Gái Văn Khương


Lòng người đàn bà như một cánh cửa đóng kín mà không gài then. Hãy coi chừng!

Tề Hi Công có hai người con gái rất xinh đẹp. Người lớn tên là Tuyên Khương đã gả cho Vệ hầu còn lại người nhỏ là Văn Khương. Nàng nầy mặt hoa mày liễu, nhan sắc tuyệt vời, lại thêm học hành thông thái, thi phú rất giỏi, vì thế mới gọi là nàng Văn Khương.

Văn Khương lại còn có người anh cùng cha khác mẹ, tức là Thế Tử Chư Nhi chỉ lớn hơn nàng độ vài tuổi, diện mạo phương phi, ra chiều phong nhã, nhưng phải cái tánh đam mê sắc dục, từ nhỏ đến lớn Chư Nhi và Văn Khương thường lui tới gần gũi nhau, do đó trong tình anh em lại có ẩn thêm một mối tính luyến ái.

Tề Hi Công vốn chiều con, không bắt buộc giữ gia khuông phép nên về sau sanh điều tệ hại. Khi Thế tử Hốt đánh giặc Hắc Nhung, Tề Hi Công thường khen tài Trịnh Thế tử trước mặt Văn Khương, lại thường nhắc đến việc hôn nhân của nàng với Thế tử Hốt. Văn Khương lấy làm đắc ý, nhưng về sau nghe tin Thế tử Hốt từ hôn, nàng buồn bã sanh bịnh bỏ ăn bỏ ngủ ngày đêm mê hoảng. Thế tử Chư Nhi thường lại thăm nàng, lân la bên giường bệnh, gây thêm mối tình gian díu. Tuy nhiên, vì lúc nào cũng có quân nhân hầu hạ một bên, nên chưa đến nỗi sanh điều dâm loạn.

Một hôm vua cha vào thăm con gái, thấy thế tử Chư Nhi đang ngồi chung giường với Văn Khương bèn kêu ra ngoài mắng:

- Mi là anh, sao mi không biết tị hiềm vậy?

Chư Nhi cúi đầu làm thinh không đáp. Tề Hi Công nói:

- Từ nay mi chỉ được sai cung nhân đi thăm mà thôi, không nên lân la như vậy nữa.

Chư Nhi bẽn lẽn lui ra. Từ ấy chàng ít khi lui tới Cách đó không lâu Tề Hi Công cưới con gái của Tống Công cho Thế tử Chư Nhi. Được vợ Chư Nhi thỏa tình tơ tóc quên lảng cuồng vọng, nên anh em càng ngày càng xa lần.

Văn Khương ở nới phòng loan vắng vẻ, lại thêm thương nhớ Chư Nhi, bệnh thế càng nặng hơn nữa.

Lúc bấy giờ tại nước Lỗ, Lỗ Hoàn Công khi nối ngôi, đã lớn tuổi mà chưa có vợ. Quan Đại phu Tang Tôn Đạt tâu rằng:

- Chúa Công nên xem việc tôn miếu là trọng mà kiếm người làm chủ trong cung mới được Công tử Vận cũng quỳ tâu:

- Hạ thần trộm nghe thiên hạ đồn rằng con gái Tề Hi Công là Văn Khương nhan sắc tuyệt mỹ, trước kia muốn gả cho Thế tử Hốt nhưng việc không thành, nay xin Chúa công cho người qua đó cầu hôn ắt đặng.

Lỗ Hoàn Công nghe theo, liền sai Công Tử Vận qua Tề cầu hôn.

Tề Hi Công thuận ý, nhưng lại thấy Văn Khương còn tại bệnh nên hẹn nán lại ít lâu. Cung nhân hay được việc ấy thuật lại với Văn Khương. Nàng lấy làm mừng, lần hồi thiên bệnh.

Kịp đến lúc Tề và Lỗ hội nơi đất Tắc. Lỗ Hoàn Công đem chuyện cầu hôn ra bàn. Tề Hi Công lại một lần nữa chấp thuận và đính ước năm sau.

Năm sau, vào năm thứ ba của Lỗ Hoàn Công, Công tử Vận đem lễ vật sang Tề để rước nàng Văn Khương về Lỗ. Thế tử Chư Nhi nghe được tin giả chước sai cung nhân đem hoa tặng Văn Khương, trong hoa có giấu một bài thơ:

Hoa đào đang dộ hây hây
Đượm tình thơ mộng những ngày xa xưa.
Cành hoa hé cửa song thưa,
Tiếc thay con bướm vẫn chưa đi về.

Văn Khương xem thơ hiểu ý đáp lại rằng:

Vườn xuân một cánh hoa đào
Năm nay chưa bẻ hẹn vào năm sau.
Hững hờ bóng nguyệt canh thâu
Hoa xuân đâu đã phai màu thời gian.

Chư Nhi đọc bài thơ ấy biết Văn Khương có dạ tường minh, lòng càng mơ mộng. Cách đó vài hôm, Công tử Vận đem lễ vật đến nước Tề, Tề Hi Công quá thương con gái nên có ý thân hành đưa Văn Khương sang Lỗ. Chư Nhi biết được ý định, bèn quỳ tâu:

- Nay phụ thân gả tiện mụi cho vua Lỗ, đó là việc rất hay, hai nước càng thêm thân mật, song vua Lỗ đã không sang đón, mà phụ thân lại phải đưa đến e thất sách đi chăng. Xin phụ thân giao việc ấy cho con thay mặt cũng được.

Tề Hi Công nói:

- Ta đã hứa đích thân đưa Văn Khương qua Lỗ thì nay không thể thất tín.

Nói vừa dứt lời, được tin Lỗ Hoàn Công thân hành đến đất Hoan thuộc nước Lỗ để tiếp đón.

Tề Hi Công nói:

- Lỗ Hoàn Công là một người trọng lễ, sợ ta đi xa mệt nhọc nên đến nửa đường tiếp đón, ta há lại thất lễ sao?

Chư Nhi buồn bã nín lặng bước ra, đợi đến lúc khởi hành giả về đến tiễn em ghé vào tại Văn Khương nói nhỏ:

- Em chớ quên những lời trong thơ hôm trước.

Văn Khương lòng bịn rịn nhìn anh đáp:

- Anh cứ an tâm, ngày xuân còn dài, lo gì không có lúc hội ngộ.

Tề Hi Công trao lại việc quốc chính cho Thế tử Chư Nhi rồi cùng Văn Khương lên đường đến đất Hoan. Lỗ Hoàn Công đã bày sẵn tiệc lễ đợi chờ. Hai bên gặp nhau vui vầy không xiết.

Tiệc mãn, Tề Hi Công đáp từ trở về nước, còn Lỗ Hoàn Công đưa Văn Khương về nước Lỗ giao bôi. Lỗ Hoàn Công thấy Văn Khương tài sắc vẹn toàn đem lòng quý mến. Kế đó Tề Hi Công lại sai Di Trọng Niên đem lễ vật đến để thăm viếng. Từ đấy mối tình của hai nước rất nên khẳng khít.

Cách ít lâu, Tề Hi Công chết thế tử Chư Nhi lên nối ngôi xưng hiệu Tề Tương Công.

Bấy giờ, Lỗ Hoàn Công đem lễ vật đến nước Tề thăm viếng, có nàng Văn Khương đi theo.

Khi đến sông Lạc Thủy vợ chồng Lỗ Hoàn Công đã thấy Tề Tương Công đón sẵn. Hai bên tay bắt mặt mừng, cùng nhau trở về Kinh đô Lâm Tri, bày tiệc đãi đằng rất trọng hậu.

Tiệc mãn, Tề Tương Công xin phép Lỗ Hoàn Công đưa nàng Văn Khương vào cung để thăm viếng các cung phi. Lỗ Hoàn Công thuận ý. Tề Tương Công dẫn Văn Khương vào một phòng kín đã sắp đặt sẵn. Hai anh em uống rượu vui vầy, rồi bày cuộc gió mưa.

Sáng hôm sau mặt trời đã cao, mà hai người vẫn còn ôm nhau nằm ngủ mãi. Lỗ Hoàn Công ở ngoài đợi lâu qáu sinh buồn, lại có ý nghi hoặc vợ mình, chẳng biết bên trong cánh cửa cung thăm thẳm ấy có việc gì rối lòng chăng, mà dù có nghi hoặc cũng không làm sao hiểu thấu, khi mà tường cao vòi vọi, bức rèm châu đã khép kín song thưa. Tuy nhiên lòng thấy nao nao không thể nào chịu được, Lỗ Hoàn Công bèn cho người dò xét mới hay Tề Tương Công chưa có Chánh phi, chỉ có thứ phi là Liên Thị mà Tề Tương Công đã ghét bỏ từ lâu rồi.

Lại nghe nói đêm vừa rồi chỉ có anh em Tề Tương Công chung tình chớ không có Phi tần nào cả, Lỗ Hoàn Công uất hận vô cùng, bỏ ra ngoài thơ thần nơi hiên Tây, bỗng gặp Văn Khương từ đàng xa lểnh mểnh đi đến, Lỗ Hoàn Công đưa mắt nhìn từ đầu đến chân, bởi:

- Đêm hôm ái khanh uống rượu với ai?

Văn Khương nũng nịu đáp:

- Thần thiếp vui vầy với Liên thị.

Lỗ Hoàn Công hỏi:

- Vui đến bao lâu mới hết?

Văn Khương đáp:

- Đã lâu quá chưa gặp nhau, nên vui mãi cho đến lúc trăng lên đỉnh đầu mới thôi.

- Anh của khanh có đến dự tiệc chăng?

- Anh tôi đâu có lại đó dự tiệc?

- Chẳng lẽ anh em lâu ngày xa cách lại không tìm nhau uống một chén rượu cho vui sao?

Văn Khương có vẻ lưỡng lự đáp:

- Lúc mãn tiệc anh tôi có uống một chung rượu rồi đi ngay.

Xét thấy lời nói và thái độ Văn Khương có điều uẩn khúc, Lỗ Hoàn Công lại càng nghi ngờ nói:

Tiệc mãn sao ái khnah không ra ngày còn ở trong đó làm gì?

- Vì đêm khuya quả thần thiếp thấy ra ngoài bất tiện.

- Thế thì ái khanh đã ngủ lại nơi đâu?

- Trong cung thiều gì nơi nghỉ ngơi, sao Quân hầu lại hỏi lần thần như thế?

- Tại sao ái khanh lại dậy trưa?

- Vì uống rượu quá say nên mệt mỏi không thể dậy sớm nổi.

- Ái khanh ngủ với ai?

- Thần thiếp ngủ chung với mấy người cung nhân nơi Tây cung.

- Còn anh của ái khanh ngủ ở đâu?

Văn Khương sợ sệt làm ra mặt giận đáp:

- Anh ngủ ở đâu làm sao em gái biết mà nói rõ được?

Lỗ Hoàn Công cũng giận dữ nói:

- Thế mà a biết anh của ái khanh đã ngủ ở đâu và ngủ với ai rồi. Ái khanh đừng giấu giếm làm gì.

Văn Khương hổ thẹn khóc òa, Lỗ Hoàn Công lòng đầy hậm hực nhưng biết mình đang ở trong đất Tề khó lòng nói năng được, nên vào từ giã Tề Tương Công về nước.

Tề Tương Công nghĩ lại việc xấu của mình lấy làm hối hận, sợ Lỗ Hoàn Công hay được nên sai người tâm phúc là Thạch Chi Phân như theo dõi.

Phân Như trở về kể lại những lời cãi và vừa rồi của vợ chồng Lỗ Hoàn Công cho Tề Tương Công nghe. Tề Tương Công bối rối nói:

- Ta không ngờ Lỗ hầu lại có thể biết được việc ấy, nếu thiên hệ hay được thì danh dự còn gì?

Bèn khiến Phân Như đòi Công Tử Bình Sinh đến dạy việc:

- Nay ta muốn lập kế giết vua Lỗ, chẳng hay khanh có bằng lòng giúp ta chăng?

Công Tử Bình Sinh vốn có cựu thù với vua Lỗ nên tuân mệnh.

Tề Tương Công đặt tiệc nơi quân địch ai mời Lỗ Hoàn Công đến dự rồi ép rượu cho đến say.

Lỗ Hoàn Công nhân lúc đau đớn trong lòng cũng muốn mượn chén rượu giải sầu, nên không từ chối.

Khi Lỗ Hoàn Công đã quá chén, nằm gục trên ngự ý, Tề Tương Công sai Bình Sinh phò Lỗ Hoàn Công lên xe, trở về quán. Bình Sinh ngồi bên cạnh. Khi xe ra khỏi quốc môn vài dặm, thấy Lỗ hầu ngủ say, liền thò hai ngón tay vào cạnh sườn bóp thật mạnh, Lỗ Hoàn Công bị gãy xương sườn, la lên một tiếng rồi hộc máu chết tươi…

Nhận xét:

Cái tệ hại của Văn Khương là do vua nước Tề. Tề Hi Công đã nuông chiều con cái đến nỗi bỏ cả gia giáo trong gia đình. Đối với nước Tàu, dù cho anh em trai, gái trong một nhà cũng không được phép gần gũi nhau khi đến tuổi yêu đương. Phong tục ấy không phải là khắt khe. Tấm gương của gái Văn Khương nhắn nhủ cho những ai có con gái trong gia đình đến tuổi yêu đương mà không biết ngăn cấm.

Đời xưa cũng như đời nay, trong cung cấm cũng như ngoài dân chúng, không thiếu gì tệ đoan như vậy, ai đã làm cha mẹ phải biết đề phòng.

- Thường thường từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác. Những tội lỗi bao giờ cũng nối đuôi nhau bắt đầu từ nhỏ đến lớn.

Ví dụ: Thế tử Chư Nhi gần gũi em gái mình thường ra vào nội cung, đó chỉ mơi slaf một lầm lỗi sơ đẳng. Từ chỗ lầm lỗi sơ đẳng ấy đi đến chỗ tư tình, dâm loạn, giết vua Lỗ, lầm lỗi mỗi lúc một trầm trọng hơn. Thế thì những lầm lỗi nhỏ không thể không coi là quan trọng, vì có lầm lỗi nhỏ mới có lầm lỗi lớn. Những lầm lỗi lớn bao giờ cũng bắt nguồn từ lầm lỗi nhỏ. Nếu Chư Nhi không lui tới với Văn Khương làm gì có việc loạn dâm. Nếu Chư Nhi không loạn đâm với Văn Khương làm gì có việc mưu sát vua Lỗ. Chỉ sợ người ngoài biết được hành động xấu xa của mình mà Chư Nhi giết vua Lỗ thì quá tội ác đã đến mức trầm trọng lắm rồi.

Ở đời nhiều người hành động xấu xa lại không muốn cho kẻ khác thấy hành động xấu xa của mình và tìm cách che giấu bằng những hành vi tội lỗi, thật đáng khinh. Xưa cũng như nay, những hạng người như vậy không thiếu gì trong xã hội.

Chỉ có điều, những kẻ có địa vị cao chừng nào hành động tội lỗi càng nguy hại chừng nấy.

Nếu là việc loạn dâm ở một giai cấp bình dân thì làm gì có điều kiện để kẻ phạm tội muốn giết ai thì giết, muốn bắt ai thì bắt? Cho nên, kẻ không có địa vị thì lỗi lầm của họ dù lớn đến đâu cũng không bằng kẻ có quyền thế. Thế mà, xưa nay luật pháp đặt ra chỉ trừng trị những kẻ sức yếu thế cô, thấp cổ bé miệng còn những người có địa vị cao cả chẳng bao giờ pháp luật để ý đến họ. Thật oái oăm cho tổ chức loài người.