Cuộc đấu trí giữa Bảo Thúc Nha và Quản Di Ngô
Tề Tương Công bị giết, nước Tề không có vua, hai công tử con vua là Tiểu Bạch được Bảo Thúc Nha dẫn đi lánh nạn ở nước Cử. Công tử Củ được Quản di Ngô dẫn đi lánh nạn ở nước Lỗ.
Khi nghe được tin, Quản Di Ngô sợ công tử Tiểu Bạch về trước giành ngôi vua, nên vào tâu với Lỗ Trang Công:
- Để ngăn cản công tử Tiểu Bạch, xin chúa công cho tôi mượn một con ngựa hay và một ít quân lính đi đón đường Tiểu Bạch. Như thế mới tranh ngôi cho công tử Củ được.
Lỗ Trang Công hỏi:
- Ngươi muốn đem bao nhiêu quân?
Quản Di Ngô đáp:
- Chỉ cần độ ba mươi cỗ xe là đủ.
Lỗ Trang Công liền cấp phát, Quản Di Ngô lãnh mạng kéo quân đi.
Ngay lúc đó bên nước Cử, công tử Tiểu Bạch cũng đã hay tin liền bàn với Bảo Thúc Nha mượn một trăm cỗ xe của nước Cử hộ tống trở về.
Cử và Tề ở sát biên giới, công tử Tiểu Bạch đi chưa bao lâu đã ra khỏi biên giới nước Cử. Còn Di Ngô đem quân đuổi theo, đến biên giới thì đã nghe tin Tiểu Bạch đi qua khỏi rồi. Quản Di Ngô vội vã đuổi theo hơn ba mươi dặm nữa mới theo kịp.
Vừa thấy Tiểu Bạch, Quản Di Ngô nói lớn:
- Từ ngày cách mặt nhau đến nay, công tử vẫn được mạnh giỏi chứ?
- Nhờ trời tôi cũng được bình yên.
- Chẳng hay công tử kéo quân đi đâu mà gấp vậy?
Công tử Tiểu Bạch đáp:
- Tôi muốn về nước cư tang cho thân phụ tôi.
Quản Di Ngô nói:
- Việc cư tang đã có công tử Củ là anh cả, còn công tử là em thì vội gì. Xin đình lại.
Bảo Thúc Nha nói:
- Chúng ta ai vì chúa nấy, xin Di Ngô chớ nhiều lời.
Nói xong thúc quân tiến bước.
Quản Di Ngô muốn cản lại, nhưng thấy Tiểu Bạch đông quân hơn mình nên không dám, bèn rút cung tên nhằm ngay Tiểu Bạch bần một mũi. Tiểu Bạch la lên một tiếng trào máu miệng té ngửa xuống xe. Thúc Nha thất kinh lật đật đến cứu. Bọn tùy tùng trông thấy khóc rống lên.
Quản Di Ngô tin chắc Tiểu Bạch đã chết, vội vã quay xe lui binh về, lòng hớn hở nghĩ thầm:
- Công tử Củ có phước lắm, thế là ngôi báu kia không còn ai tranh đoạt nữa.
Tuy nhiên, Quản Di Ngô đã lầm, mũi tên kia không giết được công tử Tiểu Bạch, chỉ xẹt qua chiếc dây đai thắt lưng. Công tử Tiểu Bạch là người lanh trí, biết tài bắn của Di Ngô, nên giả vờ ngã ngửa ra cắn lưỡi phun máu để Di Ngô khỏi bắn tiếp mũi tên thứ hai.
Khi thấy Tiểu Bạch không bị thương tích gì, Thúc nha vội thay quần áo, giấu vào trong một cỗ xe riêng, hối quân tiến gấp về Tề đô.
Đến nơi, Thúc Nha vào thành ra mắt các quan và chủ trương lập Tiểu Bạch lên nối ngôi, lấy hiệu là Tề Hoàn Công.
Cách mấy ngày sau, Di Ngô yêu cầu vua Lỗ cử binh đưa công tử Củ về nước kế vị, nhưng vừa đến biên giới đã hay tin công tử Tiểu Bạch lên ngôi rồi.
Thế là Di Ngô và vua nước Lỗ đành thua trí Thúc Nha, phải đốc quân chiến đấu.
Nhận xét:
Thúc Nha và Quản Di Ngô đều mưu việc phục hưng nước Tề. Ai cũng thuận theo lòng người, lập con Tề Tương Công lên nối ngôi cha. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ai vì chúa nấy. Thúc Nha thì phò Tiểu Bạch, Di Ngô thì phò công tử Củ, dĩ nhiên ai cũng muốn người mình chiếm được địa vị độc tôn.
Người đời sau thường khen Di Ngô là người tài trí hơn người, có tài đồ vương định bá. Tuy nhiên, đi sâu vào việc, chúng ta thấy rằng Di Ngô chỉ có tài dựng nước mà không có tài sáng lập. Cũng như Bảo Thúc Nha chỉ có tài sáng lập mà không có tài dựng nước. Hai người tuy là có tài cả, nhưng tài năng khác biệt nhau.
Nếu không có một nước Tề do Di Ngô dựng lên thì chưa chắc Thúc Nha sau nầy đã đủ khả năng đào tạo một ông vua như Tề Hoàn Công. Cũng như không có Di Ngô giúp Tề Hoàn Công sau nầy thì Thúc Nha không thể nào biến nước Tề thành một nước Bá chủ được.
Một nhà chính trị có tài dùng người phải thấy khả năng của mỗi người trong mọi lãnh vực.
Bạch đi lánh nạn trước, trong lúc ấy Di Ngô vẫn còn đợi cho đến lúc Tề Tương Công chết mới thất được tình hình.
Thúc Nha ra đi biết trước sẽ có ngày về nên không đi xa, đưa tiểu Bạch qua nước Cử để gần nước Tề là một dụng ý về mưu lược.
Đào tạo Tiểu Bạch thành một Tề Hoàn Công, sau nầy cũng nhờ ở tài năng của Thúc Nha.
Di Ngô phò công tử Củ là anh, đó là một điểm lợi thế. Lánh nạn qua nước Lỗ là một nước lớn có đủ binh hùng tướng mạnh, đó là một lợi thế nữa. Ấy vậy mà không tranh nổi với Bảo Thúc Nha thì quả Di Ngô mưu trí không bằng Thúc Nha rồi.
Cho nên, khen Di Ngô không phải khen về mưu chước mà khen về tài an bang tế thế, có đủ sách lược để biến một nước yếu thành một nước mạnh, biến một nước loạn ra một nước trị mà thôi.
Tề Hoàn Công không phải là kẻ biết dùng người, nhưng nhờ ở Thúc Nha, con người hiểu người hiểu ta. Thúc Nha không bao biện, chỉ làm những việc hợp với tài năng mình thôi, còn việc mình không đủ tài phải cậy vào kẻ khác.
Đời nay nhiều người khi chiếm đoạt một địa vị rồi thi bo bo lo sợ những kẻ khác xen vào cướp mất địa vị mình. Những kẻ ấy chính là những kẻ mưu lợi riêng cho mình hơn là lo cho tiền đồ dân tộc.