Đỗ Bá, Tả Nho
Vua phải bạn trái thì nên theo vua, bạn phải vua trái thì nên theo bạn. Tội Đỗ Bá không đáng gì mà Bệ hạ đem giết, thiên hạ sẽ cho Bệ hạ bất minh. Hạ thần biết mà không can gián, thiên hạ sẽ cho hạ thần bất trung. Nếu Bệ hạ giết Đỗ Bá, hạ thần xin cùng chết.
Đầu đời Đông Châu, trong nước Trung Hoa sanh nhiều biến cố. Vua Tuyên Vương đi tuần du gần Kiều Kinh nghe một bầy trẻ xúm nhau hát:
Thỏ lên ác lặn non mờ,
Túi cơ cung yểm bơ phờ nước non
Câu đồng dao ấy lọt vào tai vua. Vua lấy làm giận, sai quân đuổi bắt bầy trẻ. Lũ trẻ chạy tán loạn, chỉ có hai đứa bị bắt.
Vua quát hỏi:
- Ai cho chúng bây hát như vậy?
Hai đứa bé run lẩy bẩy, cúi đầu tâu:
- Cách đây ba hôm có một đứa bé mặc áo đỏ đến tại chợ nầy dạy cho chúng tôi hát. Nhưng chẳng biết vì sao cũng một lúc, các trẻ con trong khắp khu phố đều thuộc làu câu hát ấy.
Vua cau mày hỏi:
- Hiện giờ thằng bé mặc áo đỏ ấy ở đâu?
Hai đứa bé đáp:
- Chẳng biết nó đi đâu. Chúng tôi không còn gặp nó nữa.
Nhà vua buồn bã đuổi hai đứa bé ấy đi, rồi truyền quan Tư Thị loan báo khắp khu phố cấm không cho con nít hát câu hát ấy nữa.
Sáng hôm sau triều thần vào chầu, vua đem câu hát ấy hỏi lại mọi người.
Quan Lễ Bộ Triệu Hồ tâu:
- Yểm là thức cây dâu núi dùng làm cung, còn cơ là loại cỏ dùng đan giỏ đựng tên. Cứ theo câu đồng dao ấy mà bàn thì trong nước có nạn binh đao.
Vua nghe lời đoán nầy lập tức truyền quan Đại Phu Tả Nho nghiêm cấm khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, không ai được làm dụng cụ cung tên bằng gỗ yểm và cỏ cơ. Ai trái lịnh sẽ bị bắt chém.
Nhân dân nghe lệnh nhất nhất tuân theo, duy chỉ có các miền xa xôi, lệnh vua chưa được công bố, nên ngày sau có một người đàn bà xách mấy cái túi tên bằng cỏ cơ và một người đàn ông vác mấy cây cung bằng gỗ yểm đem ra chợ bán.
Quân tuần trông thấy xúm lại bắt. Người đàn ông lanh chân chạy thoát. Chúng bắt dẫn người đan bà đem vào nạp cho Tả Nho.
Tả Nho đem người đàn bà vào triều phục mệnh. Vua truyền đem tội nhân ra xử tử, và đốt tất cả các túi tên để răn chúng.
Trong lúc đó tại hoàng cung có một người cung phi già, trước kia đạp nhầm nuwocs đái rồng thọ thai hơn bốn mươi năm, nay mới đẻ ra một quái thai.
Khương hậu cho là điềm chẳng lành, đem quái thai ấy ném xuống sông Thanh Thủy.
Việc nầy lọt đến tai vua. Nhà vua không an lòng, truyền nội thị đến bờ sông Thanh Thủy xem đứa bé ấy thế nào.
Nội thị trở về tâu:
- Đứa bé ấy đã trôi đi đâu mất tích rồi.
Tuy vậy nhà vua vẫn không an, truyền rao khắp dân chúng ai tìm được đứa con nít ấy dù sống thác cũng được thưởng ba trăm tấm lụa. Ngược lại, nếu ai giấu giếm mà nuôi sẽ bị toàn gia tru lục.
Vua lại giao việc nầy cho quan cận thần Đỗ Bá tra xét.
Thời gian trôi trong yên lặng. Tông tích của đứa bé không ai nhắc tới.
Sau ba năm. Một hôm vua nằm mộng thấy một người đàn bà dung nhan tuyệt mỹ len lỏi vào Thái miếu là chỗ tôn thwof uy nghiêm của hoàng cung. Người đàn bà nhìn vua cười ba tiếng, khóc ba tiếng rồi buộc các bài vị thành một bó, xăm xăm đi về hướng Đông.
Vua tức giận thét gào đến rát cổ, giật mình thức dậy mới biết chiêm bao.
Quan Đại Phu Bá Dương Phụ bàn rằng:
- Ấy là điềm nữ họa. Trong cung yêu khí chưa dứt. Điềm nầy ứng đúng với câu đồng dao ba năm về trước.
Vua nhớ lại cái quái thai trước đó ba năm mà nhà vua đã sai Đỗ Bá tra xét, nên truyền đòi Đỗ Bá vào hỏi:
- Ta giao cho ngươi truy tầm quái thai vất trên dòng sông Thanh Thủy sao đến nay chưa thấy kết quả?
Đỗ Bá quỳ tâu:
- Hạ thần hết sức tìm kiếm nhưng chẳng thấy. Khắp trong dân gian không ai tìm được xác chứng tỏ quái thai kia đã bị mất tích rồi. Và lại bệ hạ đã giết người đàn bà bán cung thì nữ họa đã hết, tra xét lâu ngày chỉ làm khổ dân.
Vua nổi giận mắng:
- Làm không được việc lại không phục chỉ thì rõ là khi quân.
Nói rồi truyền võ sĩ bắt Đỗ Bá đem chém.
Tả Nho vốn là bạn thân của Đỗ Bá thấy vậy quỳ tâu:
- Tâu Bệ hạ, đời Nghiêu bị lụt chín năm, đời vua Thang nắng hạn đến bảy năm, thế mà thiên hạ không sanh biến chỉ vì lòng nhân đức của hai vị vua ấy. Nay giết không được một đứa bé mà Bệ hạ xử tử một đại thần, tôi e rằng lân bang sẽ chê cười Đức Độ của Bệ hạ. Xin xét lại.
Nhà vua mặt giận phừng phừng:
- Nếu vì tình bạn mà can gián thì ngươi quả trọng bạn khinh vua.
Tả Nho tâu:
- Vua phải bạn trái thì nên theo vua, bạn phải vua trái thì nên theo bạn. Tội Đỗ Bá không đáng gì mà Bệ hạ đem giết, thiên hẹ sẽ chê Bệ hạ bất minh. còn hạ thần biết mà không can gián, thiên hạ sẽ cho hạ thần bất trung. Nếu Bệ hạ giết Đỗ Bá hạ thần xin cùng chết.
Nhà vua nói:
- Ta giết Đỗ Bá như hủy bỏ cỏ rác, ngươi chớ lắm lời vô ích.
Nói xong, vua nạt võ sĩ đem Đỗ Bá ra chém.
Tả Nho về đến nhà tự vận ngay.
Người sau cảm nghĩa, lập đền thờ ở Đỗ Lăng thờ cúng, gọi là miếu Tả Tướng Quân.
Nhận xét:
Xưa nay, nói đến Đỗ bá, Tả Nho người ta thường cho đó là một tấm gương sáng ngời về tình bằng hữu.
Thật không sai, Tả Nho vì bạn mà can vua, vì bạn mà dám chết theo bạn hành động ấy tưởng cũng đáng để cho người đời chiêm ngưỡng. Nhưng còn một điều đáng chú ý hơn ở con người của Tả Nho là trọng lẽ phải hơn địa vị. Tả Nho không đặt vấn đề vua lớn hay bạn lớn mà đặt lẽ phải lớn hơn cả. câu nói của Tả Nho: “Vua phải thì theo vua, bạn phải thì theo bạn”, chẳng phải Tả Nho đã hoàn toàn thoát khỏi vòng kềm tỏa của địa vị xã hội sao?
Xưa cũng như nay nhiều người chỉ biết nịnh bợ, lời nói của kẻ có quyền bao giờ cũng coi trọng hơn những kẻ ít quyền. Chính vua Tuyên Vương cũng quan niệm như thế nên mới hạch sách Tả Nho lời nói ấy.
Tả Nho xứng đáng là một vị thần công lý.
Tục ngữ Pháp có câu: La raison du plus fort est coujours meilleure. Và tục ngữ Việt Nam cũng có câu: Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe rầm rầm.
Thế thì quan niệm phục tùng địa vị, sang giàu từ chối lẽ phải, không những chỉ có ở nền phong kiến cổ hủ nước Tàu mà hầu hết khắp thế giới xưa nay đều như thế cả. Công lý đi sau tiền tài, địa vị. Nếu trong đời này mà có được nhiều người TảNho thì có lẽ những kẻ hách dịch trong giàu sang địa vị sẽ không còn mấy người nữa. Khổ thay! Hạng người như Tả Nho rất ít.