Đồ Nhân Phí và Mạnh Dương
Đem thân giúp cho một người không đủ tư cách làm một việc lớn, thân mình sẽ vì đó mà mất giá trị. Trung thành với một người không có tín nghĩa thì lòng trung ấy coi như đã bị phụ bạc rồi.
Tề Tương Công đi săn ở Bối Khâu để rồi sang đất Chước tư thông với em gái là nàng Văn Khương, vợ vua Lỗ Hoàn Công.
Trong lúc đó hai tướng của Tề Tương Công là Liêm Xứng và Quản Chí Phủ vì giận hôn quân thất hứa nên phục binh tại chân núi để giết vua.
Tề Tương Công truyền đốt lửa để cho các thú rừng chạy ra ngoài mà bắn.
Bỗng có một con thú hình thù quái dị từ trong rừng sâu hiện ra, to bằng con trâu, nửa giống heo nửa giống cọp.
Tề Tương Công hoảng sợ, quay lại gọi Mạnh Dương là viên quan theo hầu, bảo:
- Ngươi hãy bắn con quái vật ấy cho ta.
Mạnh Dương tay rút tên, mắt nhìn chăm vào con quái vật đó, và nói:
- Tâu Chúa công, con vật nầy sao giống Công Tử Bành Sinh.
Tề Tương Công nói:
- Bành Sinh đã chết sao còn dám đến đây phạm giá?
Nói rồi giật lấy cung tên bắn một mũi. Quái vật né tên. Tề Tương Công bắn luôn ba phát vẫn không trúng.
Đột nhiên quái vật đứng dậy, hai chân đi như hai chân người, làm cho Tề Tương Công sợ hãi, mình mẫy rởn ốc, té nhào xuống xe, chân rơi ra một chiếc giày. Quái vật chạy đến tha chiếc giày biến mất.
Kẻ tả hữu vội vàng chạy đến đỡ Tề Tương Công lên xe, phò về ly cung nơi Cô phần an nghỉ.
Đêm ấy, Tề Tương Công lòng nóng như đốt, không làm sao ngủ được, lại bị trặc chân đau nhức vô cùng mới bảo Mạnh Dương đỡ mình đi lại trong phòng cho thư thả.
Nhìn lại thấy mất một chiếc giày, Tề Tương Công cho đòi Đồ Nhân Phí là viên quan coi về y quan đến quở mắng.
- Sao ta chỉ còn một chiếc giày thế?
Đồ Nhân Phí tâu:
- Lúc Chúa Công bị té, chiếc giày văng ra, con quái vật ngoạm lấy tha đi mất.
Tề Tương Công hét:
- Ngươi giữ việc quan y thế mà để con quái vật ấy tha mất chiếc giày của ta, mà ngươi vẫn còn sống sao?
Nói xong, lấy roi đánh bỏ vào lưng Đồ Nhân Phí, đánh đến máu chảy dầm dề mới chịu thôi.
Đồ Nhân Phí vừa khóc lóc vừa bước ra cửa, bỗng nhiên gặp Liêm Xứng đi với hai người tùy tùng đến đó thám thính để mưu sát Tề Tương Công.
Thấy Đồ Nhân Phí là người hầu cận của nhà vua, Liêm Xứng thộp ngực hỏi:
- Hôn quân hiện giờ ở đâu?
- Chúa công đang ngủ trong phòng còn tướng quân đang trấn nơi biên thùy tại sao lại đến đây có ý lạ như vậy?
- Ta quyết đến đây trừ đứa hôn quân để đem lại hạnh phúc cho bá tánh. Ngươi là người hầu cận của đứa hôn quân dĩ nhiên phải chết.
Liêm Xứng vừa nói vừa vung đao lên.
Đồ Nhân Phí giả cách sợ hãi, nói:
- Tôi vừa bị hôn quân dùng roi da đánh đến bóc thịt, lòng giận của tôi chưa nguôi. Nếu được Tướng quân tha chết, tôi nguyện làm nội ứng.
Liêm Xứng xem lại thấy trên lưng Đồ Nhân Phí quả nhiên vừa bị đánh tàn nhẫn, vết roi còn rớm màu ướt cả mấy làn áo, nên tin lời, dặn:
- Hãy xem hôn quân ngủ ở đâu rồi ra bảo với ta lập tức.
Đồ Nhân Phí vội vàng chạy vào trong báo lại tin dữ cho Tề Tương Công hay. Tề Tương Công sợ quá chưa biết phải làm sao thì Đồ Nhân Phí đã bày kế:
- Xin Chúa Công cho một người giả Chúa Công liều chết thay mạng nằm trên long sàng, còn Chúa công ẩn núp sau cửa, may thoát nạn.
Mạnh Dương nói:
- Tôi mang ơn Chúa công rất trọng, nay nguyện liều mình chết thế.
Nói rồi trèo lên giường, nằm ngoảnh mặt vào trong, Tề Tương Công cởi áo cầm bào đắp trên mình Mạnh Dương rồi lẻn ra phía sau trốn đi.
Thấy Đồ Nhân Phí theo mình, Tề Tương Công nói:
- Ngươi không trốn sao?
Đồ Nhân Phí tâu:
- Tôi phải hợp sức với binh sĩ cự địch.
Tề Tương Công hỏi:
- Lưng ngươi còn đau thế mà không ngại à?
Đồ Nhân Phí nói:
- Chết còn chưa tiếc thì cái đau có kể gì.
Tề Tương Công than:
- Ôi, ngươi là đấng trung thần, tiếc rằng ta đã không có con mắt nhận xét.
Đồ Nhân Phí cầm dao đứng nơi cửa phòng. Lúc ấy Liêm Xứng từ bên ngoài pha cửa hùng hổ bước vô. Đồ Nhân Phí xốc đến toan chém thì đã bị Liêm Xứng xả cho một đao lòi ruột chết ngay.
Giết xong bọn cận vệ, Liêm Xứng bước đến bên giường thấy một người nằm trên giường đắp cầm bào sau bức màn thêu, ngỡ là Tề Tương Công liền vung gươm chém một nhát, đầu văng ra khỏi cổ.
Liêm Xứng lượm đầu lên xem thấy không râu, biết mình đã lầm liền lục soát khắp nơi.
Tìm đến xó cửa sau, thấy Tề Tương Công đang núp ở đây, Liêm Xứng nắm cổ đè xuống chặt làm hai khúc…
Nhận xét:
- Ở đây chúng ta thấy rõ hai tấm lòng trung:
Luôn luôn theo thờ chủ, dù thấy chết trước mắt vẫn không trốn tránh. Dù chủ vừa đánh đập tàn nhẫn vẫn không phản phúc. Đồ Nhân Phí và Mạnh Dương đã bộc lộ hai tấm lòng trung đó.
Nhưng về chữ trung có nhiều nghĩa: Trung hậu, trung tín, trung liệt, trung nghĩa.
Kẻ đem lòng trung thở một người mà người ấy thay mặt mình để mưu cầu hạnh phúc cho dân cho nước tức là đã gián tiếp giúp cho nước cho dân vậy.
Kẻ vì thanh danh của mình, không chịu đầu hàng địch, dù phải chết, đề bảo vệ khí tiết mình đó cũng là một lối trung.
Kẻ mang ơn một người, đem thân mình đáp đền cho cá nhân ấy. Đó cũng là một lối trung. Nói chung lối trung nào cũng được khen.
Nhưng về phương diện chính trị, trung nghĩa có nhiều lợi hại. Đem thân mình trung thành với một kẻ hôn ám, vô đạo, bất nghĩa, tàn ác, như ông vua Tề Tương Công tức là đã vô tình giúp cho kẻ tàn ác gây thêm tội lỗi, phản dân hại nước. Kẻ trung như vậy chằng khác nào gián tiếp hại dân. Thanh danh những kẻ trung ấy không có giá trị. Xưa nay có rất nhiều kẻ trung theo lối Đồ Nhân Phí và Mạnh Dương, vì cảm tình với cá nhân người ấy mà tận trung chứ không hề nghĩ đến hành động tai hại của người ấy.
Trời sanh giống chó trung thành với chủ. Cho dù bị đánh đập cách nào hễ chủ gọi đến cũng ve vầy đuôi chạy đến liếm chân, chẳng bao giờ biết giận hơn. Dù nhà nghèo, ăn uống khổ cực vẫn không bao giờ đến ở nhà khác thấy nhà khác có nhiều thức ăn hơn.
Cái trung của con người không thể quá giản dị như vậy được.
Một ông vua dâm loạn, tàn ác như Tề Tương Công làm gì có đạo đức? Mất một chiếc giày mà dám nói với một quan cận vệ:
- Chiếc giày của ta mất mà ngươi còn sống sao?
Rồi dùng roi da đánh viên quan ấy đến bóc da lưng, máu chảy ướt mấy lần áo, như thế nà vua đã xem giày mình quý hơn một mạng người, hay một viên quan cận vệ của mình.
Lúc hàn vì ai cũng cho những hành động như vậy là bất nghĩa, nhưng đến lúc ngồi trên một địa vị cao, được mọi người ca tạng, bợ đỡ, nhiều người đã quên hẳn cái xấu xa của con người mình, tưởng rằng mình làm gì nói gì, cũng đúng cả.
Đến lúc lâm nguy mất nước, mới chịu mở mắt ra, hối hận:
- Tiếc rằng ta không có con mắt…!
Than ôi!