Bảo Thúc Nha, Một tinh thần yêu nước
Bảo Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch lên nối ngôi Tề Tương Công, tranh với Công tử Củ.
Bấy giờ Quản Trọng bị băt, Thúc Nha thân hành đến đất Dương Phụ mở tù xa thả Quản Trọng ra.
Quản Trọng hỏi:
- Chưa có mệnh sao dám mở tù?
Thúc Nha nói:
- Tôi sắp tiến cử ông với Chúa Công, xin đừng ngại.
Quản Trọng nói:
- Tôi cùng Thiệu Hốt phò Công tử Củ, đã không làm nên việc lại không tận trung mà chết theo vua, nay lại trở về phò kẻ cừu địch thì Thiệu Hốt ở dưới suối vàng sẽ cười tôi phản phúc.
Thúc Nha nói:
- Muốn làm nên việc lớn sao câu nệ điều nhỏ.
Ông là người có tài trị thiên hạ, nhưng chưa gặp thời. Ông nên nghe lời tôi.
Sau đó Thúc Nha đưa Quản Trọng về triều rồi tâu với Tề Hoàn Công:
- Công tử Củ là anh ruột của Chúa công, nay bất đắc dĩ vì việc nước mà phải dứt bỏ tình thân, hạ thần có lòng kính viếng. Nhưng kính viếng xong thần lại mừng cho Chúa Công đã có một hiền sĩ xuất sắc.
Tề Hoàn Công hỏi:
- Quản Di Ngô bắn vào đai áo của ta, mũi tên đó ta còn giữ, chỉ chờ lúc bắt được hắn ta phân thây xé thịt ra, nay ta còn dùng hắn sao được?
Bảo Thúc Nha nói:
- Làm tôi ai cũng một lòng vì Chúa. Lúc Di Ngô bắn vào đai áo của Chúa công chỉ vì Di Ngô biết có Công tử Củ mà không biết đến Chúa Công. Nay nếu Chúa công dùng Di Ngô thì Di Ngô sẽ vì Chúa công mang tên bắn cả vào thiên hạ.
Tề Hoàn Công mắt sáng lên bảo:
- Khanh nói đúng đấy. Ta nghe lời khanh tha tội cho hắn.
Tề Hoàn Công định giao quyền chính cho Bảo Thúc Nha, nhưng Bảo Thúc Nha từ chối nói:
- Chúa công gia ân cho cả gia tộc tôi được no ấm, thế là đủ lắm rồi, còn việc chính trị thì Thúc Nha nầy thật không đương nổi rồi.
Tề Hoàn Công cố ép:
- Không, khanh là người đã vì ta mà dựng nghiệp nước Tề, nếu không có khanh thì ta làm sao được như ngày nay. Tài khanh ta đã biết, khanh chớ chối từ, phụ lòng ta.
Bảo Thúc Nha nói:
- Chúa công biết tôi là người kính cần giữ lễ chớ không phải có tài về chính trị. Nếu cưỡng mà dùng tôi, hại sẽ nhiều hơn lợi. Một người có tài chính trị phải là người mềm dẻo, biết cách xử thế bên trong đủ cho mọi người khâm phục, bên ngoài đủ cho các chư hầu kính vì, đó mới là bậc kỳ tài. Nếu Chúa công không cần đến những bậc đó thì thôi, còn nếu cần thì ngoài Di Ngô không còn có ai hơn.
Tề Hoàn Công nói:
- Nếu vậy khanh cho gọi đến ta xem thử tài năng ra sao?
Bảo Thúc Nha nói:
- Thiết tưởng: hèn thì không trị được kẻ giàu, sợ thì không trị được người thân. Chúa công muốn dùng Quản Di Ngô tất phải giao quyền Tể tướng đãi như bậc phụ huynh mới được. Đã muốn dùng người làm Tể Tướng mà cho kêu gọi như vậy sao gọi là trọng người? Di Ngô là bậc phi thường, Chúa công nên chọn ngày lành thân hành đến đón mới được Thiên hạ thấy Chúa công quý kẻ hiền sĩ không kể đến thủ riêng thì ai lại không muốn tìm đến làm tay chân cho Chúa công.
Tề Hoàn Công nghe theo lời rước Di Ngô về triều phong làm Tể tướng.
Nắm quyền Tể tướng, Quản Di Ngô tiến cử nhiều người, nhưng không hề nói đến Bảo Thúc Nha, mặc dù tình thân giữa đôi bên vẫn không hề phai lạt.
Trước ngày lâm chung, Quản Di Ngô đang nằm trên giường bệnh, Tề Hoàn Công cầm tay thăm hỏi và tiến cử người thay thế cho Quản Di Ngô sau nầy.
Quản Di Ngô vẫn không hề nói đến Bảo Thúc Nha.
Tề Hoàn Công ngạc nhiên hỏi:
- Ta chưa hề nghe Trọng phụ nói đến Bảo Thúc Nha là nghĩa làm sao?
Quản Di Ngô nói:
- Thúc Nha là một người quân tử chứ không phải một nhà chính trị. Bảo Thúc Nha rất ưa điều thiện mà cũng rất ghét điều ác. Ưa điều thiện là việc tốt, nhưng ghét điều ác thái quá thì kẻ làm ác không chịu nổi. Như vậy không ai chịu được và không dùng ai được.
Có người tôi thần tiểu nhân xua nịnh đem việc ấy nói lại với Thúc Nha. Thúc Nha chỉ cười và bảo:
- Chính vì thế mà trước kia ta mới hết sức tiến cử Trọng phụ với Chúa công. Trọng phụ trung với nước mà không vì bạn. Giả sử như Chúa công giao cho ta chức tư khấu để khu trừ những đứa gian nịnh thì ta làm được, chứ như cho ta cầm quyền chính trong nước thì bọn các người còn chỗ nào dung thân.
Lúc nước Tề đang hồi hùng mạnh, được vua nhà Châu phong cho làm bá chủ chư hầu, Tề Hoàn Công thết tiệc đãi quần thần. Tiệc đến nửa chừng, Bảo Thúc Nha rót chén rượu đầy đến trước mặt Tề Hoàn Công chúc mừng:
- Nghe rằng: vua dầu sáng suốt, bề tôi dầu có hiền và trung liệt, nhưng vui vẻ đến đâu cũng không nên quên hồi lo nghĩ, cực nhọc. Nay tiệc vui, rượu tuy thơm, hương vị béo, Thúc Nha nầy cũng xin Chúa công chớ nên quên những ngày trốn sang nước Cử, Quản Trọng chớ nên quên lúc còn ở tù xa, Ninh Thích chớ nên quên lúc còn chăn trâu nơi thôn dã.
Tề Hoàn Công sụp lạy hai lạy và nói:
- Ta và các quan không quên lời quan Đại phu. Đó là lời vàng ngọc mà cũng là cái phúc cho nước Tề.
Quản Di Ngô mất, Bảo Thúc Nha vì quá ghét bọn nịnh đến nỗi buồn rầu mà bỏ mình…
Nhận xét:
Muốn làm việc lớn sao lại câu chấp chuyện nhỏ nhặt.
Phải nhìn nhận rằng Bảo Thúc Nha là một người đạo đức hoàn toàn, có thêm một số vốn chính trị khá cao, mặc dù ông tự nhận là thua kém Quản Di Ngô.
Ngoài tấm lòng tri kỷ, tài hiểu mình hiểu người, Bảo Thúc Nha còn là người yêu nước triệt để.
Không dựa vào công cán giành lấy ngôi cao, địa vị, quyền thế, biết đặt lợi riêng mình dưới quyền tối cao của Tổ Quốc, non sông. Cử chỉ ấy chỉ có những kẻ chân thành yêu nước mới làm nổi.
Nói rằng Bảo Thúc Nha có bệnh ưa điều thiện ghét cay ghét đắng những kẻ ác tâm xu nịnh, đó cũng chỉ là tâm trạng của một kẻ yêu nước cực đoan mà thôi.
Nếu không có Bảo Thúc Nha. Quản Trọng làm gì có đất dụng võ, đem tài năng mình phát triển trong lãnh vực chính trị.
Đồng ý với Quản Trọng, một nhà chính trị phải mềm dẻo, không quá khắt khe với kẻ tiểu nhân, phải linh động trong kế sách lãnh đạo mới thành công được. Nhưng xét ra Bảo Thúc Nha không phải là một kẻ non kém về chính trị như lời nhận xét của Quản Trọng đâu.
Cái khác biệt mà Bảo Thúc Nha tự cho mình kém hơn Quản Trọng có lẽ là cái khác biệt giữa hai chính sách Bá đạo và Vương đạo.
Quản Trọng có tài mưu đồ cho sự nghiệp Bá đạo, biết đâu Thúc Nha trong chánh sách Vương đọa sẽ thành công rất lớn.
Mỗi người có một tài năng riêng, mà trong lúc Tề Hoàn Công thực hiện chánh sách Bá đạo, Thúc Nha không giúp được gì mà thôi.
Tâm trạng người xưa, người nay làm sao hiểu thấu được? Cũng có thể nói rằng Bảo Thúc Nha vì thấy Tề Hoàn Công ưa chánh sách Bá đạo, nên tự nhận mình bất tài tiến cử Quản Trọng đứng ra thay mình để gánh vác việc ấy, vì Thúc Nha hiểu tài Bá Đạo của Quản Trọng.
Cho nên, so sánh tài định bá đồ vương không thể đem Bảo Thúc Nha ra so sánh với Quản Trọng rồi cho Quản Trọng hơn Bảo Thúc Nha được.
Trong lúc Quản Trọng phò Tề Hoàn Công nổi bật tài trị nước thì Bảo Thúc Nha đứng ngoài chính trường lại nổi bật tấm lòng yêu nước thanh cao, Bảo Thúc Nha chỉ biết vị tha mà không mảy may vị kỷ.
Ngay lúc Quản trọng còn là một tù nhân của nước Tề, Bảo Thúc Nha đã nói với Quản Trọng một câu: “Muốn làm nên việc lớn sao lại câu chấp chuyện nhỏ nhặt.” Câu nói ấy chứng tỏ Thúc Nha không đến nỗi hẹp hòi như Quản Trọng đã nhận xét Thúc Nha lúc lâm chung. Trái lại, Thúc Nha rộng lượng và cao thượng hơn ai hết. Giới thiệu bạn vào một địa vị tối cao trong một nước, đến lúc bạn chết còn mở lời chê mình. Thế mà Thúc Nha vẫn không có chút gì tự ái hay giận hờn, thật quả là một kỳ nhân. Đức độ ấy chỉ có trong con người thiết tha yêu nước quên mình mà thôi.
Người đời sau ít để ý đến Thúc Nha mà chỉ nhắc nhở Quản Trọng thật là một sơ sót đáng kể.