Tế Túc và Ung Củ
Việc bí mật trong nước mà đem nói với đàn bà thì không còn là bí mật nữa.
Vua nước Trịnh là Trang Công chết. Con trưởng là Công tử Hốt lên nối ngôi tức là Trịnh Chiêu Công. Con thứ sang ở quê mẹ là người nước Tống, được Tống Trang Công thương có ý muốn giúp đỡ đưa về nước đoạt ngôi anh. Người con thứ nầy là Công tử Đột.
Trịnh Chiêu Công hay tin nầy, liền sai Tế Túc một tôi thần trung kiên đi sứ sang Tống để dò xét tình hình hoạt động của em là Công Tử Đột.
Nhưng Tế Túc đến nơi, bị vua Tống bắt giam buộc phải đem công tử Đột về nước Trịnh làm vua, và phải gả con gái cho Ung Củ.
Tế Túc mắc kẹt trong thế bí không biết làm sao phải ăn thề và thực hiện đúng với lời đã hứa.
Sau một cuộc đảo chính, Tế Túc đưa Công Tử Đột về làm vua nhưng quyền bính trong nước Tế Túc đều nắm giữ, Công Tử Đột tức Trịnh Lệ Công chỉ làm vua cho có vị thôi, việc gì cũng do Tế Túc định đoạt cả.
Trịnh Lệ Công thấy làm vua mà không có một quyền hành nào đâm ra buồn chán, ghét Tế Túc cay đắng, nhưng không biết làm cách nào để giết Tế Túc được.
Một hôm, Trịnh Lệ Công dạo mát ở huê viên, có quan cận thần Ung Củ theo hầu. Ung Củ là rể của Tế Túc, vì trước kia vua Tống buộc Tế Túc gả con gái cho Ung Củ.
Trịnh Lệ Công bỗng thấy đàn chim bay qua kêu hát véo von, nhìn chim mà không tủi lòng than:
- Ôi, ta không bằng loài điểu thú.
Ung Củ hiểu ý hỏi:
- Đang tiết xuân, trời đẹp hoa tươi, cây cỏ xanh dờn, sao Chúa Công lại không vui?
Trịnh Lệ Công nói:
- Các giống chim đều được tự do không ai áp chế, còn ta tuy làm vua, nhưng không bằng giống chim.
Ung Củ nói:
- Có lẽ Chúa Công đnag nghĩ đến người đoạt quyền hành trong nước chăng?
Trịnh Lệ Công nín lặng không đáp. Ung Củ nói:
- Tôi thiết tưởng làm con không giải được ưu phiền của cha là bất hiếu, làm tôi không giúp được vua trong lúc hoạn nạn là bất trung, nếu Chúa công không cho tôi là kẻ vô dụng thì dẫu việc gì khó khăn đến đâu tôi cũng không từ nan.
Trịnh Lệ Công đuổi hết quân hầu ra ngoài rồi hỏi Ung Củ:
- Tuy rễ thật, song tình cha con đâu bằng vua tôi. Vả lại Tế Túc gả con gái cho tôi là do vua Tống ép buộc chứ đâu phải do thiện ý.
Trịnh Lệ Công rõ được lòng Ung Củ liền nói thẳng:
- Nếu ngươi có cách gì giết được Tế Túc ta sẽ phong cho ngươi làm Thượng Khanh.
Ung Củ suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Xứ Đông giao bị quân Tống cướp bóc, dân chúng đang đói khổ, Chúa Công sai Tế Túc đến đó phát chẩn chiêu an. Tôi sẽ lợi dụng cơ hội ấy làm một tiệc tiễn hành rồi bỏ thuốc đọc vào thức ăn giết Tế Túc đi là xong.
Trịnh Lệ Công nói:
- Kế ấy rất hay, song phải cẩn mật lắm mới được.
Ung Củ về nhà nghĩ đến vợ là Tế thị, lòng áy náy không an, mặt mày có vẻ lơ láo.
Tế thị thấy thế hỏi:
- Hôm nay trong triều có việc gì quan hệ chăng?
Ung Củ lắc đầu đáp:
- Không có việc gì lạ cả.
Tế thị không tin, gạn hỏi nhiều lần:
- Vợ chồng ở với nhau đã lâu lẽ nào không biết ý. Nếu tướng quân có điều gì lo lắng, xin cho thiếp biết, may ra thiếp có thể giúp đỡ phần nào chăng?
Ung Củ cực chẳng đã nói:
- Chúa Công muốn sai nhạc phụ ra Đông Giao ủy lạo dân chúng, lại khiến tôi dâng rượu tiễn hành để chúc thọ nhạc gia.
Tế Thị hỏi:
- Dâng rượu để chúc thọ nhạc gia, việc gì mà tướng quân lại phỉa lo lắng như vậy? Thiếp tưởng trong triều có điều chi rắc rối nên tướng quân không muốn cho thiếp biết.
Ung Củ nói:
- Không có việc gì cả. Sai nhạc phụ đến Đông Giao chỉ là mệnh vua, phu nhân chớ hỏi nhiều.
Thái độ và lời nói của Ung Củ làm cho Tế thị càng nghi ngờ hơn, mới lập kế phục rượu cho Ung Củ uống thật say, rồi đợi lúc Ung Củ đang ngủ mơ màng, nàng mới đập mạnh vào vai hỏi lớn:
- Này, Chúa Công sai mày giết Tế Túc mà mày lại quên rồi sao?
Trong lúc đang ngủ Ung Củ giật mình đáp:
- Việc ấy tôi đâu giám quên.
Tế Thị thất kinh, rõ được tâm trạng của chồng, đứng nhìn mà đôi dòng nước mắt chảy ròng. Rồi nàng tự nghĩ:
- Có thể như thế được sao? Hay chàng đã vì hoảng hốt mà nói sảng.
Sáng ngày Tế thị nói với Ung Củ:
- Tướng quân có ý muốn giết phụ thân, việc ấy tôi đã rõ.
Ung Củ giật mình nhìn vợ, nói:
- Ấy chết, ta có bao giờ dám làm điều vô đạo, sao phu nhân lại nghĩ vậy?
Tế thị nói:
- Đêm hôm qua tướng quân say rượu đã nói rõ với thiếp rồi, bây giờ còn giấu làm chi?
Ung Củ rướm mồ hôi trán nhìn vợ hỏi:
- Nếu quả có việc ấy thì phu nhân nghĩ thế nào?
Tế thị ngao ngán thở dài; rồi hình như để soi sáng tấm lòng ác hiểm của chồng, nàng giả vờ nói:
- Đã lấy chồng thì theo chồng, tướng quân hỏi làm gì câu ấy.
Ung Củ nghe vợ nói mừng rỡ, đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại một hồi.
Tế thị nói:
- Phụ thân thiếp là một kẻ đa mưu túc trí, e không dám đi. Vậy để thiếp vào tư dinh xét thử tình ý của người xem như thế nào.
Ung Củ mừng rỡ nói:
- Nếu việc thành tôi được lên chức Thượng Khanh thì phu nhân cũng được vinh hiển trọn đời.
Tối hôm ấy, Tế thị ghé vào tư dinh thăm mẹ. Tế Túc phu nhân thấy con về mừng rỡ hỏi:
- Lâu nay con vẫn được mạnh giỏi chứ?
Tế thị không đáp buồn bã hỏi mẹ:
- Chồng với cha nên trọng bên nào hơn?
Câu hỏi lạ lùng ấy làm cho Tế Túc phu nhân ngạc nhiên, nói:
- Sao con hỏi vậy? Chồng với cha đàng nào mà chẳng trọng?
Tế thị nói:
- Nhưng nếu gặp trường hợp giữa cha và chồng có điều mâu thuẫn nhau thì nên trọng đàng nào?
Tế Túc phu nhân nói:
- Cha mẹ do trời định, vợ chồng do người định. Mất chồng có thể lấy chồng khác, còn mất cha không thể tìm một người cha khác được.
Tế Túc phu nhân nói vừa dứt lời, Tế thị khóc òa, bước tới ôm mẹ nói:
- Hôm nay con quyết vì cha mà không vì chồng.
Đoạn đem hết chuyện Ung củ nói kể lại cho mẹ nghe. Tế Túc phu nhân kinh hãi, vội đem nói với chồng.
Tế Túc cau mày nhìn con gái mình như đắn đo với bao ý nghĩ. Qua một lúc, Tế Túc nói:
- Việc nầy chớ tiết lậu ra ngoài, để mặc ta định liệu.
Sáng hôm sau, Trịnh Lệ Công sai Tế Túc đến Đông Giao, và Ung Củ bày tiệc tiễn hành đưa đón rất trọng thể.
Tế Túc về nhà sửa soạn hành trang, rồi sai Công tử Ất đem một trăm quân gác nơi quán dịch chờ Ung Củ đến. Chẳng bao lâu Ung Củ đem ba tên quân hầu đến đó. Tế Túc nói:
- Ta đi đây chỉ vì việc nước, ngươi bày vẽ đưa đón làm gì?
Ung Củ nói:
- Nhân tiết xuân mát mẻ, con có chén rượu tiễn mừng, xin nhạc phụ tưởng tình con rể.
Tế Túc một tay bưng chén rượu, một tay nắm lấy Ung Củ tươi cười nói:
- Đây là ý vua hay tình của con đồi với ta?
Ung Củ cúi đầu nói:
- Đây là lòng thành kính của con mà cũng hợp theo ý của vua nữa.
- Khốn nạn, dám phản phúc với ta như thế sao?
Liền hô quân giáp sĩ bắt Ung Củ trói lại Ung Củ mặt mày biến sắc, kêu cứu ầm ĩ Trịnh Lệ Công sai đoàn ngự lâm quân đến cứu nhưng bị Công Tử Ất đánh chạy về.
Tế Túc truyền đem Ung Củ ra chém lập tức. Trịnh Lệ công hay được tin than:
- Ôi thôi việc đã đến thế nầy, Tế Túc ắt không dung tha ta.
Than rồi liền thu xếp hành trang bỏ cả cung điện giang san lén trốn qua nước Sái tị nạn, trong lòng vẫn còn thắc mắc không biết tại sao âm mưu bại lộ.
Mãi về sau, Trịnh Lệ Công hay được chuyện Ung Củ nói với vợ, buồn bã than rằng:
- Việc lớn của nước mà đem nói với đàn bà tránh sao khỏi chết.
Nhận xét:
- Người anh hùng không phải căn cứ ở lời nói, mà căn cứ ở việc làm.
Ung Củ theo Phò Công tử Đột cướp ngôi Trịnh Chiêu Công, đó là một việc làm không hợp lý, vì Trịnh Chiêu Công là anh, đáng ra phải được thừa kế ngôi cha.
Tuy nhiên, chuyện ấy không nói làm gì, vì mỗi người có một lập trường và quan niệm khác nhau. Điều đáng nói ở đây là Ung Củ ước mơ cái địa vị hão huyền mà cố tình giết Tế Túc, cha vợ mình trong lúc anh chàng nầy vẫn yêu vợ.
Buồn cười hơn, đã là một nhà tướng, định mưu sát một Đại thần, thế mà việc chưa làm, chỉ mới đứng trước một người đàn bà đã bối rối, lập cập thì cơ hội đến nơi mới làm thế nào được?
Xét như thế, Ung Củ là hèn chỉ hùng trong lời nói mà gan dạ không hùng chút nào. Cho nên, chưa thực hành mưu kế mà thất bại đã thấy trước mắt rồi.
Ung Củ chết là phải, chết là lẽ tất nhiên trong mưu sự của nó.
Người đàn bà vốn chắc gan, nhưng lại nhẹ dạ, khó mà giữ kín được những bí ẩn trong lòng một khi đã có người thân một bên.
Bao nhiêu người tướng giỏi, chỉ vì thương yêu và tin vợ, cho dự vào các mưu kế mà phải thất bại do một cử chỉ hay một lời nói vụng về, sơ hở của vợ mình.
Đã mưu giết cha vợ lại cho vợ biết, thật Ung Củ là một thằng ngốc, không biết thế nào là tình cốt nhục, không biết gì về mánh khóe của đàn bà.
Tế thị hy sinh hạnh phúc cá nhân mình, cam ôm cảnh góa bụa để giữ tròn đạo hiếu, thật đáng thương.
Ngoài tấm lòng hiếu đạo, Tế thị còn là một người đàn bà mưu trí, hiểu được tâm lý chồng mình, dùng kế khai thác tâm tư người chồng một cách hay ho.
Cho nên, qua việc Ung Củ mưu sát Tế Túc, chúng ta có thể nói đây là một cuộc đấu trí giữa anh chàng Ung Củ dại dột và mánh lới khôn khéo của Tế thị người vợ hiếu đạo vậy.
Càng đáng thương và đáng kinh hơn là lời dạy dỗ thẳng thắn của Tế Túc phu nhân, một người mẹ dạy con rất minh bạch về chỗ ơn cha nghĩa chồng.
Chay quấy, chồng phải, phận làm con gái còn phải năn nỉ cha khuyên can chồng để dung hòa tình nghĩa hoặc chết thay cha nếu cần, để nêu chữ hiếu, chữ tình của mình.
Cha đã vô can, chồng lại hèn nhát, muốn giết cha để phục vụ một tham vọng riêng thì người đàn bà dù có thương chồng đến đâu, cũng khó theo chống mà giết cha được.
Có người sẽ bảo: Sao Tế thị không lợi dụng tình chồng vợ khuyên can Ung Củ đừng hành động bất nghĩa như vậy để hàn gắn lại tình gia đình và giữ lấy tình vợ chồng trọn nghĩa?
Tưởng rằng người đàn bà thương chồng đã hiểu tâm lý của chồng rồi. Tế thị là kẻ thương chồng lại hiểu rõ tâm lý của Ung Củ hơn ai hết. Chính nàng đã đứng trước người chồng mù quáng ấy thở dài đau đớn. Mối đâu đớn ấy tượng trưng cho sự bất lực của nạng đối với anh chồng tham vọng kia. Dù nàng có khuyên can, Ung Củ cũng không đổi ý. Huống hồ, việc đã quá gấp, quyền hạn của nàng không có cách gì ngăn cản nổi, nếu để trễ, cha ngàng sẽ chết, nàng còn có thể sống với một người chồng đã giết cha nàng không? Thà rằng nàng hy sinh hạnh phúc riêng mình để tròn chữ hiếu hơn là để mất cha rồi lại mất chồng.
Cái ngu xuẩn thấy rõ trong con người Ung Củ. Thế gian có người đàn bà nào có lương tri mà chung sống với người chồng đã giết cha mình không? Đó là một khía cạnh tâm lý, mà cũng là một tấm gương muôn đời để cho những ai cầm nắm địa vị cao, muốn mưu cầu quyền lợi riêng mình không kể đến tình nghĩa đặt tình nghĩa nhẹ hơn tiền bạc, địa vị, rồi mang lấy phản ứng nặng nề.