Chữ tín của Tề Tương Công
Làm một người dân thất tín còn chưa đủ tư cách, làm một ông vua thất tín thì tư cách lại còn hèn hạ hơn.
Tề Tương Công giúp Vệ đánh được Kiềm Mâu, khôi phục lại ngôi nước Vệ, nhưng tự nhận thấy mâu thuẫn với nhà Châu mỗi lúc mỗi sâu sắc hơn, sự vua nhà Châu đến đánh trả thù nên sai Liêm Xứng làm Chánh tướng, Quản Chí Phủ làm Phó tướng, đem quân ra đồn trú nơi đất Quý Châu để trấn giữ mặt Đông Nam.
Hai tướng tuân lệnh kiểm điểm binh mã kéo đi, nhưng trong lúc bái biệt, hai tướng tâu với Tề Tương Công:
- Việc đồn trú nơi biên ải là một công lao cực nhọc, cần phải có kỳ hạn để quân sĩ khỏi nản lòng vì buồn chán.
Tề Tương Công đang ngồi ăn dưa hấu, nghe tâu vội đáp:
- Đến mùa dưa hấu năm sau ta sẽ cho người ra thay.
Hai tướng cúi lạy từ giã.
Tháng ngày thấm thoát trôi, trôi trên sự mong chờ của đoàn lính xa nhà, gối tuyết nằm sương trong chốn biên cương lạnh lẽo.
Rồi mùa dưa hấu đến đoàn quân biên cương khắc khoải mong ước được hồi hương, mà tin vua biền biệt không thấy đến.
Hai tướng Liêm Xứng và Quản Chí Phủ cho người về kinh đô dọ thám được tin Tề Tương Công ra ở nơi Cốc thành vui riêng với nàng Văn Khương suốt tháng không về triều.
Liêm Xứng nổi giận nói:
- Hôn quân vô đạo, đã không đoái tưởng đến tướng sĩ lại còn tiếp tục dâm loạn với Văn Khương. Như thế chúng ta đóng nơi đây đến rục xương, chưa biết ngày nào mới được về.
Quản Chí Phủ nói:
- Chúc công đã hứa với chúng ta đến mùa dưa hấu cho người đến thay, có lẽ Chúa công quên đi rồi. Vậy chúng ta làm sớ dâng về triều nhắc lại. Nếu Chúa công bỏ qua chúng ta sẽ tìm cách khác.
Liêm Xứng khen phải, liền làm sớ sai người về triều trình tấu.
Tề Tương Công xem sớ nổi giận mắng:
- Việc binh dời đồi là quyền ở ta, sao lại dám xin?
Liền ra lệnh bắt hai tướng phải chờ đến mùa dưa hấu năm sau nữa mới định liệu.
Liêm Xứng nghe tin mặt giận hầm hầm nói với Quản Chí Phủ:
- Hôn quân vô đạo, đã không biết giữ lời hứa, chúng ta hả đem thân trung thành với kẻ thất tín sao? Ý ta muốn thí quân, lập vua khác.
Quản Chí Phủ nói:
- Tề Tương Công là người giỏi binh pháp, nhưng tính lại ưa săn bắn, nếu muốn thí hôn quân phải dụ cọp ra khỏi hang thì mới trị nổi. Chúng ta cứ chờ dịp nào Tề Tương Công ra ngoài thi hành sự.
Hai người viết thư về thông đồng với Công Tôn Vô Tri để làm nội ứng.
Mùa đông năm ấy, Tề Tương Công sắp đặt núi Bồ Kỳ nơi đất Cô phần để săn bắn.
Công Tôn Vô Tri biết được liền viết một mặt thư sai người đưa ra biên giới cho Liêm Xứng và Quản Chí Phủ hay:
Liêm Xứng bàn với Quản Chí Phủ:
- Hôn quân đi săn bắn, trong nuwocs không còn ai, bọn ta kéo quân về Tề đô lập Công Tôn Vô Tri lên ngôi cho rồi.
Quản Chí Phủ nói:
- Tuy Tề Tương Công là một hôn quân dâm loạn song các chư hầu có nhiều nước đang tương trợ. Nếu để hôn quân còn sống, viện binh nước ngoài về đánh, chúng ta cự sao lại. Chi bằng phục binh giết quách đi rồi sau sẽ tôn Vô Tri lên cũng chẳng muộn.
Hai tướng bàn bạc xong kéo binh sang đất Cô Phần phục sẵn.
Khi Tề Tương Công đến nơi bị hai tướng giết chết.
Nhận xét:
Thường thường có một ông vua giữ được nước, củng có được quyền lực, bảo vệ được ngai vàng là nhờ ở tấm lòng trung kiên phục vụ của tôi thần, vf lòng tin tưởng ở dân chúng.
Muốn thế, ông vua phải triệt để giữ chữ tín, luôn luôn tỏ lòng ưu ái chăm sóc cho đời sống của quân dân.
Trái lại, làm như vua Tề Tương Công là tự đưa mình đến chỗ tự hủy diệt.
Một ông vua thiếu đạo đức, cũng không có tài, may được một sự nghiệp của ông cha để lại, rồi bám vào đấy mưa cầu thỏa mãn riêng cá nhân mình, không kể đến một bầy tôi trung nghĩa, không màng đến cuộc sống khổ cực của nhân dân, không kể đến những kẻ nằm sương gối tuyết để bảo vệ cái địa vị hiện hữu của mình, thì dần ông vua như thế có bị chết đến mấy lần đi nữa cũng khoogn đáng tiếc, mà chỉ nên xem đó là một tấm gương cho các nhà làm chính trị sau nầy.
Thời nay cũng không thiếu gì Tề Tương Công, khi nắm được địa vị quan trọng thì không hề nghĩ đến kẻ tùng sự với mình, kẻ đã giúp mình đứng vũng trên địa vị ấy. Họ cứ tưởng rằng địa vị ấy do tài năng họ mà có, họ không ngờ rằng nếu thiếu những người giúp họ thì địa vị của họ một ngày cũng khó giữ được.
Chiến thắng trên trường chính trị, đưa sự nghiệp đến thành công, dù cho một nhà chính trị tài đức đến đâu, một mình cũng không thể làm nên chuyện. Dĩ nhiên phải nhờ vào sức nhân dân ủng hộ, sức cộng sự của nhiều người.
Nhà lãnh đạo chính trị cần phải được lòng tất cả. Muốn thế chữ tín là cần thiết. Chữ Tín đối với nhà làm chính trị có một tầm quan hệ phi thường. Thiếu nó, nhà chính trị không thể tập hợp thành một khối lực lượng ủng hộ quanh mình, và đoàn kết được đa số quần chúng.
Nói chung, dù là hạng người nào, chữ tín bao giờ cũng có một tầm quan trọng cả. Trong đời thiếu gì người chỉ nói cho được việc, không nghĩ đến tai hại về sau.
Hứa càn hứa bướng để cho được việc mình, trấn áp cấp thời nhân tâm rồi à lì không làm theo lời hứa, hay mượn uy quyền mà chà đạp, lấy vũ lực mà đàn áp như Tề Tương Công đó là chính sách mị dân, phỉnh dân mà xưa nay các nhà chính trị thiếu đạo đức, kém lương tâm không lập trường phục vụ nhaand ân thường hay vấp phải.
Chẳng phải ở thời Chiến quốc mới có hạng vua quan như Tề Tương Công, mà chính ở thời đại ngày nay, trên trường chính trị cũng đã có không ít Tề Tương Công.