Nụ cười Bao Tự
Sắc đẹp là vũ khí lợi hại của đàn bà. Nhưng nó chỉ lợi hại khi ở trong tay một kẻ có quyền thế.
Vua U Vương đắm say Bao Tự đến nỗi Bao Tự muốn gì cũng chiều ý. Nhưng Bao Tự chưa lấy thế làm thỏa mãn. Sau khi được U Vương phế bỏ Thân Hậu, lập nàng lên làm Hoàng hậu, nàng trở nên một cô gái trầm lặng không cười một nụ cười nào. Không ai hiểu nổi cõi lòng của nàng cả.
U Vương thấy Bao Tự không cười, lòng bâng khuâng lo lắng, bèn triệu tất cả các nhạc công trong triều, tập họp đờn ca hát xướng cho nàng vui, song vẫn không thấy Bao Tự cười lên một tiếng nào.
U Vương nghĩ thầm:
- Ta phế Chính cung mục đích để làm vui lòng nàng, thế mà không được nàng trao cho rnột nụ cười thật là đau đớn?
Nghĩ vậy vua thủ thỉ hỏi Bao Tự:
- Đờn ca hát xướng như thế sao không thấy khanh vui.
Bao Tự đáp:
- Tâu Bệ hạ, thần thiếp thích tiếng xé lụa vui tai hơn là tiếng âm nhạc. U Vương mừng rỡ nói :
- Ái khanh ưng nghe tiếng xé lụa sao ái khanh không nói cho sớm?
Liền truyền quan giữ kho mỗi ngày đem vào cung một trăm tấm lụa, lại khiến các cung nữ khỏe mạnh thay phiên nhau để xé lụa, làm cho Bao Tự vui tai.
Nhưng quái thay, xé đến bao nhiêu lụa vẫn không làm cho Bao Tự vui tí nào. U Vương lo lắng hỏi :
- Đã ưa tiếng xé lụa, và lụa đã xé rất nhiều rồi sao chưa thấy ái khanh vui?
Bao Tự mặt lầm lì không đáp. U Vương se thắt cõi lòng.
- Thế nào trẫm cũng tìm cách để ái khanh cười lên một tiếng.
Nhận xét:
Sắc đẹp của người đàn bà có một sức mạnh nguy hiểm thật, nhưng nguy hiểm nhất là lúc nó được ở trong tay một kẻ có quyền lực sử dụng. Tuy nhiên, đối với những kẻ có sắc đẹp cũng cần phải biết cách làm cho sắc đẹp tăng phần giá trị, mới chinh phục nổi đàn ông háo sắc.
Sắc đẹp là vũ khí, nhưng quan hệ là kẻ sử dụng vũ khí ấy. Vấn đề sử dụng rất tế nhị và phức tạp, đại khái tuy giống nhau nhưng mỗi người lại có một mánh khóe riêng.
Xưa nay. chúng ta đã đọc không biết bao nhiêu truyện nói về mỹ nữ và anh hùng, cũng như giai nhân và sắc đẹp, khuynh đảo cả giang sơn sự nghiệp như Đắc Kỷ làm mất giang sơn Vua Trụ và nhiều trường hợp tương tự như vậy. Tuy nhiên mỗi hành động không giống nhau, ở đây chúng ta thấy lối chinh phục của Bao Tự đối với U Vương không như Đắc Kỷ làm cho Trụ Vương nịch ái. Bao Tự đem cái buồn của người đẹp để làm cho U Vương se lòng.
Như vậy người đẹp một khi có nét mặt u buồn cũng làm đau lòng kẻ háo sắc không ít.
Phải, người đẹp mà thiếu nụ cười tức là thiếu tất cả. Lời nói ấy không phải không đúng. U Vương dám đem ngàn vàng để đổi lấy nụ cười Bao Tự thì thấy nụ cười người đẹp giá trị đến bực nào rồi.
Bao Tự bắt vua U Vương xé lụa để làm vui không phải nàng thích tiếng xé lụa mà chính là nàng đã dùng cách xé lụa để thử thách mức độ hiếu sắc của U Vương đối với nàng mà thôi.
Người đẹp vui làm cho kẻ háo sắc vui, người đẹp buồn làm cho kẻ háo sắc buồn, đó là quy luật thiên nhiên của vũ trụ loài người . Người đẹp có thêm nụ cười làm cho người đẹp thêm đẹp. Người không đẹp mà có nụ cười thì làm cho đàn ông cảm mến. Thế mà trong xã hội có những ngườì đàn bà muốn cho đàn ông mến mình lại cứ cả ngày nhăn nhó, cáu kỉnh thi thật là dại dột.
Hành động Bao Tự bắt U Vương dùng ngàn vàng để mua lấy nụ cười của nàng, đó cũng là một bài học cho những trang nữ lưu không biết lợi dụng cái tươi tắn trên khuôn mặt mình để chinh phục đàn ông vậy.
Chiều chuộng một người đàn bà để thỏa mãn một khoái cảm đó là sở thích tự nhiên của một người đàn ông. Nhưng trong đời chỉ khác ở chỗ có kẻ quên sự thiệt hại chung để làm thỏa mãn riêng, kẻ đó như U Vương, gọi là phường hảo sắc. Có kẻ đặt quyền lợi chung lên trên thỏa mãn riêng, đó là kẻ có tình yêu chân chính.