haschema
Lịch sử triết học Trung Quốc: Thời đại Tử học

Lời tựa

Đăng bởi: haschema
Tuesday, July 28, 2020

PHÙNG HỮU LAN

馮友蘭

LỊCH SỬ

TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC

中國哲學史

Quyển I:

THỜI ĐẠI TỬ HỌC

LÊ ANH MINH dịch

Bản đồ TRUNG QUỐC thời Chiến Quốc

Lời tựa của dịch giả Derk Bodde1

Mặc dù những phát minh hiện đại thời nay đang giúp con người xích lại gần nhau hơn, nhưng thực sự vẫn còn đó những rào cản về tri thức khiến con người cũng như các dân tộc chưa thể hiểu biết được lẫn nhau. Hiện nay, như là rất thường thấy trong lịch sử thế giới, sự phát triển về giao tiếp vật chất đã vượt lên trước sự phát triển về giao tiếp trí tuệ; và chính trong thời đại mà các phương thức truyền thông phát triển nhanh như hiện nay thì việc hiểu biết và thông cảm giữa các dân tộc càng cần phải được quan tâm thực hiện.

Người ta luôn nghe những lời lẽ (thậm chí do các đại học giả phương Tây nói) đại loại như: «Thời Hôn Ám ở Âu Châu đã đẩy thế giới đến một trình độ văn hoá thấp nhất.» Nói như vậy là không biết rằng: cùng lúc với thời Hôn Ám ở Âu Châu, một nền văn hoá rực rỡ huy hoàng của nhân loại đang xảy ra dưới đời Đường tại Trung Quốc, và quyển sách đầu tiên của thế giới đã được in ra tại vương quốc này trong thế kỷ IX2. Rất nhiều người chúng ta ở phương Tây đã có cái nhìn mà Trang Tử bảo là «ếch ngồi đáy giếng» (well-frog), tức là xem cả thế giới lớn bằng cái vòm trời qua miệng giếng. Khi đa số chúng ta, cho rằng cái di sản văn hoá Hi Lạp và La Mã vẫn là tiêu biểu của thế giới, thì khoa học so sánh các nền văn minh càng cần thiết hơn bao giờ hết không chỉ để hiểu được các nền văn hoá nước ngoài mà còn để hiểu chính nền văn hoá của chúng ta, ngõ hầu chúng ta có sự đánh giá khách quan.

Chính vì các nguyên do đó mà bản dịch Anh ngữ này ra đời, với niềm hy vọng rằng nó sẽ giúp phương Tây thấy được một học giả Trung Quốc vốn được đào tạo theo kiểu phương Tây đã nhận định thế nào về nền triết học của chính đất nước của ông. Đây là bản dịch của Trung Quốc Triết Học Sử, của Tiến sĩ Phùng Hữu Lan, tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ) và hiện (1937) giảng dạy Triết học tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Quyển I bao quát thời đại Tử học, một thời đại có thể nói là rực rỡ nhất trong triết học Trung Quốc trải dài từ thời xa xưa đến khoảng năm 100 TCN, khi mà Nho giáo chiếm địa vị chính thống. Trong các tác phẩm viết về thời kỳ này, bộ sách của Phùng Hữu Lan hẳn là hoàn bị nhất, và trong nhiều phương diện, người ta có thể hy vọng đây là một trong những bộ sách tốt nhất. Quyển II nối tiếp lịch sử triết học Trung Quốc, từ cuối thời đại Tử học cho đến hiện nay.

Chúng ta cần chú ý rằng tác giả đã trích dẫn rất nhiều đoạn cổ văn từ các nguồn thư tịch gốc. Việc này khiến tác phẩm của ông không những là một sách tham khảo quý báu về các văn bản gốc của triết học Trung Quốc, mà còn tạo sự thuận lợi bởi vì nó để cho các văn bản cổ xưa tự tên tiếng. Đó là một điều rất quan trọng trong một lĩnh vực như triết học Trung Quốc, khi một văn bản thường có nhiều lời bình chú. Khi chuyển các đoạn văn trích này sang Anh ngữ, tôi cố bám vào nguyên tác đồng thời cũng tham bác các bản dịch có sẵn bằng các ngôn ngữ phương Tây. Để thuận tiện, tôi đưa vào các ghi chú tham khảo, và tôi hiếm khi chấp nhận các lời dịch đó mà không có sự điều chỉnh của chính mình, ngõ hầu bản dịch của tôi được chính xác hơn.

Tuy nhiên khi không dịch các trích dẫn gốc, tôi không ngần ngại điều chỉnh đôi chút để văn phong tiếng Anh được trôi chảy mà vẫn giữ được nguyên ý của tác giả. Những đoạn văn khá dài trong bản Hán ngữ đôi khi được ngắt ra. Để cho độc giả phương Tây tiện theo dõi, đôi khi tôi thêm thắt chút đỉnh, chẳng hạn ghi thêm niên đại sau tên các vị vua; và để giải thích thêm, tôi cũng cho vào các phụ chú (ghi là DB chú). Bất kỳ thay đổi lớn nào trong bản dịch này đều đã được tác giả Phùng Hữu Lan ưng thuận, và chúng được nêu ra trong các chú thích. Một thuận lợi lớn cho tôi là bản dịch Anh ngữ này đã được tác giả duyệt lại và góp ý điều chỉnh.

Quý vị nào đã từng đọc nguyên tác Hán ngữ sẽ thấy nhiều điểm khác biệt trong bản dịch Anh ngữ này. Chẳng hạn, nguyên tác Hán ngữ không có Tóm tắt lịch sử, bảng niên đại các triết gia, thư mục tham khảo, và chỉ mục (index) như trong bản dịch, bởi vì chúng do dịch giả thêm vào. Bản đồ Trung Quốc thời Chiến Quốc cũng mới. Phần thư mục liệt kê những sách được tác giả đề cập cũng như những sách mà dịch giả tham khảo. Tên riêng bằng chữ Hán được cho vào phần chỉ mục. Độc giả nào đối chiếu nguyên tác Hán ngữ với bản dịch Anh ngữ sẽ thấy rằng chương 1 của bản dịch chỉ là một phần của chương 1 nguyên tác. Những phần của chương 1 nguyên tác được cơ cấu lại theo hình thức một bài luận, xem như là phần dẫn nhập của tác giả, đồng thời, tôi bỏ đi những phần mà độc giả phương Tây không quan tâm. Phần niên biểu sau đây, trừ những chi tiết đã ghi chú, đều căn cứ vào Synchronismes chinois (Niên biểu Trung Quốc) của Mathias Tchang.

Sau cùng, tôi vô cùng hân hoan tri ân Tiến sĩ Phùng Hữu Lan vì ông đã đọc bản thảo của bản dịch và kiểm tra cẩn thận đối chiếu với nguyên tác, để cho bản dịch này khả dĩ chấp nhận được. Tôi cũng chân thành cảm tạ ông Henri Vetch, người xuất bản sách tại Bắc Kinh, về những lời khuyên bảo và phê bình của ông, Tôi cũng vô vàn biết ơn các học giả tiền bối trong lĩnh vực phiên dịch kinh điển Trung Quốc, bắt đầu từ James Legge, cũng như các học giả khác như Arthur Probsthain người phiên dịch rất nhiều về triết học Trung Quốc và có công nhiều hơn ai hết vì đã giúp thế giới phương Tây tiếp cận được một lĩnh vực của tư tưởng nhân loại bấy lâu ít được biết đến. Tôi cũng tri ân Ban nhân viên của Quốc Lập Đồ Thư Quán tại Bắc Kinh đã giúp tôi có được thông tin về tiểu sử của các học giả Trung Quốc hiện đại để đưa vào phần thư mục tham khảo của bản dịch. Và tôi cũng hết sức cảm tạ những độc giả đầu tiên của bản thảo, trong đó có mẫu thân và hiền nội của tôi.

Derk Bodde

Bắc Kinh, 18 tháng 5 năm 1937

Lời tựa của bản dịch Việt ngữ

Lời tựa của dịch giả Derk Bodde (1909 - 2003) cho độc giả phương Tây thiết tưởng đã đầy đủ. Tuy nhiên, tôi muốn trình bày thêm đôi lời với độc giả của bản Việt ngữ.

Trước hết là mối quan hệ sư đệ giữa Phùng Hữu Lan và Derk Bodde, Như Derk Bodde đã kể lại trong A Short History of Chinese Philosophy (New York, 1948)3 vào những năm 1930 ông sang Bắc Kinh học triết học Trung Quốc. Trong niên khoá 1934-1935 tại Đại học Thanh Hoa, Derk Bodde học Phùng Hữu Lan. Bấy giờ quyển II Trung Quốc Triết Học Sử (Hán ngữ) đã xuất bản. Ngày nọ, Phùng Hữu Lan vào lớp và hỏi Derk Bodde xem có biết ai sẵn lòng dịch bộ triết sử này sang Anh ngữ, và Derk Bodde đã nhận lời phiên dịch. Quyển I dịch xong và xuất bản mùa hè 1937. Nhưng do chiến tranh Trung Nhật bùng nổ sau đó, Derk Bodde trở lại Mỹ và việc dịch tiếp quyển II (dự định dịch xong trong hai-ba năm) bị dang dở. Mãi đến mùa thu 1946, Phùng Hữu Lan được mời sang dạy Hán ngữ tại Đại học Pennsylvania, Derk Bodde có dịp dịch nốt quyển II4 Trong thời gian này, Derk Bodde đã đỗ Tiến sĩ và bắt đầu làm việc ở Philadelphia. Năm 1948, Phùng Hữu Lan quyết định rút ngắn hai quyển triết sử và tự viết gọn thành một quyển bằng Anh ngữ (tức là quyển A Short History of Chinese Philosophy), và nhờ Derk Bodde biên tập lại xuất bản cùng năm này.

Từ khỉ xuất hiện năm 1931, Trung Quốc Triết Học Sử của Tiến sĩ Phùng Hữu Lan đã trở thành tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực lịch sử triết học Trung Quốc, không chỉ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (bản Hán ngữ mà còn ở phương Tây nữa (bản Anh ngữ). Chúng ta thử vào Internet, tham khảo chương trình đào tạo Trung Quốc học trong các trang Web của các đại học phương Tây thì thấy ngay bộ sách này hiện nay vẫn còn chiếm địa vị quan trọng. Phùng Hữu Lan - cũng như Hồ Thích và Kim Nhạc Lâm - đã đỗ Tiến sĩ Triết học ở Đại học Columbia (Mỹ)5; với vốn tri thức và phương pháp luận thu nhận thêm từ phương Tây, ông đã vận dụng mà nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc, do đó bộ sách của ông có tính khoa học rất cao.

Một học giả hiện đại của Trung Quốc là Lý Thận nhộn định chung về Phùng Hữu Lan bằng tám chữ «Dung quán Trung Tây, thông thích kim cổ»6 融貫中西通釋今古 (dung hoà thấu triệt hai nền học thuật Trung Quốc và phương Tây, giải thích thông suốt việc xưa nay) và cho rằng nếu người Trung Quốc biết đến học thuật của phương Tây nhờ Nghiêm Phục, thì người ngoại quốc hiểu được triết học Trung Quốc là nhờ Phùng Hữu Lan.

Phùng Hữu Lan không chỉ là một sử gia về lịch sử triết học Trung Quốc (trình bày trong ba bộ sách gọi là «Tam Sử»), ông còn là một triết gia với học thuyết Tân Lý Học (phát huy Lý Học của Chu Hi, trình bày trong bộ sách 6 quyển gọi là «Trinh Nguyên Lục Thư»), do đó ông được xếp vào nhà Nho của Trung Quốc hiện đại, và là Giáo sư triết học từng góp phần đào tạo thế hệ ưu tú như Tào Ngu, Tiền Chung Thư, Lâm Canh, Quý Tiện Lâm, Vương Dao, Đường Trĩ Tùng, … Với tất cả những điều ấy và do hoàn cảnh xã hội chính trị, ông cũng như đa số trí thức bấy giờ đã trở thành nạn nhân bị bức hại thê thảm trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hoá Trung Quốc.

Cho đến nay, sau ngần ấy năm đằng đẵng, bộ Trung Quốc Triết Học Sử của Phùng Hữu Lan mới được dịch ra Việt ngữ, tuy là một việc muộn màng, nhưng vẫn còn hơn không. Dịch giả dùng cả nguyên tác Hán ngữ lẫn bản dịch Anh ngữ. Bởi bản Hán ngữ chú thích rất sơ sài; còn bản Anh ngữ, như Derk Bodde đã giới thiệu, chú thích rất kỹ và có phần đóng góp thêm của ông. Do đó hai bản này «tương hỗ tương thành» (giúp nhau mà thành tựu). Derk Bodde đã cơ cấu lại chương I của nguyên tác. Tôi dịch luôn cả chương I của Phùng Hữu Lan lẫn chương I cải biên của Derk Bodde. Ngoài việc bám sát cả hai bản ấy, tôi đứng về phía đại đa số độc giả, cho nên còn phụ chú những chỗ mà tôi nghĩ cần thiết, để độc giả đỡ mất công tra cứu thêm. Do đó, ngoài chú thích của nguyên bản, chú nào của Derk Bodde thì tôi ghi là «Derk Bodde chú», chú nào của tôi thì ghi là «LAM chú». Những đoạn cổ vãn mà Phùng Hữu Lan trích dẫn từ cổ tịch tôi cũng chép lại y nguyên chữ Hán kèm với phiên âm Hán Việt, để các nhà nghiên cứu tiện tham khảo và trích lại, nếu cần. Những đoạn cổ văn này được Phùng Hữu Lan trích dẫn như chúng vốn có chứ không kèm theo phần phiên dịch bạch thoại. Để phiên dịch những đoạn cổ văn này ngoài việc tham khảo bản dịch của Derk Bodde (mà phần lớn là trích lại những bản dịch có sẵn bằng Anh ngữ như ông đã nêu rõ ở trang 410-418 trong bản dịch Anh ngữ của ông), tôi còn tham khảo các bản chú giải của Trung Quốc, rồi phụ chú thêm những chỗ khó hiểu, các từ ngữ cổ, đối chiếu với một vài bản dịch khác (như của James Legge, James Ware, Nguyễn Hiến Lê. v.v…) và nêu ra một vài chỗ mà theo tôi Derk Bodde đã lầm lẫn. Tuy Derk Bodde nói bản dịch Anh ngữ của ông đã được chính tác giả đọc lại nhưng tôi e rằng Phùng Hữu Lan đã không đọc kỹ những đoạn phiên dịch cổ văn; những chỗ khả nghi này, tôi có nêu rõ. Ngoài ra tôi tổng hợp và sàng lọc nhiều nguồn tư liệu (sách báo và Internet) để viết thêm phần tiểu sử của Phùng Hữu Lan, xem như phần bổ túc cho cả bản Hán ngữ lẫn Anh ngữ. Để độc giả thêm hứng thú, tôi cũng tìm thêm những hình ảnh minh họa thích hợp đưa vào bản dịch.

Nhân đây, tôi xin chân thành tri ân các học giả tiền bối mà các bản dịch chú kinh điển Trung Quốc bằng Anh ngữ, Hán ngữ, và Việt ngữ của quý ngài là nguồn tham khảo hết sức quý báu cho tôi để bản dịch Việt ngữ này khả dĩ chấp nhận được. Dịch giả dù rất thận trọng, ắt cũng khó tránh được ít nhiều lầm lỗi; do đó tôi thành tâm ước mong quý độc giả lượng thứ và chỉ điểm cho những chỗ còn sai sót. Được như thế, tôi vô cùng thâm tạ.

Dịch giả

Lê Anh Minh

(Dịch xong tại TP HCM, tháng 8-2005

Chú thích


  1. Lời tựa này vẫn giữ nguyên từ ấn bản đầu tiên (Bắc Kinh, 1937) cho đến ấn bản lần thứ 7 (Princeton University Press, 1983), Quyển I của bản Hán ngữ được Nxb Thần Châu ấn hành (Thượng Hải, 1931), Năm 1934, Thương Vụ Ấn Thư Quán in quyển I và II chung với nhau. Ấn bản Anh ngữ đầu tiên của quyển II xuất hiện năm 1953 (Princeton University Press).[LAM chú] ↩︎

  2. Thời Hôn Ám (Dark Ages) là thời tối tăm man rợ, ước tính từ sự sụp đổ của Đế chế La Mã (Roman Empire) năm 476 CN kéo dài đến năm 1100 CN; có sách ấn định rộng hơn, cho rằng danh từ này cũng ám chỉ thời Trung cổ, kể từ sự sụp đổ của Đế chế La Mã cho đến lúc Columbus phát hiện châu Mỹ năm 1492. Còn đời Đường (618-907) thịnh đạt nhất (gọi là thời Thịnh Đường) từ những năm Khai Nguyên (713-741) triều vua Huyền Tông (Lý Long Cơ) đến những năm Đại Lịch (766-779) triều vua Đại Tông (Lý Dự). Quyển sách in đầu tiên trên thế giới được Derk Bodde nhắc đến ở đây là Kim Cương Kinh in năm 868 CN, được phát hiện tại Đôn Hoàng năm 1907. [LAM chú] ↩︎

  3. Năm 1985 Đại học Bắc Kinh cho Đồ Hựu Quang 涂又光 dịch quyển này sang Hán ngữ với nhan đề Trung Quốc Triết Học Giản Sử. ↩︎

  4. dịch xong và xuất bản lần đầu 1953, Princeton University Press ↩︎

  5. Hồ Thích đỗ Tiến sĩ năm 1917, Kim Nhạc Lâm 1920, Phùng Hữu Lan 1923. ↩︎

  6. Đây cũng là nhan đề bài viết của Lý Thận in trong Phùng Hữu Lan Tiên Sinh Kỷ Niệm Văn Tập. ↩︎

Khu vực bình luận