Ninh thích với lối chọn chân chúa
Không sợ người ta không dùng mình chỉ sợ mình không có tài khi họ cần đến.
Quản Trọng chuyển quân qua nói Dao Sơn, dọc đường gặp một người chăn trâu, quần ngắn, áo cộc, đầu đội nón mê, chân đi đát, đang gõ vào sừng trâu hát nghêu ngao.
Quản Trọng nghe tiếng hát biết không phải người thường, khiến quân đem rượu thịt đến cho.
Người chăn trâu ăn xong hỏi quân sĩ:
- Tôi muốn được yết kiến quan Tể tướng có được không?
Quân sĩ đáp:
- Xe của quan Tể Tướng đi xa rồi. Vậy thì cứ ăn cho no mà thôi, cần gì phải gặp mặt?
Người chăn trâu nói:
- Thôi được, ta có một lời muốn nói với Tể tướng.
- Lời gì? Nếu chỉ cần một lời thì chúng ta nói giúp cũng được.
Người chăn trâu nói: “Nước trong leo lẻo”.
Quân sĩ chạy theo kịp xe Quản Trọng và thuật lại câu nói cả Ninh Thích, người chăn trâu ấy.
Quản Trọng suy nghĩ mãi, nhưng không hiểu câu nói nước trong leo lẻo có nghĩa là gì.
Bấy giờ Quản Trọng có người hầu thiếp là Tình Nương, rất thông minh, học rộng. Quản Trọng rất yêu quý, đi đâu cũng đem theo.
Quản Trọng đem lời ấy hỏi lại Tình Nương. Tình Nương thưa:
- Thiếp có nghe một bài thơ xưa, trong ấy có câu rằng:
“Nước trong leo lẻo, cá lội giữa dòng, người đến triệu ta ta cũng bằng lòng”.
Ý chừng người ấy muốn ra làm quan.
Quản Trọng dừng xe lại sai người đòi gã chăn trâu đến hỏi.
Gã chăn trâu cúi đầu thi lễ chứ không lạy.
Quản Trọng hỏi tung tích. Người chăn trâu nói:
- Tôi là Ninh Thích, người đất Vệ, được nghe Tướng quân là kẻ ưa hiền, chuộng sĩ, nên tìm qua nước Tề để tiến thân, ngặt không có ai tiến dẫn nên phải chăn trâu cho người trong làng mà nuôi sống.
Quản Trọng thử thách tài học vấn, Ninh Thích ứng đáp rất rành mạch.
Quản Trọng nói:
- Kẻ hào kiệt lúc chưa gặp vận, khó thi thố tài năng mình được. Đại binh của chúa công ta cũng sắp đến đây, ta viết cho nhà ngươi một phong thư, nhà ngươi an lòng ở đây mà chờ lúc nào Chúa công ta đến sẽ trình ắt được trọng dụng.
Nói xong Quản Trọng viết một phong thư trao cho Ninh Thích rồi lên xe giã từ.
Cách ba ngày sau, Ninh Thích vẫn còn chăn trâu ở núi Dao Sơn như cũ, và đại binh của Tề Hoàn Công đến.
Ninh THích lại ngồi trên mình trâu gõ sừng ca hát vang trời.
Hát rằng:
Mặt Thường Lan nhấp nhô đá trắng
Thân Lý Ngư thầm lặng xuôi dòng.
Đời không hiền sĩ,
Đất thiếu minh quân.
Thương thân ta lại tuổi thầm,
Hỏi con trâu trắng,
Hỏi cụm rừng thâm,
Hùng anh sống với âm thầm mãi ư?
Tề Hoàn Công nghe giọng ca lấy làm lạ, khiến kẻ tả hữu bắ dẫn đến hỏi tên họ và quê quán.
- Tôi người nước Vệ lưu lạc nơi đây.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Ngươi là một đứa chăn trâu, cớ sao lại dám chê bai thiên hạ.
Ninh Thích nói:
- Tôi đâu dám chê bai, tôi chỉ tiếc rằng đời nay không có người hiền.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Sao người lại dám chê rằng đời thiếu Minh quân, trong lúc Thiên tử nhà Châu đang trị vì thiên hạ, còn ta một nước chư hầu giàu mạnh, trên phục Thiên tử, dưới chế ngự chư hầu, đem lại thái bình cho thiên hạ?
Ninh Thích nói:
- Một minh quân tất phải biết mình, hiểu người, rõ được thời bình, thấy được lúc loạn, đem ân đức rải khắp nhân gian, lấy lòng nhân trị thiên hạ. Như nhà Châu hiện nay mỗi lúc một suy, trong thì dân tình không phục, ngoài thì chư hầu bất tuân, tài trị nước không có thì sao gọi là minh quân? Đến như Chúa công giết anh ruột mình cướp ngôi, mượn uy Thiên tử chế ngự chư hầu, nhưng chư hầu đều không phục, sao gọi là giàu mạnh?
Tề Hoàn Công nghe nói nổi giận mắng lớn:
- Đứa thất phu dám nói càn.
Liền hô kẻ tả hữu bắt Ninh Thích đem chém.
Ninh Thích không chút sợ hãi, ngước mặt lên trời than:
- Ngày xưa, vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay tôi cùng với hai ông ấy kể là ba người.
Thấp Bằng thấy thế tâu với Tề Hoàn Công:
- Người này lời nói không dua mị, lòng không sợ uy lực, chắc chắn không phải là người tầm thường, xin Chúa công chớ nên giết.
Tề Hoàn Công sực nghĩ lại, cơn giận đã nguôi, bước tới mở trói cho Ninh Thích và nói:
- Ta thử nhà ngươi đó thôi, nhà ngươi thật là người khí phách.
Ninh Thích thò tay vào túi lấy bức thư của Quản Trọng dâng cho Tề Hoàn Công.
Tề Hoàn Công nói:
- Nhà ngươi đã có bức thư của Trọng phụ sao không tâu trình cho sớm?
Ninh Thích nói:
- Tôi nghe nói vua hiền chọn người ngay, tôi trung chọn Chúa có đức. Nếu Chúa công ghét người thẳng ưa kẻ nịnh thì thà tôi chết đi còn hơn đưa lá thư nầy để được trọng dụng.
Tề Hoàn Công rất đẹp lòng, truyền Ninh Thích ngồi chung xe. Tối hôm ấy đóng quân lại nghỉ, Tề Hoàn Công sai thắp đuốc tìm áo mão để phong chức cho Ninh Thích.
Thụ Điêu là người hầu cận của Tề Hoàn Công thấy thế, tâu:
- Từ đây đén nước Vệ không xa, xin Chúa công đợi đến đó hỏi xem Ninh Thích có quả là người hiền không đã, rồi sẽ phong cũng chẳng muộn.
Tề Hoàn Công nói:
- Đã nghi thì không nên dùng, đã dùng thì đừng nghi. Giả thử Ninh Thích trước kia có một vài lỗi nhỏ đi nữa, nay ta cũng không vì lõi nhỏ ấy mà phải bỏ qua một nhân tài.
Rồi ngay đêm ấy, Tề Hoàn Công phong chức Đại phu cho Ninh Thích, để cùng Quản Trọng coi việc quốc chánh.
Ninh Thích lạy tạ lui ra. Tề Hoàn Công truyền lệnh tấn binh.
Chẳng bao lâu, đại binhc ủa Tề kéo đến biên giới nước Tống, hợp với binh các nước chư hầu đông như kiến cỏ.
Tề Hoàn Công họp các tướng bàn kế lấy thành, Ninh Thích tâu:
- Chúa công phụng mệnh Thiên tử đem quân chế ngự chư hầu, mục đích bắt họ phục tùng chứ không phải chiếm đất. Ấy vậy, quân lực chỉ làm cho người ta sợ uy chứ không mến phục. Theo ý tôi chớ nên đánh vội. Tôi dẫu hèn mạt, dám xin đem ba tấc lưỡi bảo vua nước Tống giảng hòa.
Tề Hoàn Công nghe theo, truyền lệnh đóng quân lại, sai Ninh Thích vào trước thuyết phục Tống Hoàn Công.
Ninh Thích ngồi một chiếc xe nhỏ, đem theo mấy tên gia nhân thẳng đến Thư Dương xin vào yết kiến.
Tống Hoàn Công hỏi Đái Thúc Bì:
- Ninh Thích là người thế nào?
Đái Thúc Bì thưa:
- Tôi nghe người ấy là một kẻ chăn trâu, được Tề hầu mời dùng làm quan, chắc người ấy có tài ứng đối.
Tống Hoàn Công nói:
- Vậy thì nên đối xử như thế nào?
Đái Thúc Bì thưa:
- Xin Chúa công triệu vào lấy lễ mà đãi, để xem ý tứ Ninh Thích như thế nào. Nếu va có điều gì lỗ mãng tôi sẽ vuốt giải mão làm hiệu, Chúa công khiến võ sĩ bắt giam lại, như thế mưu của Tề ắt phải hư.
Tống Hoàn Công gật đầu khen phải, truyền võ sĩ mai phục xong xuôi mới cho Ninh Thích vào.
Ninh Thích mặc áo rộng thắt đai lớn, ung dung bước vào xá Tống Hoàn Công một cái. Tống Hoàn Công ngồi yên không đáp lễ, Ninh Thích ngước mặt lên trời than:
- Nước Tống đã đến lúc nguy khốn rồi.
Tống Hoàn Công nghe nói lấy làm lạ hỏi:
- Ta làm đến bậc Thượng Công, phẩm trật đứng trên các chư hầu, tỏng nước binh hùng tướng mạnh, dân chúng an vui, sao gọi là nguy khốn?
Ninh Thích nói:
- Hiền hầu có thể sánh được với Châu Công ngày xưa không?
Tống Hoàn Công nói:
- Châu Công là bậc thánh, ta làm sao sánh được.
Ninh Thích nói:
- Châu Công ngày xưa trong lúc thiên hạ thái bình thế mà còn phải trọng người hiền sĩ. Lúc đang ăn cơm nghe người hiền sĩ vào, vội vàng nhả miếng cơm để ra tiếp đón. Trong lúc đang tắm nghe người hiền sĩ đến, vội vã vấn tóc để ra mời. Nay dến hiền hầu là dòng dõi một nước đã mất rồi, lại gặp buổi loạn lạc, các liệt quốc tranh hùng, dẫu bắt chước như Châu Công, hết lòng cầu kẻ sĩ, chưa chắc kẻ sĩ đã tìm đến, huống hồ lại còn tự đắc kiêu căng thì có bao giờ người trung trực lại chịu đến quy phục hiền hầu. Thế mà lại không cho là nguy khốn sao?
Tống Hoàn Công nghe nói sững sờ, giây lâu mới đứng dậy có vẻ ăn năn:
- Ta mới lên ngôi chưa được nghe lời giáo huấn của quân tử, vậy xin tiên sinh miễn chấp.
Thúc Bì đứng hầu một bên thấy Tống Hoàn Công có ý xiêu lòng, vội đưa tay vuốt giải mão đến đôi ba lần mà Tống Hoàn công vẫn không thèm để ý tới.
Tống Hoàn công hỏi Ninh Thích:
- Chẳng hay tiên sinh đến đây có điều chi dạy bảo tôi chăng?
Ninh Thích nói:
- Nay Thiên tử suy yếu, chư hầu lộng quyền, việc tranh chấp càng ngày càng quyết liệt, dân gian đồ thán. Tề hầu không nỡ để cho thiên hạ lâm cảnh tóc tang, phải phụng mệnh Thiên tử liên kết chư hầu để lo việc tương thân và trách phạt. Hiền hầu bội tín làm cho Thiên tử nổi cơn thịnh nộ, nên sai chư hầu đến đây vấn tội. Nếu hiền hầu cự với binh triều, thì chưa đợi đến giao binh đã thấy được lẽ thắng phụ rồi.
Tống Hoàn Công hỏi:
- Theo sở kiến của tiên sinh thì việc nầy phải thế nào?
Ninh Thích nói:
- Theo ý tôi, hiền hầu nên dùng chút đỉnh lễ vật mà cấu hòa, trên chẳng trái với Châu Vương, dưới vẫn đặng quyền cũng minh chúa. Nhwu thế Tống không cần dộng binh mà vẫn vững vàng như non Thái.
Tống Hoàn Công nói:
- Trước kia ta đã không trọn ước, nửa đêm kéo quân bỏ về không dự hội, nay Tề hầu đã đem quân đến đây biết có chấp thuận việc hòa ước của ta chăng?
Ninh Thích nói:
- Tề hầu là một người đại nhân đại độ, không kể đến lỗi lầm của kẻ khác, trước đây Lỗ hầu không chịu dự hội, sau đến xin ăn thề nơi đất Kha, Tề hầu vẫn đem đất Vấn Dương trả lại, huống chi hiền hầu là kẻ đã có lòng đến dự hội, lẽ nào Tề hầu lại không cho giải hòa.
Tống Hoàn Công nói:
- Bây giờ phải dùng những lễ vật chi để cống hiến?
Ninh Thích nói:
- Là một kẻ đại nhân đại độ không bao giờ xem của cải là tọng, hiền hầu chỉ dùng một vật mọn cũng đủ.
Tống Hoàn Công mừng rỡ, sai sứ mang lễ vật sang dinh Tề giao hòa.
Đái Thúc Bì hổ thẹn lui ra.
Sứ Tống đến trại Tề dâng mười cặp Bạch ngọc, ngàn nén vàng ròng mà tạ tội.
Nhận xét:
Người có tài và kẻ biết dùng người tài là hai yếu tố tương quan để đi đến chỗ thành công.
Từ xưa đến nay, kẻ có tài thường hay có tật, đó là tật “hợm mình”.
Kẻ có tài thường không muốn để ai lợi dụng tài mình, mỗi khi họ đem tài ra giúp việc gì tất họ phải đắn đo rất kỹ, cho nên từ ngàn xưa, chúng ta đã thấy nào Khương Tử Nha ngồi câu thời vận, nào Khổng Minh Gia Cát nằm ép mình trong chốn thảo lư v.v.. đợi cho các nhà chính trị đến cầu cạnh mới đem thân ra giúp. Một khi họ đã giúp thì đem hết lòng mình ra phục vụ, không kể đến mạng sống.
Đó là kẻ chân tài. Kẻ chân tài thường chọn người có chí lớn mà thờ.
Ở đây việc Ninh Thích gõ sừng trâu hát nghêu ngao để tiến thân với Tề Hoàn Công cũng chỉ là chuyện hợm mình ngày xưa thôi.
Ngày any, theo ngương ấy, chẳng thiếu chi người, tài năng không có gì cũng ra mặt kẻ sĩ không gặp thời, ngồi rung đùi chê trách thế sự. Những kẻ ấy nếu không được dùng thị họ đi nói xấu thiên hạ đủ thứ để tỏ các biết thấp kém của họ, nếu được dùng thì họ lại mưu lợi riêng, làm những việc tồi tàn hơn là những việc mà họ chê trách kẻ khác.
Ôi, thói đời vàng thau lẫn lộn. Bởi vậy, cái khó khăn nhất là kẻ dùng người.
Một cây không làm nổi một sườn nhà, một giọt nước không làm thành bể cả. Việc quốc gia cần phải được đa số nhân tài không phải là chuyện dễ.
Kẻ tìm nhân tài không nên thích những lời dua mị, cũng không nên căn cứ vào lời nói suông của họ mà phải xét ở chỗ có thực tài hay không.
Tề Hoàn Công đốt đuốc phong Ninh Thích, với nững ý kiến kiên quyết và rắn rỏi, thật đáng là một nhà lãnh đạo sáng suốt.
Không phải như thời nay, nhiều nhà lãnh đạo môt nước mà không xem nhân tài là trọng, hễ có tình với ai, hay thấy ai xu phụ mình thì kéo bầy kéo cánh vào còn kẻ nào chỉ trích mình, không ưa mình tài không dùng đến, mặc dù kẻ ấy có đủ tài giúp mình trong công cuộc cứu nước, mưu lợi cho dân.
Tấm gương Tề Hoàn Công phong chức cho Ninh Thích trên đây đnags là một tấm gương lưu hậu thế.