Cái chết của Thiệu Hốt và cái sống của Quản Di Ngô
Thiệu Hốt và Quản Di Ngô cùng phò công tử Củ mưu việc nối ngôi nước Tề, nhưng vì Bảo Thúc Nha sớm đưa công công tử Tiểu Bạch về nước lên ngôi trước. Thất cơ, Di Ngô phải nhờ Lỗ Trang Công cử binh giao chiến để đòi lại chiếc ngai vàng.
Chẳng may qua hai lần giao tranh, Lỗ Trang Công bị bại binh cuốn cờ kéo quân về.
Nước Tề không lấy thế làm vừa lòng, viết thư sai sứ đem đến nước Lỗ buộc Lỗ hầu phải giết Công Tử Củ đi thì mới giao hòa, nếu không sẽ đem binh đánh nước Lỗ.
Lỗ Trang Công sợ hãi, hỏi Thi Bá:
- Khanh có cách nào giải quyết việc khó khăn nầy?
Thi Bá suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đành phải hy sinh công tử Củ.
Bấy giờ công tử Củ, Quản Di Ngô và Thiệu hốt đang ở tại Sinh Dậu, Lỗ Trang Công sai công tử Yến đem quân đến giết công tử Củ, bắt Quản Di Ngô và Thiệu Hốt bỏ vào tù xa.
Thiệu Hốt thấy vậy than rằng:
- Làm con nên vì cha mẹ mà chết, làm tôi nên vì Chúa mà hy sinh, ấy mới phải đạo. Nay công tử Củ đã chết, thì Hốt nầy còn sống làm gì?
Nói rồi đập đầu vào một cây cột tự vận.
Quản Di Ngô nói:
- Nếu Thiệu Hốt quả liều chết theo chúa thì ta nên vì Chúa mà giữ thân nầy lại để có ngày minh oan cho chúa ta.
Nói rồi bó tay chịu trói mà vào tù xa.
Nhận xét:
Làm con vì hiếu mà chết,
Làm tôi vì trung mà chết.
Cái chết của Thiệu Hốt làm nổi bật một tấm lòng thủy chung của một tôi thần thủy chung đối với Chúa. Thật đáng khen và kính mến. Nhưng so với cái sống của Quản Di Ngô, Thiệu Hốt còn kém ở chỗ hẹp hòi, câu nệ, ít sáng suốt và thiếu óc phán đoán.
Nói như thế sẽ có người phản đối: Theo phò Chúa mà Chúa chết không biết báo thù, lại tham sống thì anh hùng sao được? Thiệu Hốt không sợ chết, không chịu nhục gông cùm, như thế mới là một tôi trung.
Không ai chối cãi Thiệu Hốt là một tôi trung. Nhưng cái trung của Thiệu Hốt chỉ là trung với Chúa chứ không phải trung với nước Tề. Trung với nước Tề mới là cái trung đáng kể. Bởi vì công tử Củ và công tử Tiểu Bạch là hai anh em, không người nầy lên làm vua thì người khác, cũng đều là con vua Tề Tương Công cả. Dầu Củ hay Bạch có làm vua thì cũng làm vua cho nước Tề thôi. Phương chi, trong một nước không thể có hai vua, tất nhiên không thể dung dưỡng hai con hổ cùng tranh nhau một miếng mồi, thì nếu công tử Củ không chết thì công tử Tiểu Bạch cũng sẽ chết.
Chỉ hận cho chế độ phong kiến, sự giành giật ngôi vua giữa anh em muôn đời vẫn xảy ra khiến cho thành nghiêng nước ngửa. Buộc một người phải chết để cho nước Tề được vững vàng đó là nguyện vọng của kẻ làm tôi. Bảo Thúc Nha hành động như thể không phải tạo cái ác đâu. Nếu Tiểu Bạch và Củ hòa nhau, thương yêu nhau như anh em công tử Thọ và công tử Cấp Tử thì làm gì có cái chết ấy.
Thiệu Hốt chết theo công tử Củ, người đời khen lòng trung nghĩa, nhưng không khen chi trượng phụ. Cái chết của Thiệu Hốt hẹp hòi ở chỗ chỉ biết có một công tử Củ mà không thấy rằng mình là tôi thần của nước Tề, phục vụ cho toàn thể nhân dân nước Tề.
Hủy tấm thân hữu dụng của mình, Thiệu Hốt chỉ làm rạng danh cho một kẻ tôi trung, vì chúa mà chết thôi.
Ngược lại, cái sống của Quản Di Ngô là con đường ấy từ tham sinh, nhưng với cặp mắt biết nhận thức được người tài, thì người ta sẽ hoài nghi về cử chỉ của Di Ngô và phân vân chưa biết đó là quân tử hay vẫn là kẻ thường nhân. Nhưng đối với con mắt tinh đời thấu triệt được hoài bão sâu xam cùng tài quản thế của Di Ngô thì người ta phải kính nể, sợ sệt đối với ý thức nhẫn nhục ấy.
Mấy ai có được đôi mắt như Thi Bá và Bảo Thúc Nha.