Cái dũng của Tào Muội và lời hứa của Tề Hoàn Công
Dẫu kẻ thất phu đã hứa với ai câu gì cũng không sai lời, huống hồ ta là Chúa một nước.
Vào năm thứ nhất của vua Ly Vương nhà Châu, Tề Hoàn Công giao việc triều chính cho Quản Trọng, trong nước dân tình yên ổn, binh lương dồi dào.
Tề Hoàn Công muốn lấy danh nghĩa vua nhà Châu triệu tập các nước chư haaif để định kỷ cương, gây thế lực cho mình, nắm quyền bá chủ.
Vua nhà Châu chấp thuận ý kiến ấy, ủy thác cho Tề Hoàn Công lập đài cao nới đất Bắc Hạnh (thuộc đất Tề) bố cáo khắp chư hầu đến đó họp mặt.
Cuộc họp nầy chỉ có bốn nước Tống, Trần, Châu, Sái đến dự. Nhưng sau cuộc họp vì nước Tống không phục nước Tề nên kéo quân bỏ về trước.
Tề Hoàn Công tức giận muốn cử binh đánh Tống. Quản Trọng khuyên nên đánh Lỗ trước, vì Lỗ là nước gần.
Tề Hoàn Công y lời kéo quân đến đánh Lỗ.
Khi quân Tề kéo đến nơi, Quản Trọng lại bàn với Tề Hoàn Công nên gửi thư trách nước Lỗ trước và buộc Lỗ phải đến hội kiến thì sẽ bãi binh.
Lỗ Hoàn Công tiếp được thư, dùng dằng chưa quyết, Thi Bá là mưu sĩ nước Lỗ khuyên Lỗ Trang Công nên xin lỗi nước Tề và dự hội giao hòa.
Lỗ Trang công nghe theo lời viết thư phúc đáp. Tề Hoàn Công liền rút quân ra khỏi nước Lỗ đóng tại đất Kha, để chờ Lỗ hầu đến hội kiến.
Trước khi sắp sửa đến đất Kha, Lỗ Trang Công hỏi triều thần:
- Có ai dám theo ta đến đất Kha hội diện với Tề chăng?
Tào Muội bước ra xin đi.
Lỗ Trang Công nói:
- Ngươi ba lần giao chiến bị thua nước Tề, nay đến đó không sợ nước Tề chê cười sao?
Tào Muội nói:
- Chỉ vì trước kia tôi đã thua Tề ba lần để cho Chúa công mất đất Vấn Dương nên nay tôi muốn xin theo Chúa công để rửa nhục.
Lỗ Trang Công nói:
- Ngươi muốn rửa nhục mà lại theo ta trong chuyến đi này thì còn nhục thêm, vì đến ăn thề với họ để cầu hòa, tự nhiên mình là kẻ chiến bại rồi.
Tào Muội nói:
- Tôi quyết không để nước Lỗ mang cái danh hiệu xấu xa ấy.
Lỗ Trang Công nhạn lời cùng Tào Muội lên đường.
Khi đến đất Kha, Tề Hoàn Công sai người đắp một cái đài rất lớn, bày sẵn lễ vật, đợi Lỗ Trang Công đến làm lễ Huyết thệ. Lại truyền lịnh chỉ cho một người được theo Lỗ Trang Công lên đài thôi, còn bao nhiêu quân sĩ phải đứng xa, cách hai trăm thước.
Tào Muội trong mặc áo giáp, tay cầm gươm đi theo sau lưng Lỗ Trang Công. Lỗ Trang Công có ý sợ, trái lại Tào Muội rất hùng dũng. Hai người vừa bước khỏi thềm, Đông Quách Nha là quan hầu. Tề Hoàn Công bảo Tào Muội:
- Ngày nay hai nước giao hòa, xin tướng quân hãy bỏ đồ binh khí đi.
Tào Muội trừng mắt nhìn Đông Quách Nha, hai khóe mắt toét ra rơm rớm máu. Đông Quahc Nha sợ hãi lui ra sau. Tào Muội ung dung bước theo Lỗ Trang Công đến trước bàn hương án. Thấp Bằng bưng bát máu dâng lên để Lỗ Trang Công cùng Tề Hoàn Công ăn thề.
Tào Muội mặt hầm hầm , một tay nắm áo Tề Hoàn Công, một tay tuốt gươm, nói:
- Hãy khoan!
Quản Trọng vội vã xen vào giữa hỏi Tào Muội:
- Quan đại phu làm gì thế?
Tào Muội đáp:
- Nước Lỗ bị suy yếu, đã hao tổn nhiều về chiến tranh, thế mà ngày nay những nước tự xưng là minh chủ hội chư hầu để cứu giúp những kẻ suy yếu lại đếm làm khổ nước Lỗ nữa. Như vậy dám tự hào là chính đáng sao?
Quản Trọng nói:
- Nước tôi đã làm điều gì hại cho quý quốc?
Tào Muội nói:
- Cậy sức mạnh đem quân lấy đất Vấn Dương của nước tôi sao lại bảo là không làm hại? Nếu quý quốc thực tình giao hảo hãy trả lại đất ấy lại cho Lỗ, Chúa công tôi mới chịu ăn thề, còn không tôi nhất định liều chết.
Quản Trọng ngoảnh lại nói với Tề Hoàn Công:
- Xin Chúa công chấp nhận lời xin ấy.
Tề Hoàn Công nói:
- Thôi quan Đại phu hãy bước ra, tôi hứa sẽ trả đất ấy lại. Tào Muội nghe nói vội bỏ thanh kiếm xuống, bưng lấy bát máu trong tay Thấp Bằng dâng lên.
Lỗ Trang Công cùng với Tề Hoàn Công làm lễ huyết thệ xong, Tào Muội lại nói:
- Quản Trọng giữ quyền binh nước Tề. Tôi xin cùng Quản Trọng ăn thề để khỏi điều hối hận.
Tề Hoàn Công nói:
- Bất tất phải làm như vậy. Lời ta đã hứa, lẽ nào lại làm trái được sao?
Lễ tuyên thệ xong, các quan nước Tề ai nấy hậm hực, muốn tìm cách trả thù Tào Muội, Tề Hoàn Công nói:
- Ta đã hứa vào Tào Muội rồi. Dẫu kẻ thất phu đã ước với ai câu gì cũng không nên sai lời, huống hồ ta là chúa một nước.
Bấy giờ các quan mới chịu thôi.
Sáng hôm sau, Tề Hoàn Công lại bày tiệc ở Công quán để tiễn biệt Lỗ Trang công, rồi đem đất Vấn Dương trả lại cho nước Lỗ.
Các nước chư hầu nghe được việc ấy cho Tề Hoàn Công là người tín nghĩa, hai nước Vệ và Tào sai sứ đến tạ tội và xin ăn thề…
Nhận xét:
Coi cái chết như không trước thiên hạ trong lúc làm việc nghĩa, ấy là kẻ dũng. Một lời nói không thay đổi dù trong lúc nguy cơ, ấy là kẻ tín.
Trên đàn, thề, trước bao nhiêu tai mắt của các nước tham dự, thế mà một ông vua làm bá chủ chư hầu lại bị một viên tướng của một nước nhỏ uy hiếp, bắt phải chấp thuận một vấn đề trái với ý muốn của mình. Đó là chuyện nhục nhã, có hại đến quốc thể của một cường quốc. Tề Hoàn Công dĩ nhiên phải lúng túng.
Ở đây, chúng ta thấy trước nhất Tào Muội, một dúng sĩ, không sợ sệt trước sự uy nghiêm của nươc Tề, dám một mình một thanh gươm làm cái chuyện mà không ai có thể tưởng tượng làm được.
Cứu lấy quốc thể, đem lợi ích cho nước mình, dù có hy sinh thân xác vẫn hiên ngang, đó là hành động của kẻ dũng.
Kinh Kha, một dũng sĩ, thọ ơn Thái tử nước Yên, xách thanh gươm vào nước Tần ám sát Tần Thủy Hoàng cũng chỉ là tinh thần dũng cảm như thế thôi. Chỉ có những kẻ phi thường mới làm nên chuyện phi thường như vậy.
Ở đây, chúng ta cũng lại thấy Quản Trọng, con người lanh trí, sáng suốt vô cùng.
Tào Muội hành động một cách bất ngờ, đột ngột và chớp nhoáng, nếu là người kém bình tĩnh và sáng suốt ắt phải sinh lớn chuyện, nguy hại cho sinh mạng Tề Hoàn Công mà còn đổ vỡ việc lớn là việc đồ vương định bá của nước Tề nữa.
Tuy nhiên, khen Quảng Trọng là khen chi nhẫn nhục trong lúc quốc thể của một cường quốc bị chạm thôi, còn như việc khuyên Tề Hoàn công chấp thuận lời yêu của của Tào Muội, chính là việc làm nằm trong chủ trương chính trị của Quản Trọng rồi. Trước kia, Quản Trọng đã có chủ trương lấy uy đức bang giao với các nước chư hầu bằng cách trả lại những đất đã chiếm được,thế thì việc làm của Tào Muội sở dĩ thành công là do nhằm vào đường lối của Quảng Trong, mà Quản Trong khuyên Tề Hoàn Công như vậy là đã đúng lập trường của mình.
Ngoài những việc trên, ở đây chúng ta còn thấy câu chuyện “Tái Ông thất mã”.
Thật vậy, Lỗ Trang Công đắc thắng trong chuyến ăn thề nầy thật, nhưng cái thằng ấy lại là cái bại của mình.
Tề Hoàn công nhờ trả đất vấn Dương cho Lỗ mà được các nước hư hầu trọng vọng, cho Tề Hoàn Công là một ông vua tín nghĩa, đáng mặt làm bá chủ, do đó, địa vị Tề Hoàn Công được củng cố thêm, và các nước chư hầu tiếp tục đến đầu phục.
Cho hay, trong cái xấu có chứa đựng cái tốt, trong cái bất lợi lại có điều lợi.
Trước một Quản Trọng có tài trị nước, chủ trương lấy tín nghĩa thu phục chư hầu, Tề Hoàn Công cũng trở nên sáng suốt.
Ông ta nói: “Dẫu kẻ thất phu đã ước trước với ai cũng nên giữ lời huống hồ ta là một oog vua của một nước lớn.”
Lời nói của Tề Hoàn Công quả là một câu danh ngôn, mà các nhà chính trị không nên bỏ qua vậy.