Kết quả của chính sách bá đạo
Vương Đạo hay Bá Đạo, hai chính sách tuy khác nhau, nhưng việc làm gần giống nhau. Chỉ có lúc thành công rồi mới nhận lấy một bộ mặt thật của hai chính sách ấy.
Sau khi thu phục chư hầu, nắm trọn quyền bá chủ, Tề Hoàn Công sanh ra tự kiêu, cho mình đã làm được nhiều việc có lợi ích cho dân, bèn sửa sang cung điện vô cùng lông lẫy, các ngựa xe, đồ dùng nhất nhất đều được sửa sang rất lịch sự, sang trọng các cung điện đều được xây cất lộng lẫy.
Các quan trong triều thấy vậy cũng đua nhau phục sức và trang hoàng dinh thự của mình. Quản Trọng đã không ngăn cản mà còn tự mình xây cất đài Tam Qui cao ba tầng để ở, xài phí rất huy hoát.
Bảo Thúc Nha có ý nghi hoặc, hỏi:
- Vua xa xỉ, mình cũng xa xỉ, vua tiếm phạm mình cũng tiếm phạm, như thế nghĩa là sao?
Quản Trọng đáp:
- Một ông vua đã trải bao gian nguy khổ sở lập nên công nghiệp, tất có ngày phải được hưởng sung sướng và khoái lạc. Nếu mình đem lễ phép mà gò bó thì ắt người ta sanh chán. Tôi sở dĩ bắt chước chúa công phung phí như vậy là để chia bớt tiếng cười chê của thiên hạ đối với chúa công vậy.
Bảo Thúc Nha làm thinh, nhưng trong lòng không phục.
Nhận xét:
Hành động của Tề Hoàn Công trên đây là kết quả của một chính sách bá đạo.
Không thể bảo rằng vì mình có công trạng nhiều với dân mà trở nên kiêu hãnh, xa hoa như vậy. Một ông vua vì nước vì dân thì phải xem việc mình làm là nhiệm vụ đối với dân với nước, sao lại cho đó là một ân huệ?
Tề Hoàn Công đã theo bá đạo, đã vì tham vọng riêng của mình mà lập nghiệp, đâu phải vì dân nước Tề.
Đứng về vương đạo mà nói thì ông vua vui cái vui của dân, khổ cái khổ của dân. Dân sướng túc là vua đã sung sướng rồi, cần gì phải hưởng riêng cái sung sướng của mình mới là sung sướng. Đã nghĩ riêng cho mình thì không thể nào mưu cầu hạnh phúc cho dân được nữa.
Quản Trọng bảo là vì vua xa hoa phung phí nên ông cũng phải xa hoa phung phí để che bớt tiếng xấu của vua đối với dân chúng.
Lời nói nầy quả là ngụy biện. Đã biết việc làm của vua là xấu, lại không khuyên can, còn hùa theo mà làm, thế thì sao gọi là trung, sao giữ được uy tín đối với dân.
Một ông vua xa hoa dân chúng đã khổ rồi, cả triều thần xa hoa nữa thì dân lại còn khổ hơn. Việc kiến quốc không phải một mình nhà vua hay một nhóm triều thần làm nên được, phải nhờ ở sức dân mới thành, thế mà không nghĩ đến dân lại nghĩ đến riêng mình thì quả là mị dân rồi.
Lời thánh nhân nói: Kẻ biết lo cho dân, hãy lo lắng trước cái lo lắng của dân, hãy vui sau cái vui của dân, như thế mới gọi là vì dân.