Tam Quý
Hại ta không ai khác hơn là những kẻ quá trung tín, quá thân yêu, gần gũi ta. Cũng như làm tan thể xác ta khi ta chết chính là những con vi trùng sống trong thân thể ta và đã giúp ta khi còn sống.
Tề Hoàn Công được Quản Trọng giúp sức dựng nên nghiệp vương bá, làm chủ chư hầu.
Bấy giờ quyền chính trong nước, Tề Hoàn Công đều giao cho Quản Trọng quyết đoán, cả ngày chỉ gần bên những bọn tôi thần hầu hạ để tìm thú vui hưởng lạc.
Dưới trướng Tề Hoàn Công có ba tên đầy tớ trung thành được Tề Hoàn Công ưa thích nhất mà người đời gọi là “Tam Quý”.
Đó là Thụ Điêu, Dịch Nha và Khai Phương.
THỤ ĐIÊU
Từ khi Tề Hoàn Công giao việc quốc chánh cho Quản Trọng, Tề Hoàn Công thường ở trong cung, không hay ra ngoài, Thụ Điêu không làm sao gần gũi Tề Hoàn Công được nên tự ý thiến mình làm quan hoạn, xin Tề Hoàn Công cho phép được vào ở trong cung hầu hạ.
Thấy Thụ Điêu có lòng trung thành như vậy, Tề Hoàn Công mến Thụ Điêu lắm, cho ở luôn bên cạnh để hầu hạ.
DỊCH NHA
Là con người khôn lanh, có tài bắn cung, khéo đánh xe, cho ngựa chạy rất êm thấm, mau lẹ. Lại giỏi về nghề nấu bếp.
Vương Cơ, người vợ yêu của Tề Hoàn Công đau nặng, nhờ sự chăm nom săn sóc món ăn của Dịch Nha mà Vương Cơ lành bệnh. Do đó, Vương Cơ rất yêu mến Dịch Nha.
Dịch Nha đem nghề nấu ăn của mình khoe với Thụ Điêu, nhờ Thụ Điêu tiến cử mình được yết kiến vua. Thụ Điêu tâu lại với Tề Hoàn Công.
Một hôm, Tề Hoàn Công gọi Dịch Nha vào hỏi:
- Ngươi có phải kẻ nấu ăn khéo không?
Dịch Nha tâu:
- Tâu Chúa Công, tài ấy không ai sánh kịp.
Tề Hoàn Công nói đùa:
- Các giống điểu thú trùng ngư ta đã dùng đủ, bây giờ chỉ có thịt người ta chưa biết vị mà thôi.
Dịch Nha lui ra.
Đến bữa trưa, Dịch Nha bưng vào dâng lên một mâm thịt chín mềm như thịt dê non, mùi thơm ngào ngạt.
Tề Hoàn Công ăn xong hỏi Dịch Nha:
- Thịt gì mà ngon thế?
Dịch Nha tâu:
- Đó là thịt người.
Tề Hoàn Công giật mình kinh ngạc hỏi:
- Nhà ngươi lấy ở đâu?
Dịch Nha tâu:
- Đứa con trai đầu lòng của tôi mới lên ba tuổi. Tôi thiết tưởng đã trung với vua thì còn kể gì đạo nhà, nên làm thịt đem dâng cho Chúa Công ăn.
Tề Hoàn Công trầm mặt nói:
- Thôi ngươi hãy lui ra.
Từ ấy Tề Hoàn Công cho rằng Dịch Nha có lòng trung nghĩa nên yêu quý Dịch Nha như Thụ Điêu vậy.
KHAI PHƯƠNG
Khai Phương là Công tử nước Vệ, được lệnh vua cha là Vệ Huệ Công sai đem lễ vật qua nước Tề để cầu hòa, vì lúc bấy giờ nước Tề rất cường thịnh.
Khai Phương đến nơi tình nguyện ở luôn nơi nước Tề để giúp nước Tề.
Tề Hoàn Công nói:
- Nhà ngươi là con trưởng của Vệ hầu, ngôi vua nước Vệ sau nầy thế nào cũng về tay ngươi, sao lại bỏ ngôi cao mà sang làm tôi nước Tề?
Khai Phương thưa:
- Tề chúa là bậc hiền đức trong thời nay, nước Tề dựng nên nghiệp Bá, chư hầu đều kính trọng. Tôi thiết tưởng làm tôi một nước Bá còn thích hơn làm vua một nước nhỏ.
Tề Hoàn Công khen lắm, phong làm quan Đại Phu nước Tề.
Công tử Khai Phương rất được Tề Hoàn Công yêu mến, cho cùng Thụ Điêu, Dịch Nha theo luôn bên cạnh phục dịch.
Đó là bộ ba mà người nước Tề gọi là TAM QUÝ. Và chính bộ ba nầy về sau đã làm tan nát nước Tề.
Nhận xét:
Có những kẻ dua mị không kể giá trị con người thì cũng có những kẻ mù quáng, không rõ thế nào là dua mị thế nào là trung hậu.
Trong đời, những kẻ dua mị chia ra làm hai loại. Thứ nhất có những người thấy kẻ khác trong tay nằm quyền thế, chạy theo bợ đỡ để cầu thân, hòng mưu cầu một tư lợi nào đó. Những hạng người nầy xưa cũng như nay, có rất nhiều trong xã hội.
Thứ hai, có những loại người háo danh, ưa địa vị, họ muốn cầu thân, hoặc làm tay sai cho những kẻ có địa vị, mục đích để vênh váo, thỏa mãn lấy tánh hướng thượng của hộ thôi, không vì tư lợi, hoặc có thiệt thòi chút ít cũng vui. Hạng người nầy có rất nhiều ở các thời đại phong kiến.
Nói chung, cả hai loại người trên đều là những tay sai đắc lực cho những kẻ có quyền thế. Nhưng cuối cùng họ lại là những kẻ phản phúc không thể tưởng tượng nếu gặp cơ hội thuận tiện.
Thụ Điêu, Dịch Nha, Khai Phương điển hình cho hai loại người dua nịnh trên. Lúc Tề Hoàn Công còn hùng mạnh, chính họ đã hy sinh thân mình để phục vụ Tề Hoàn Công, thậm chí một kẻ tự thiến mình, một kẻ làm thịt con, một kẻ bỏ ngai vàng, để gần gũi Tề Hoàn Công, thế mà lúc Tề Hoàn Công chết, chính họ đã phản phúc một cách trắng trợn bất nhân hơn ai hết.
Cái chết thảm của Tề Hoàn Công là một tấm gương sáng cho những ai ưa thói dua mị.
Người nghèo mà được người nghèo giúp đỡ mới quý, còn kẻ cao sang tột bậc mà được xu phụ thì kẻ xu phụ phần nhiều là hạng tiểu nhân cả.
Kẻ thù hại ta, có thể tránh được, còn người thân yêu định hại ta thì ta không thể nào tránh khỏi. Bởi vậy, kẻ sành đời không sợ những người thù trước mặt, mà chỉ sợ những người cầu cạnh làm thân, để rồi nhân cơ hội nào đó trở thành kẻ thù.