Dục Quyền can Vua
Làm tôi thấy vua sai mà sợ chết không can gián là bất trung, can vua mà vua vẫn không nghe theo là bất lực.
Sở Văn Vương đem quân đánh Sái. Sái hầu thua bị Sở Văn Vương bắt đem về nước.
Vì giận Sái hầu cậy thế nước Tề không tùng phục mình, Sở Văn Vương truyền đem chém.
Dục Quyền bước ra can:
- Đại vương đang muốn mở mang thế lực khắp Trung Quốc, đáng gì một Sái hầu mà không thể dung thứ để cho thiên hạ cho nước Sở ta không phải là một nước đại độ?
Sở Văn Vương nói:
- Sái hầu là một đứa vô lễ, lâu nay không đầu phục, hận ấy chưa nguôi, nau đã bắt được lẽ nào lại không giết?
Nói rồi truyền quân đem chém.
Dục Quyền cản lại nói:
- Không, không, xin Đại vương nghĩ lại, lẽ nào vì một hận nhỏ mà quên đại sự. Nếu Đại vương cho Sái hầu về nước chắc từ nay Sái hầu không dám ngạo mạn nữa. Đã vậy, các chư hầu khác trông thấy sẽ mến đức Đại vương.
Sở Văn Vương nhất định không nghe. Dục Quyền nổi giận, một tay nắm áo Sở Văn Vương, một tay rút gươm nói lớn:
- Thà tôi cũng chết với đại vương còn hơn để Đại vương mất cả đại nghiệp.
Sở Văn Vương thấy thế sợ sệt nói:
- Thôi, thôi, ta chịu nghe lời khanh.
Nói xong truyền tha Sái hầu.
Dục Quyền thấy vua đã tha chết cho Sái hầu, vội vã quăng gươm quỳ tâu:
- Tâu Đại vương, Đại vương đã nghe lời can gián của tôi, thật may mắn cho nước Sở, nhưng tôi phạm tội hiếp vua thực đáng chết.
Sở Văn Vương nói:
- Lòng trung thành của ngươi đã vượt quá tội lỗi. Ta không thể vì lôi nhỏ ấy mà làm lu mờ tấm gương trung nghĩa.
Dục Quyền tâu:
- Tâu Đại vương, Đại vương tưởng tình tha chết cho tôi nhưng tôi không thể tha thứ cho tôi được.
Nói xung cúi lượm thanh gươm, cắt đứt một chân, rồi hét to:
- kẻ nào làm tôi vô lễ với vua hãy xem đây.
Sở Văn Vương quá cảm động, truyền đem cái chân của Dục Quyền cất vào kho để ghi lỗi mình không nghe lời can gián. Đoạn sai ngự y chuyên chữa cho Dục Quyên.
Sau một thời gian, Dục Quyên được lành bệnh, nhưng không đi được, Sở Văn Vương phong cho làm chức Đại Môn để giữ cửa thành…
Nhận xét:
Bất kỳ cách nào mà giác ngộ được kẻ khác trở về với lẽ phải thì kẻ ấy quả có tài rồi
Có được bầy tôi như Dục Quyền sáng suốt thấy rõ cái hại trong việc làm của cua mà cản ngăn thì làm gì vua không hiền, tôi không trung?
Dám liều chết uy hiếp vua, bắt vua phải nghe theo lẽ phải, Dục Quyền làm nổi bật được cái can đảm và cương quyết trong hành động của mình.
Xưa nay biết bao nhiêu trung thần đã liều chết can vua, nhưng không ai áp dụng lỗi liều chết như vậy.
Dục Quyền áp chế vua, nhưng lại tỏ được lòng trung, làm cho vua đã không giận mà còn mến thì thật Dục QUyền là một kẻ khôn khéo vô cùng.
Đã vậy, Dục Quyền còn chặt chân mình để răn những ai đã phạm tội như mình. Tự mình phạm tội, rồi lại tự răn mình, khiến cho mọi người ai cũng thấy hành động của Dục Quyền đối với vua chỉ là việc bất đắc dĩ, đáng thương.
Can Vua, bắt vua trở về với lẽ phải, mà phải bắt cho được, để khỏi đổ vỡ việc lớn, kể ra cũng táo bạo đối với luật lệ phong kiến thật nhưng xét ra cũng phải, vì quyền hạn của ông vua là quyền hạn tuyệt đối, nếu cứ dùng lời ngay lẽ thật mà ông vua không chịu nghe, đến lúc hối hận thì việc đã đổ vỡ rồi làm sao chuộc lại được. Cho nên, nếu mỗi một vị tôi thần đều áp dụng quyền can gián như Dục Quyền cả thì dù cho ông vua nào ương ngạnh, thối nát đến đâu cũng không thể độc tài làm bậy được.