Nam Cung Trường Vạn với câu nói đùa vô ý thức của vua Tống
Dù nói đùa hay nói thật, lời nói ra vẫn có một giá trị của nó. Người rành tâm lý không bao giờ để cho lời nói mình thiếu một giá trị.
Quân Tề bị quân Lỗ đánh thua ở Trường Thược, bèn cho người sang Tống mượn quân tiếp viện.
Tống Mẫn Công cho Nam Cung Trường Vạn mang quân sang giúp. Nam Cung Trường Vạn là nười sức khỏe vô cùng, không ai địch nổi, nhưng cậy mạnh bất chấp binh hàng ngũ, Trường Vạn xông pha ngoài chiến trường và lọt vào ổ phục kích của quân Lỗ, Bị Lỗ Trang Công bắn trúng vào vai, Chuyên Tôn Sinh thừa thế đâm thêm một nhát vào đùi nữa, và bắt bỏ vào tù xa, nạp về Lỗ làm tù binh.
Một năm sau, Tề, Lỗ lại giao hòa, Nam Cung Trường Vạn được tha về nước Tống.
Vua Tống Mẫn Công thấy Nam Cung Trường Vạn về thân mật nói đùa:
- Ngày trước ngươi là tướng, ta rất mực kính yêu, nhưng nay ngươi là tù nước Lỗ, ta không còn kính yêu nữa.
Nam Cung Trường Vạn nghe nói thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.
Quan Đại phu, Cừu Mục hiểu ý nói riêng với Tống Mẫn Công:
- Vua tôi giao thiệp với nhau cần phải đứng đắn, không nên nói đùa bỡn làm mất lễ nghi, sinh điều khinh lờn phản nghịch, xin Chúa Công xét lại.
Tống Mẫn Công nói:
- Ta cùng Nam Cung Trường Vạn quá ư thân thiết, đã thân thiết mà còn giữ Lễ thì sao gọi là thân? Ta tưởng điều ấy chẳng tai hại gì.
Năm ấy vua Trang Vương nhà Châu mất, Thái tử Tề lên ngôi tức là vua Hi Vương. Vua Hi Vương gởi tờ cáo phó khắp các chư hầu, lúc đến nước Tống thì gặp khi Tống Mẫn Công đang cùng các cung phi vui chơi nơi Mông Trạch, lại khiến Nam Cung Trường Vạn ném kích làm trò vui. (Nguyên Nam Cung Trường Vạn có tài ném kích lên trời, cao đến mấy trượng, rồi lại đưa tay bắt lấy, trăm cái không trật mộ, cung nhân nghe nói ây nấy cũng muốn xem, nên Tống Mẫn Công cho Nam Cung Trường Vạn theo hầu, và bảo làm trò ném kích ấy).
Các cung nhân xem thấy tài ném kích của Trường Vạn đều vỗ tay khen không dứt lời.
Tống Mẫn Công không bằng lòng, có ý ghen tài liền sai nội thị đem bàn cờ ra để đánh với Nam Cung Trường Vạn, hễ ai thua phải uống một bát rượu thật lớn.
Tống Mẫn Công vốn là tay cao cờ. Trường Vạn thua luôn năm ván. Trường Vạn phải uống luôn năm bát rượu nên đã ngà ngà say, nhưng lòng chưa thỏa, xin đánh thêm nữa.
Tống Mẫn Công nói:
- Tù nhân thì tất phải thua, dù đánh thêm mấy ván cũng chẳng thắng nổi.
Nam Cung Trường Vạn xấu hổ, ngồi lặng thinh không nói, bỗng có tin sứ nhà Châu đem thiếp cáo phó đến, Tống Mẫn Công nói:
- Thế thì ta phải sai người vào triều nhà Châu điếu tang và chúc mừng vua mới.
Nam Cung Trường Vạn nói:
- Tôi nghe Kinh đô nhà Châu đẹ lắm mà mắt chưa từng thấy, xin Chúa Công cho tôi đi sứ.
Tống Mẫn Công vừa cười vừa nói:
- Khi nào nước Tống không còn nữa thì mới sai tù nhân đi sứ.
Các cung nhân đều cười ầm lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng, vì thẹn quá mà hóa giận, lại đang lúc say rượu chẳng cần nghĩ gì đến đạo vua tôi, cả tiếng mắng:
- Hôn quân vô lễ. Ngươi nên biết rằng tù nhân cũng có thể giết người được.
Tống Mẫn Công nổi giận mắng:
- A, thằng tù nhân, mày dám nói càn đến thế sao?
Nói xong, giật cây kích của Trường Vạn toan đâm một nhát, Nam Cung Trường Vạn giật ngay cái bàn cờ đập vào đầu Tống Mẫn Công té xuống rồi bồi luôn mấy cái. Tống Mẫn Công chết tươi. Bọn cung nhân sợ hãi chạy tán loạn.
Nam Cung Trường Vạn hơi giận chưa nguôi cầm kích ra khỏi ly cung…
Nhận xét:
- Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy.
Một người có tư cách, lời nói bao giờ cũng thận trọng dẫu trong tường hợp nào.
Tống Mẫn Công ỷ tình thân thích, nói đùa không giới hạn đưa lại một tai hại khủng khiếp.
Thuật xử thế không cho phép con người vô ý thức như vậy được. Phàm một lời nói, một cử chỉ phát ra đều có một tác động cả. Cử chỉ và lời nói là một lợi khi chinh phục. Kẻ dùng lời nói để mê hoặc lòng người khác, kẻ dùng lời nói để gièm pha, nguyền rủa cho thỏa mãn ý riêng, kẻ dùng lời nói để gây cừu chuốc oán. Người ta có thể căn cứ vào lời nói để hiểu biết tư cách và giá trị của một người. Như thể lời nói có một tầm quan trọng không thể coi thường được.
Tùy lúc, tùy thời mà nói, cũng lời nói ấy mà áp dụng đúng với hoàn cảnh sẽ đem lại một lợi ích to lớn nhưng cũng lời nói ấy mà áp dụn không đúng với hoàn cảnh đã làm cho lời nói ấy mất giá trị mà còn gây lắm tai hại không lường được.
Những lời nói đùa của Tống Mẫn Công trên đây là một tấm gương đối với những ai đang có trách nhiệm trên trường chính trị. Chớ xem thường.
Nam Cung Trường Vạn dù có là một khúc gỗ đi nữa cũng không thể tai nghe mắt điếc trước hàng trăm cung nữ như vậy, huống hồ Trường Vạn là một trong hàng tướng lãnh, có tánh nóng.
Việc Trường Vạn nổi nóng đập bàn cờ vào đầu Tống Mẫn Công là việc tất nhiên phải xảy ra.
Đừng ỷ mình có một địa vị lớn, muốn nói gì với ai thì nói không kiêng nể gì. Lời nói ấy tuy kẻ dưới không dám cãi lại nhưng nó vẫn lưu vào lòng kẻ ấy rồi đợ lúc nào thuận lợi, sức phản ứng sẽ bộc phát. Đó là trường hợp thường, còn trường hợp như Nam Cung Trường Vạn với vua Tống là trường hợp đặc biệt hơn. Nhưng dầu trường hợp nào kết quả đều tai hại.