Mối tình Vương Cơ


Lòng người đàn bà là một kho tàng kín đáo, chứa đựng nhiều uẩn khúc, mà cũng chứa đựng nhiều ngang trái của đời mình.

Thiên tử nhà Châu chấp thuận gả con gái mình là Vương Cơ cho Tề Tương Công, vua một nước chư hầu, lại hạ chiếu cho vua nước Lỗ đứng lên sắp xếp việc hôn nhân.

Vợ vua Lỗ là nàng Văn Khương, em cùng cha khác mẹ với Tề Tương Công, nhân dịp ấy đòi theo vua Lỗ về Tề để thăm viếng Tề Tương Công.

Vua Lỗ không hiều mối tình dâm loạn của đôi anh em cùng cha khác mẹ nầy nên thỏa thuận cho vợ mình là Văn Khương cùng theo.

Trong lúc vua Lỗ lo việc thực hiện sứ mệnh hôn nhân do Thiên Tử nhà Châu giao phó thì hai anh em Tề Tương Công lại lén dâm loạn với nhau. Đến nỗi vua Lỗ nghi ngờ.

Biết vợ mình có tình ý riêng với Tề Tương Công, vua Lỗ cố tình dò hỏi, nên công việc đổ vỡ.

Để ém nhẹm, Tề Tương Công phục rượu Lỗ Hoàn Công và cho người giết chết, đồng thời cưới nàng Vương Cơ về để che giấu tiếng dâm loạn và vô đạo của mình.

Vương Cơ là người thùy mị, ôn hòa, điềm đạm và trọng lễ nghĩa. Từ khi về làm vợ vua Tề, nàng nhận thấy Tề Tương Công là người dâm dục, nên sinh lòng chán nản buồn rầu, tâm tánh vợ chồng không hợp, sau mấy tháng chung sống, nàng được biết chuyện vô đạo loạn luân và tàn nhẫn của Tề Tương Công, nên thường than thở và buồn rầu cho số phận của mình:

- Con người mà có thể dâm loạn như thế, tàn ác như thế, thì thật không khác loại cầm thú, thật khốn khổ cho đời ta bất hạnh gặp phải đứa tiểu nhân.

Buồn khổ lâu ngày, Vương Cơ uất hận sanh bệnh không đầy một năm thì chết.

Nhận xét

- Nếu phải chịu đựng nhiều đau đớn, trái ngang trong đời thì người đàn bà chịu đựng nhiều hơn người đàn ông.

Trong lúc nàng Vương Cơ, một công chúa thùy mị, ôn hòa, trao cả thân phận cao quý cho mình thì bên cạnh nàng Văn Khương, một cô gái dâm loàn, trắc nết theo chiếm đoạt mối tình nàng đối với Tề Tương Công.

Tại sao Tề Tương Công lại không biết quý trọng cái nhan sắc diễm lệ của Vương Cơ, và tâm hồn thùy mị của người đàn bà cao quý ấy?

Thói thường, những cái quý trọng của con người chỉ có những người có tư cách mới thấy được mà thôi. Tề Tương Công một ông vua dâm ác thì làm sao thấy được cái ý nghĩa cao quý của đàn bà?

Kẻ làm ác thích gần những cái ác.

Nàng Vương cơ đau buồn không phải vì không được Tề Tương Công yêu, mà nàng đau buồn vì số phận nàng, một người đàn bà chính chuyên lại gặp phải duyên phận như thế.

Thói đời lắm cảnh éo le trái ngược, làm cho cuộc sống tình duyên phải điêu đứng khổ sở.

Vương Cơ, người con gái nết na trong lễ nghĩa làm sao chung sống được với Tề Tương Công là kẻ vô đọa sống hoàn toàn cho nhục dục thể xác?

Gặp ông chồng như vậy nagf ocnf biết làm sao hơn, nàng phải ôm sầu nuốt hận cho đến chết là phải.

Làm cha mẹ, hạnh phúc cho con là một việc lớn, không nên vì quyền lợi riêng trước mắt mà buộc đứa con mình phải rơi vào bể khô của tình duyên.

Làm chồng, khi được một đóa hoa quý, nếu không che chở nắng mưa thì sắc tươi cũng phải héo, sắc thắm cũng phải phai, tình nghĩa vợ chồng không thể nào gây được hạnh phúc.

Thời phong kiến, quyền chuyên chế của cha mẹ và người chồng đối với con và vợ có một sức mạnh tuyệt đối. Người con gái nếu may gặp được số phần trong sạch thì nhờ, bằng gặp nơi vẩn đục thì phải ân hận suốt đời thôi.

Mối tình nàng Vương Cơ và cái chết của nàng tượng trưng cho sức áp chế của thời phong kiến chuyên chế.

Đóa hoa lài cắm bãi cứt trâu.