Quản Trọng, một chính trị gia nổi tiếng
Quản Trọng phò công tử Củ, bị Tiểu Bạch giành ngôi, công tử Củ chết, nhưng Quản Trọng không chết. Quản Trọng chủ trương dành lại thân mình để minh oan cho Chúa sau này. Điều đó nhiều người dị nghị về Quản Trọng rất nhiều.
Về sau, Quản Trọng bị bỏ vào tù xa đem về nước Tề. Bảo Thúc Nha giới thiệu với Tề Hoàn Công (Tiểu Bạch) mời Quản Trọng vào triều dùng vào việc kiến quốc.
Tề Hoàn Công y lời chọn ngày lành rồi thân hành đi đón Quản Trọng.
Khi Quản Trọng vào triều, Tề Hoàn Công mời ngồi trên chiếc cẩm đôn bên cạnh mình với cử chỉ rất thân mật.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Nước Tề ta vốn là một nước lớn, tiên quân ta là Hi Công, đã làm cho các chư hầu kính nể. Đến đời Tương Công chính lệnh bất thường, xảy ra tai biến. Nay ta vừa mới lên ngôi, lòng dân chưa định, thế nước chưa yên, nay muốn cho nước mạnh, dân an phải làm gì trước?
Quản Trọng nói:
- Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn điều cốt yếu để trị nước, nếu thiếu một trong bốn điều đó tai biến sẽ xảy ra. Nếu cả bốn điều đó không có thì nước sẽ mất.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Nếu đã có bốn điều đó thì làm cách nào mà trị dân?
Quản Trọng nói:
- Muốn trị dân trước hết phải yêu dân.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Muốn yêu dân phải làm cách nào?
Quản Trọng nói:
- Yêu dân phải dạy dân, lấy đạo thân ái chăm sóc đời sống hàng ngày cho dân, bớt xâu giảm thuế làm cho dân giàu, hễ dân giàu tức là nước mạnh.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Dân giàu nhưng binh khí, quân cụ trong nước thiếu thốn thì phải làm sao?
Quản Trọng đáp:
- Muốn đủ binh khí, quân cụ thì binh pháp trong nước nên đặt lệ cho chuộc tội. Tội nặng cho chuộc một cái giáp, tội nhẹ cho chuộc một cái quy thuẫn, tội nhỏ cho nạp kim khí, tội nghi thì tha hẳn. Kẻ nào tụng lý tương đối thì bắt nạp một bộ tên, rồi giải hòa. Làm như thế ắt quân dụng không thiếu.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Đã làm như vậy nhưng không đủ dùng thì phải làm sao?
Quản Trọng nói:
- Khai mỏ đúc tiền, nấu nước bể làm muối, trữ hàng hóa lấy lãi, cất ba trăm nhà nữ lưu cho các khách buôn bán đi lại tụ họp ở đó mà đóng thuế. Như vậy công quỹ phải đủ dùng.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Của dùng đã đủ, nhưng quân lính còn ít, không đủ mạnh thì làm sao?
Quản Trọng nói:
- Quân không cần nhiều, chỉ cần tinh nhuệ, mạnh không vì sức mà vì cốt ở tinh thần, do đó, chúa công muốn có binh mạnh chỉ cần giữ vững lòng quân, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu là đủ.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Bây giờ thế đã mạnh, có nên đi đánh các nước chư hầu chăng?
Quản Trọng đáp:
- Chưa nên đánh vội. Làm chủ các chư hầu không phải sức mạnh hăm dọa mà phải đem đạo đức ra chinh phục. Trước hết phải đặt mình lên địa vị chính đáng đã, sau sẽ dùng cái địa vị đó mà trấn an các chư hầu.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Làm thế nào để đặt mình vào địa vị chánh đáng?
Quản Trọng đáp:
- Danh chánh ngôn thuận là ý muốn của mọi người, các chư hầu đều có bổn phận phải tuân vương mạng, vậy trước tiên Chúa Công phải kính trọng nhà Châu, và bắt các chư hầu cũng phải kính trọng như mình.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Rồi làm thế nào để trấn an các chư hầu?
Quản Trọng đáp:
- Phải đem đạo đức mà giao hữu với họ, đem tất cả các đất đai đã chiếm được trả cho họ, tỏ ra mình không tham lam, lại đem lễ vật đến khắp nơi cầu người hiền đem về nước mà dùng. Nước chư hầu nào bị loạn tặc nên đem quân đến cứu, làm như vậy nước nào không mến phục?
Tề Hoàn Công hỏi:
- Xưa nay đất rộng dân đông là biểu hiện cho nước giàu mạnh mà khnah lại bảo không đem quân lấn đất giành dân thì làm sao cho nước hùng?
Quản Trọng nói:
- Đem sức mạnh chiếm đất cũng chỉ chiếm được một chỗ nhỏ nào thôi, vì chiếm rồi còn phải giữ, nếu không đủ sức giữ sẽ bị mất, còn đem đạo đức mà chiến đất thì không cần giữ, do đó có thể chiếm bao nhiêu cũng được.
Tề Hoàn Công cùng Quản Trọng nói chuyện trong ba ngày đêm mà không biết chán.
Tề Hoàn Công lấy làm đắc ý phong cho Quản Trọng làm Tể Tướng.
Quản Trọng từ chối không nhận. Tề Hoàn Công nói:
- Bởi ta muốn theo sách lược của khanh nên phải dùng khanh binh chánh, cờ gì khanh lại từ chối?
Quản Trọng nói:
- Không phải sức một cây gỗ có thể làm nên một nhà lớn, không phải sức một dòng nước tạo nên một bể cả, nếu Chúa Công đã có chí lớn thì nên dùng năm kiệt sĩ đương thời.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Năm kiệt sĩ ấy là ai? Tài năng như thế nào?
Quản Trọng nói:
- Có tài giao thiệp biết giữ lễ phép thì tôi không bằng Thấp Bằng, xin cho Thấp Bằng làm Đại Tư Hành. Có tài khai khẩn, biết cách trồng trọt thì tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm Đại Tư Điền. Có tài luyện tập quân sĩ, khiến cho người ta quên chết thì tôi không bằng Hành Phù, xin cho Hành PHù làm Đại Tư Mã. Có tài xử đoán khiến người ta khỏi bị hàm oan, thì tôi không bằng Tân Tu Vô, xin cho Tân Tu Vô làm Đại Tư Lý. Có tính cương trực, thấy điều trái tất phải nói ngay, thì tôi kkhoong bằng Đông Quách Nha, xin cho Đông Quách Nha làm Đại Giám Quan. Chúa công trọng dụng năm người ấy ắt trong nước được cường thịnh.
Tề Hoàn Công nghe theo lời Quản Trọng, phong chức cho năm người ấy, và quyết định phong cho Quản Trọng làm tể tướng.
Quản Trọng nói:
- Chúa công đã có chí lớn, dầu tài tôi hèn mọn cũng xin cố sức mà vâng mệnh Chúa Công.
Tề Hoàn Công lại hỏi:
- Ta bình sinh có tánh ưa săn bắn, thích nữ sắc, chẳng hay hai điều ấy có hại đến nghiệp bá chăng?
Quản Trọng nói:
- Đã rõ được nhược điểm của mình tất không hại.
Quản Trọng nói:
- Không biết người hiền lại hại. Biết người hiền mà không dùng là hại. Dùng người hiền mà không dám phó thác việc lớn là hại. Phó thác việc lớn mà để kẻ tiểu nhơn xen vào là hại.
Tề Hoàn Công khen phải. Từ đó công việc triều chính đều phó thác cho Quản Di Ngô, lại gọi Quản Di Ngô bằng Trọng Phụ.
Nhận xét:
Không phải sức một cây gỗ mà làm được một nhà lớn. Không phải sức một dòng nước mà làm nên được biển cả.
Một nhà chính trị lỗi lạc như Quản Trọng tất nhiền hiểu rất sâu xa thuật xử thế trong xã hội loài người rồi.
Quản Trọng trổ tài giúp Tề Hoàn Công dựng nên nghiệp bá chính là nhờ ở trí óc thấy xa hiểu rộng vậy.
Chương trình kiến quốc của Quản Trọng rất vĩ đại, mà thời xưa ai cũng lấy đó làm khuôn thước để noi gương.
Trước hết, đặt vấn đề trị nước. Quản Trọng chú ý đến bốn điểm: Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.
Bốn điểm ấy chính là cương lĩnh để cho trong xã hội biết tôn ti thượng hạ, trên dưới kính nhường nhau. Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn điểm căn bản để đào luyện tư các con người. Từ vua quan đến thường dân nếu ai cũng giữ được bốn chữ ấy thì trật tự trong nước sẽ tiến đến chỗ tốt đẹp. Nên bốn điểm ấy, ý thức Quản Trọng đặt nặng vấn đề giáo dục quần chúng và rèn luyện tư cách lãnh đạo trước nhất.
Vì, tư cách lãnh đạo có, mà giáo dục quần chúng thiếu thì cũng không thành công được. Giáo dục quần chúng có, mà tư cách lãnh đạo thiếu thi chẳng đi đến đâu. Hai việc nầy phải đi song song với nhau.
Nhưng bốn điểm nầy khong phải là cơ sở của chương trình kiến quốc, mà chỉ là cơ sở cho việc quốc thái dân an thôi.
Có bốn điểm ấy chỉ mới là việc tổ chức trật tự trong nước, việc giáo dục quần chúng chớ chưa phải là việc trị dân.
Đến như việc trị dân. Quản Trọng chú ý đến việc yêu dân.
Yêu dân không phải hứa hẹn suông điểm nầy, điểm nọ, mà phải thực tế làm cho đời sống của dân bớt khổ sở. Cụ thể là bớt sưu cao thuế nặng.
Như vậy nhà chính trị Quản Trọng trước nhất đã đặt quyền lợi nhân dân lên hàng đầu rồi.
Thời chiến quốc là một thời phong kiến cực đoan, nước nào cũng lấy sức mạnh làm phương châm hành động, lấy việc áp bức dân làm uy quyền, thế mà Quản Trọng đề ra ý thức như vậy thật mới mẻ lắm. “Làm cho dân giàu để cho nước mạnh”.
Tuy nhiên, một bên giáo dục dân chúng, sửa đổi dân sinh, Quản Trọng cũng không đặt nhẹ vấn đề quân sự, kèm theo một bên vì, quân sự là thế uy thế của chính quyền, nếu chính quyền không đủ uy thế quân sự thì dân chúng sẽ không tuân hành, chính lệnh sẽ vì thế mà mất nghiêm.
Quản Trọng chủ trương hình phạt bằng lối góp sức của dân, bắt dân phải chịu đóng góp những cái trong nước thiếu thốn. Thật là một lối trừng phạt mới mẻ, có lời cho việc giữ nước.
Về kinh tế, Quản Trọng chủ trương khai thác mỏ, đúc tiền. Lấy nước biển làm muối, mở mang việc trồng trọt đó chính là một kế hoạch kiến thiết mà các triều vua thời bấy giờ không ai để ý đến.
Về việc chinh phục các nước, Quản Trọng chủ trương dùng đạo đức thu phục nhân tâm, không dùng sức mạnh chiếm đất đai.
Ông ta nói:
“Đem sức mạnh chiếm đất chỉ chiếm được một phần nhỏ mà thôi vì chiếm rồi còn phải giữ, nếu không đủ sức giữ sẽ bị mất. Đem đạo đức mà chiếm đất thì đất không cần phải giữ nên có thể chiếm bao nhiêu cũng được”.
Lố chiếm đất của Quản Trọng quả có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đáng là một nhà chính trị lỗi lạc vậy.
Thế giới ngày nay, qua những cuộc tranh lấn đất đai, vì vũ khí khoa học mỗi ngày một tiến triển, con người ỷ vào sự tiến triển ấy không kể đến kế sách chiếm đoạt lòng dân.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho ta thấy, vũ khí mạnh chỉ là phương tiện chiếm đất chứ không phải phương tiện giữ đất. Lời nói của Quản Trọng đối với thời nay vẫn còn như mộ tấm gương sáng để cho các nhà chính trị thế giới suy ngẫm vậy.
Nói tóm lại, sách lược kiến quốc của Quản Trọng chia làm hai phần: Đối nội và Đối ngoại.
Đối nội: Quản Trọng chủ trương giáo dục dân chúng, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, phát triển kinh tế, củng cố quân binh bằng lối ung đúc tinh thần chiến đấu, sửa đổi bộ máy cai trị theo lối phân công, mỗi nhân tài chịu trách nhiệm một ngành.
Đối ngoại: Tương giao với nước ngoài bằng cách cho người đến thăm hỏi, mà nhất thiết không nhận của cải để khỏi mang tiếng tham lam.
- Siết chặt tình đoàn kết với các nước bằng cách giao trả những đất đai đã bị mình xâm chiếm từ trước.
- Gây uy tín cho mình bằng cách đem quân chinh phạt nước nào có loạn tặc cướp ngôi để sáng lập lại dòng chánh của nước ấy.
- Cho người trước mình sang các nước ngoài mà dò xét xem các nước cần thiết những hàng hóa gì để mang đến bán.
Đây chính là chính sách mà các nước Tây phương đã áp dụng trong hai thế kỷ nay để xâm chiếm thuộc địa ở Á và Phi châu vậy.
Từ xưa người ta đã phân biệt hai chính sách kiến quốc gọi là đồ vương định bá.
Một là theo bá đạo: chính sách nầy áp dụng cấp thời, mục đích làm sao cho được việc trước mắt để thủ lợi. Chính sách nầy áp dụng lúc mềm lúc rắn tùy theo mỗi việc, đôi khi thấy như điêu ngoa giả dối.
Hai là vương đạo: chính sách anayf nhắm một lợi ích lâu dài và chắc chắn, lấy đạo đức làm căn bản trị dân.
Đời Nghiêu, Thuấn lấy vương đạo trị dân, đời Tề Hoàn Công lấy chính sách bá đạo trị dân.
Phân biệt hai chính sách nầy chúng ta không thấy lạ lùng trong chính sách cấp thời, khôn khéo của Quản Trọng nữa.