Trịnh trang Công gặt lúa Ôn Ấp
Có những việc nhỏ cần bỏ qua để bảo vệ việc lớn. Có những cái tức nhỏ, cần phải nhẫn nhục để khỏi phải mang cái hận lớn về sau.
Trịnh trang Công làm Khanh sĩ triều nhà Châu, nhân vì trong nước có biến không thể sang triều Châu bình chánh được.
Châu bình Vương không thấy Trịnh trang Công đến, nhân lúc Quách Công Kỵ Phủ vào chầu, ý muốn nhờ Quách Công Kỵ Phủ quyền đỡ công việc triều đình Quách Công Kỵ Phủ từ chối không nhận, tâu:
- Trịnh trang Công không đến ắt trong nước có việc, nếu bệ hạ dạy hạ thần quyền thế Trịnh Trang công không những óan Bệ hạ mà còn oán hạ thần nữa. Hạ thần chẳng dám vâng mạng
Trịnh trang Công tuy không qua triều Châu nhưng vẫn có người ở Kinh sư dò la tin tức, thấy Châu Bình Vương có ý như vậy, Trịnh trang Công liền sửa sang xa giá đến ra mắt Châu bình Vương và tâu:
- Hạ thần đội ơn bệ hạ. cha truyền con nối cả hai đời làm Khanh sĩ, nay xét mình bất tài, xin từ chức lui về Trịnh để giữ chức hầu.
Châu Bình Vương cố thanh minh ý kiến của mình muốn nhờ Châu Công Kỵ Phủ quyền đở mà thôi, Không có ý truất bỏ Trịnh Trang Công. Tuy nhiên Trịnh trang Công vẫn không thông cảm. Sau đó, Châu Bình Vương phải cho Thái tử Hồ sang Trịnh làm con tin để cho Trịnh trang Công thấy lòng mình mà không nghi kỵ nữa.
Sau đó, Bình Vương băng hà, vua Hoàn Vương lên nối ngôi, nghĩ đến việc Trịnh trang Công bắt Thái tử Hồ sang làm con tin lấy làm giận, tìm cách truất phế Trịnh trang Công.
Trịnh trang Công về nước Trịnh, kể việc mình bị Hoàn Vương nhà Châu bạc đãi cho triều thần nghe.
Quan Đại phu Cao Cử Di nói:
- Chúa công từ trước đến nay đã hai đời giúp nhà Châu công trạng rất lớn. Còn Thái tử Hồ sang ở nước ta, chúng ta không có gì vô lễ, nay vua nhà Châu lại bỏ Chúa công dùng Quách Công Kỵ Phủ, thì thật là kẻ bất nghĩa. Xin Chúa công ra binh đánh nhà Châu, phế Hoàn Vương mà lập vua khác, như thế các chư hầu mới kính nể nước Trịnh.
Dĩnh khảo Thúc nói:
- Không nên thế. Đạo vua tôi như tình mẹ con Chúa công đã không thù mẹ sao lại thù Chúa? Chúa công nên kiên nhẫn, chờ vua Hoàn Vương ăn năn hối cải mà trọng dụng, đừng nóng nảy mà mất khí tiết mấy đời nhà Trịnh.
Tế Túc bàn:
- Cả hai ý kiến đều có lý. Vậy tôi có một cách dung hòa hơn. Chúng ta cần dò xét thái độ vua Hoàn Vương xem có phải là người biết ăn năn hối cải không đã. Nay đem một đạo quân sang đất nhà Châu lấy cớ mất mùa, mượn lúa ở ôn ấp.
Nếu nhà Châu trách phạt ta sẽ sanh sự, bằng không, Chúa công phải thân hành vào triều can gián vua Hoàn Vương.
Trịnh trang Công cho là phải, bèn sai Tế Túc cất quân kéo đến Ôn ấp.
Quan giữ Ôn ấp là Ôn Đại phu thấy thế la hoảng:
- Sao ngài lại làm ngang như thế ? Chưa có lệnh Hoàn Vương tôi không thể nào cho mượn lúa được.
Tế Túc nói:
- Hiện nay ở đây lúa mạch đang chín, còn nước tôi thiếu lúa ăn, nếu không cho mượn tôi cứ tự tiện gặt lấy.
Nói xong khiến quân đem liềm xuống ruộng mà gặt. Ôn Đại Phu thấy quân Trịnh mạnh quá. không dám ngăn cản, vội chạy về Lạc Dương cấp báo.
Hoàn Vương nổi giận định hưng binh đánh Trịnh, nhưng Châu Công Hắc Kiên can:
- Tế Túc gặt lúa trộm chỉ là việc nhỏ ở biên đình. Bệ hạ không nên vì việc nhỏ mà bỏ việc lớn. Xin cứ lấy đại lượng đối xử, Trịnh trang Công sẽ ăn năn cải hối.
Châu Hoàn Vương nhận lờì, bỏ qua việc ấy.
Quả nhiên, Trịnh trang Công có ý ăn năn, không còn hiềm khích Hoàn Vương nữa. và phục tùng nhà Châu như trước.
Nhận xét:
Trịnh trang Công gặt lúa nhà Châu ở Ôn ấp chỉ là chuyện khiêu khích để gây hấn, nhà Châu không lấy thế làm giận hờn, bỏ qua câu chuyện làm cho Trịnh trang công phải hối cải.
Ở đời không phải lúc nào thấy ai làm sai cũng giận hờn. Một nhà chánh trị lỗi lạc bao giờ cũng thấy được cái hại xa hơn là cái hại trước mắt. Một nhà đạo đức gia bao giờ cũng lấy việc khoan dung chinh phục lòng người. Hành động vua Hoàn Vương đúng với một chánh trị gia mà cũng đúng với một đạo đức gia đó.
Thời nay, nhiều người vì khí tiết hẹp hòi không chịu nổi những cái tức giận nhỏ nhoi trước mắt, làm cho việc lớn phải hư. Cái tức giận nhất thời chỉ là bản năng của vật chất, còn cái nhẫn nhục mới chính là khả năng của phần lý trí.
Người có lý trí không bị ai khiêu khích mà làm, họ chỉ làm những việc do trí xét đóan lợi hại của họ. Những kẻ ngông cuồng, nóng nảy thường bị những người điêu ngoa khiêu khích để lợi dụng. Tấm gương Trịnh trang Công gặt lúa nhà Châu tuy không có gì sáng chói lắm, nhưng cũng phản chiếu được vào lĩnh vực giáo dục đối với những ai nông nổi hành động không suy xét lợi hại. Nhất là những kẻ đang nắm trọn quyền, nếu chỉ làm theo cái bản năng nhỏ nhen của mình thì không thể nào tránh khỏi bàn tay lợi dụng của những kẻ điêu ngoa nhắm vào nhược điểm ấy Khai thác.
Đứng về phương diện giáo dục, kẻ có trọng quyền muốn giác ngộ một kẻ dưới tay bao giờ cũng phải dùng phương pháp khoan dung hơn là trừng trị. Đứng về phương diện chánh trị không ai hành động vì tức giận bao giờ.