việc lập Kiềm Mâu lên ngôi nước Vệ đã cso Vương mạng thì sao gọi là tiếm vị? Vương mạng mà không kể, lại kể chư hầu nầy lặp chư hầu kia là danh chánh ngôn thuận sao?
Quách Công Kỵ Phủ nói:
- Đừng nói đến thuận nghịch gì cả. Việc binh gia phải căn cứ vào sức mạnh. Cái mạnh bao giờ cũng có lý, mà có lý tức là lẽ phải rồi.
Tử Đột cãi lại:
- Lý lẽ và sức mạnh là hai việc khác nhau. Mạnh yếu tại sức, còn hơn thua là tại lý. Nếu bỏ lý mà vẫn nên việc, ắt thiên hạ phỉa đảo điên, không còn ai theo lẽ phải nữa.
Quách Công đỏ mặt nói:
- Nếu đem binh cứu Vệ, ngươi dám đảm trách chuyện đó không?
Tử Đột nói:
- Cứ lấy lý mà nói thì tôi sẽ thắng, vì tôi sẽ đem lý của tôi mà khuyên nhủ các chư hầu. Một khi chư hầu đã nhìn nhận lẽ phải thì gươm giáo không còn là vật đáng sợ nữa.
Các quan nghe Tử Đột lý luận như vậy ai nấy đều muốn thử thách tài năng, nên tâu với vua cho phép Tử Đột được hưng binh cứu Vệ.
Châu Trang Vương nhận lời, khiến Quách Công Kỵ Phủ phát cho Tử Đột ba muôn binh ròng.
Châu Công đã có ý ghét Tử Đột nên chỉ phát cho hai trăm cỗ binh xa mà thôi.
Tử Đột ngạc nhiên nói:
- Sao ngài lại phát binh xa cho tôi ít như vậy?
Châu Công nói:
- Nếu ngươi dùng sức mạnh mà thắng giặc thì ta sẽ phát binh nhiều, nhưng nay ngươi dùng lý lẽ để thắng giặc thì cần chỉ đến quân sĩ cho đông?
Tử Đột làm thinh lạy tạ vua rồi kéo quân ra đi.
Lúc ấy quân của năm nước chư hầu đã đến vây thành nước Vệ đông nghẹt. Tử Đột dẫn một toán quân quá ít, vừa đến nơi thì binh lao mã liệt, xe cộ ngửa nghiêng, chưa kịp nói gì với chư hầu đã bị quân năm nước áp đến đánh một trận manh giáp tơi bời mạnh ai nấy chạy trốn.
Tử Đột ngước mặt lên trời than:
- Ta vâng mệnh Thiên Tử đến đây dẹp giặc dẫu có thác cũng được tiếng trung nghĩa.
Nói rồi liều chết vung gươm giết hơn mười mấy tên địch, mới tự vận…
Nhận xét:
Từ xưa nay trong xã hội loài người vẫn có hai quan niệm chống đối nhau trong lẽ sống.
Quan niệm thứ nhất: Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng (La raison du plus fort est toujours meilleure).
Quan niệm thứ hai: Lý vô nhị thi. Lẽ phải không bao giờ có hai mặt.
Quan niệm thứ nhất cho sức mạnh trên hết. Sức mạnh đây không phải chỉ nói riêng về sức mạnh vật chất mà bao gồm cả sức mạnh về kim tiền, về thế lực nữa. Kẻ chủ trương sống trong sức mạnh bao giờ cũng dùng sức mạnh trấn áp nhân tâm, dùng bạo lực làm cứu cánh.
Quan niệm thứ hai cho lẽ phải là một sức mạnh tuyệt đối, không có gì lay chuyển nổi. Lẽ phải đây tức là nhân đạo. Kẻ chủ trương sống trong lẽ phải thường lấy nhân tâm làm mực thước, không thửa nhận sức mạnh vật chất, mà chỉ biết có sức mạnh tinh thần.
Cả hai quan niệm đều đưa đến những thành công. Tuy nhiên, trong đời không phải lúc nào cũng dùng bạo lực, hoặc lúc nào cũng dùng đạo đức. Các nhà chính trị gia ngày nay cũng đã kinh nghiệm nhiều trên trường tranh đấu rồi, họ rất già giặn, họ biết lúc nào phải có bạo lực, lúc nào phải dùng đạo đức chinh phục. Có điều, dù trong trường hợp nào cũng vậy, chính trị không thể tách rời quân sự và ngược lại. Cũng như đạo đức không thể tách rời bạo lực được.
Kẻ không ngoan phải tùy thời tùy lúc mà áp dụng.