1. Nội dung của triết học
Triết học vốn là một danh từ của Tây phương. Nay muốn nói đến lịch sử triết học Trung Quốc thì một trong các việc chủ yếu là ta phải tuyển chọn trong các môn học vấn trong lịch sử Trung Quốc để trình bày cái mà Tây phương gọi là triết học. Trong công việc này, trước tiên ta phải hiểu rõ ý nghĩa của danh từ triết học của Tây phương.
Tại Tây phương, danh từ triết học đã có lịch sử rất lâu đời. Đối với danh từ này, các triết học gia cũng có nhiều định nghĩa khác nhau, Để bắt đầu xem xét cho dễ dàng, tôi trình bày trước tiên cái nội dung của triết học theo nhận thức phổ thông của nhiều người. Hễ biết nội dung của nó (tức là biết được triết học là cái gì), thì cái định nghĩa chính thức của danh từ triết học cũng không cần đưa ra nữa.
Đa số các triết học gia Hi Lạp đã phân chia triết học thành ba bộ phận:
- Vật lý học 物理學 (physics),
- Luân lý học 倫理學 (ethics),
- Luận lý học 論理學 (logic).
Phạm vi của ba bộ phận này khá rộng so với phạm vi của chúng hiện nay. Theo thuật ngữ hiện nay, triết học bao hàm ba bộ phận lớn:
- Vũ trụ luận 宇宙論 với mục đích tìm kiếm lý thuyết về thế giới (a theory of world),
- Nhân sinh luận 人生論 với mục đích tìm kiếm lý thuyết về nhân sinh (a theory of life),
- Tri thức luận 知識論 với mục đích tìm kiếm lý thuyết về tri thức (a theory of knowledge).
Cách phân chia này đã lưu hành phổ biến kể từ Plato cho đến nay. Nội dung của triết học đại khái là như vậy.
Vũ trụ luận có thể phân chia thành hai bộ phận:
- Nghiên cứu bản thể của «sự tồn tại» và yếu tố «chân thực». Môn nghiên cứu này gọi là Bản thể luận 本體論 (ontology)
- Nghiên cứu sự phát sinh ra thế giới và lịch sử của nó. Môn nghiên cứu này gọi là Vũ trụ luận 宇宙論 (cosmology).
Nhân sinh luận cũng phân chia thành hai bộ phận:
- Nghiên cứu cái mục đích tối hậu của con người là gì. Nó là đối tượng khảo cứu của Tâm lý học 心理學,
- Nghiên cứu rốt cuộc con người phải như thế nào. Nó là đối tượng khảo cứu của Luân lý học 倫理學 (theo nghĩa hẹp), Triết học về chính trị và xã hội, v.v…
Tri thức luận cũng phân chia thành hai bộ phận:
- Nghiên cứu tính chất của tri thức, tức là tri thức luận 知識論 (epistemology) theo nghĩa hẹp.
- Nghiên cứu qui phạm của tri thức, tức là Luận lý học 論理學 (theo nghĩa hẹp),
Trong ba bộ phận - Vũ trụ luận, Nhân sinh luận, và Tri thức luận - thì Vũ trụ luận và Nhân sinh luận có quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau. Nhân sinh luận của một triết học căn cứ vào Vũ trụ luận của nó. Thí dụ như thiên Dương Chu trong Liệt Tử cho rằng vũ trụ là vật chất, là mù quáng và cơ giới, cho nên nhân sinh không thể hi vọng gì khác ngoài việc hưởng lạc trước mắt. Phái Epicure ở Tây phương cũng có tiền đề tương tự nên cũng có phán đoán giống như thế. Trong các triết gia, có người đem Tri thức luận mà chứng minh thành Vũ trụ luận (như Berkeley, Kant, tức là phái duy tâm của tri thức luận [epistemological idealism) Tướng tông 相宗 trong Phật giáo). Có người do nghiên cứu con người mà liên hệ tới vấn đề tri thức, như Locke và Hume. Do đó các bộ phận trong triết học đều có tương quan nhau1.
2. Phương pháp triết học
Gần đây có người nói rằng phương pháp nghiên cứu triết học khác với phương pháp nghiên cứu khoa học. Phương pháp nghiên cứu khoa học là logic, là lý trí. Phương pháp triết học là trực giác, là phản lý trí. Thực ra những gì gọi là trực giác, đốn ngộ, kinh nghiệm thần bí, v,v… tuy có giá trị rất cao nhưng không nhất thiết phải gộp chúng lẫn vào phương pháp triết học. Cho dù là triết học hay khoa học thì chúng đều nhằm nói ra hay viết ra được lý lẽ và đều lấy thái độ lý trí nghiêm túc mà thể hiện nó. Hễ viết sách hay lập thuyết thì ai cũng thế. Cho nên cảnh giới tối cao của Phật gia tuy «không thể nói» (bất khả thuyết) nhưng phải đợi chứng ngộ mới có; và cái bất khả thuyết đó không phải là triết học. Phật gia lấy thái độ lý trí nghiêm túc để nói ra lý lẽ. Cho nên nếu nói lấy trực giác làm phương pháp mà ta sẽ có được kinh nghiệm thần bí, thì điều ấy có thể được. (Cái kinh nghiệm này có phù hợp với «thực tại» hay không lại là vấn đề khác). Nếu nói lấy trực giác làm phương pháp mà ta sẽ có được một thứ triết học, thì điều ấy không thể được. Nói cách khác, trực giác có thế giúp ta có một kinh nghiệm chứ không thể giúp ta tạo nên lý lẽ. Bản thân của kinh nghiệm thì không đúng hay sai; còn lý lẽ là một thứ phán đoán, nên phải hợp logic. Mục đích của các học thuyết đều không nhắm vào sự tường thuật kinh nghiệm mà nhắm vào sự tạo nên lý lẽ. Cho nên phương pháp của chúng phải hợp logic, phải khoa học. Gần đây nhiều người do không hiểu duyên cớ đó mà tranh luận rất nhiều về phương pháp khoa học. Thật ra, cái gọi là phương pháp khoa học vốn là phương pháp tư duy thông thường của chúng ta? nhưng kỹ lưỡng và tinh xác hơn. Cho nên những ai phản đối phương pháp khoa học và logic thì lời lẽ của họ cũng vẫn dựa theo phương pháp khoa học và logic. Do đó, tuy chúng ta thừa nhận giá trị của trực giác nhưng lại không thừa nhận nó là phương pháp triết học. Phương pháp khoa học tức là phương pháp triết học. So với phương pháp tư duy thông thường của chúng ta thì chúng cùng một loại, nhưng khác nhau về mức độ cao thấp mà thôi.
3. Tầm quan trọng của luận chứng trong triết học
Nói theo logic, một hệ triết học gồm hai phần: (a) phán đoán sau cùng, và (b) cơ sở để đạt được phán đoán đó, tức là tiền đề của phán đoán đó. Phán đoán triết học tất nhiên phải đúng. Nhưng có một phán đoán đúng cũng chưa phải là đủ. Đối với vũ trụ nhân sinh, vấn đề có hay không thần linh và linh hồn thì phần đông chúng ta đều có kiến giải, đôi khi kiến giải của họ cũng giống như của các triết học gia chuyên môn. Nhưng kiến giải của người thường là do truyền thuyết hoặc trực giác mà có. Người thường chỉ biết và có kiến giải của họ chứ không thể dùng lý luận để thuyết minh tại sao lại có kiến giải như thế, Các triết học gia chuyên môn thì khác. Họ không những biết và có kiến giải mà còn có thể thuyết minh tại sao có kiến giải như thế. Họ không những có phán đoán mà còn có tiền đề của phán đoán đó. Thí dụ, người thường thì nhảy đến kiến giải của họ; còn triết học gia chuyên môn thì đi đến kiến giải của mình2.
Vì vậy, triết học là sản vật của lý trí. Triết học gia muốn thành lập một lý thuyết tất phải dùng luận chứng để chứng minh cái lý thuyết đã thành lập. Cho nên Tuân Tử nói: «Họ tin có cớ, lời nói của họ thành lý.»3 Mạnh Tử nói: «Ta ham biện luận sao? Ta bất đắc dĩ vậy thôi.»4 Biện luận tức là dùng luận chứng để công kích điều sai lầm của người khác, chứng minh điều đúng của mình, tức là cái mà các nhà nhân minh 因明家 gọi là «Làm rõ chính, diệt tà» (hiển chính tồi tà 顯正摧邪). Không riêng Mạnh Tử ham biện luận mà ngay đến Trang Tử - với Tề Vật Luận - cũng muốn vượt qua biện luận; thế mà Trang Tử cũng phải hết sức biện luận để chứng minh rằng không biện luận mới là đúng. Cho nên muốn lập một lý thuyết triết học để chủ trương một việc khác xa với thực tế, nếu không muốn biện luận thì cứ im lặng, còn nếu không hết sức biện luận thì không xong. Hễ biện luận thì phải dùng phương pháp logic. Những lời biện luận đó đôi khi sai logic nhưng điều này thuộc về vấn đề trình độ dùng logic có giỏi không chứ không phải đã không dùng logic.
4. Triết học và nghĩa lý học của Trung Quốc
Xem những điều nói trên về nội dung của triết học, ta thấy đối tượng nghiên cứu của triết học Tây phương cũng gần giống như đối tượng nghiên cứu của cái gọi là Huyền học 玄學 đời Tấn và đời Ngụy, Đạo học 道學 đời Tống và đời Minh, và Nghĩa lý học 義理學 đời Thanh. Nếu vận dụng phép phân chia làm ba của W.P. Montague (xem lại chú thích ở tiết I), ta có thể chia triết học làm: vũ trụ luận, nhân sinh luận, và phương pháp luận. Luận Ngữ nói: «Lời của Khổng Tử là nói về tính và thiên đạo.»5 Câu nói này nêu ra hai phần của đối tượng mà nghĩa lý học nghiên cứu. Phần nghiên cứu Thiên đạo hơi giống vũ trụ luận trong triết học Tây phương. Phần nghiên cứu tính mệnh hơi giống nhân sinh luận trong triết học Tây phương, Chỉ có phương pháp luận trong triết Tây phương là không được bàn luận đến trong thời đại Tử học của lịch sử tư tưởng Trung Quốc, mà từ đời Tống về sau cũng không ai nghiên cứu. Ở một mặt khác, nghĩa lý học cũng có phương pháp luận, tức là cái mà nó thường gọi là «phương pháp để học» (vi học chi phương 爲學之方). Điều khác biệt là những gì mà «phương pháp để học» giảng thì không phải là phương pháp cầu tri thức mà là phương pháp tu dưỡng; tức không phải phương pháp cầu chân mà là phương pháp cầu thiện.
Chúng ta chỉ có thể lấy cái gọi là nghĩa lý học Trung Quốc làm chủ thể mà viết lịch sử nghĩa lý học Trung Quốc; và ta cũng có thể chọn các môn học vấn của Tây phương xem có môn nào có thể gọi là nghĩa lý học thì lấy ra mà trần thuật để viết thành lịch sử nghĩa lý học của Tây phương. Theo nguyên tắc mà nói, việc này vốn có thể làm được, nhưng về sự thực mà nói, các môn học vấn cận đại đều bắt nguồn từ Tây phương, nhất là khoa học. Nếu nêu ra một thứ học vấn nào đấy trong lịch sử Trung Quốc hay Tây phương mà nói đó là nghĩa lý học thì khó mà biết cho rõ ràng địa vị của nó trong nền học vấn cận đại cùng sự quan hệ giữa nó với các môn học vấn cận đại khác. Nếu nêu ra và nói đó là triết học thì sẽ tránh được những khó khăn ấy. Vì vậy, gần đây chỉ có người viết lịch sử triết học Trung Quốc chứ không ai viết lịch sử nghĩa lý học của Tây phương.
Cũng vì lý do ấy nên từ đây trở đi chúng ta sẽ dùng danh từ triết học Trung Quốc và triết học gia Trung Quốc. Nói triết học Trung Quốc tức là nói đến một môn học vấn hoặc một bộ phận của một môn học vấn của Trung Quốc mà ta có thể dùng danh từ triết học của Tây phương để ám chỉ nó. Còn triết học gia Trung Quốc là một loại học giả của Trung Quốc mà ta có thể dùng danh từ triết học gia để ám chỉ họ.
5. Nhược điểm của triết học Trung Quốc
Về mặt luận chứng và thuyết minh thì triết học của các triết học gia Trung Quốc thua kém triết học của các triết học gia Ấn Độ hay Tây phương. Sở đĩ như thế là vì các triết học gia Trung Quốc không chịu làm chứ không phải làm không được. Họ cho rằng như thế là «cái thứ bẻ từng cành chứ không phải chuyện ôm Thái Sơn nhảy qua Bắc Hải»6. Đa số các triết học gia Trung Quốc không cho tự thân tri thức là tốt, cho nên không vì tri thức mà cầu tri thức. Chẳng những không vì tri thức mà cầu tri thức, mà những tri thức có thể làm con người thêm hạnh phúc thì họ cũng muốn đem ra thực hành để con người tăng thêm hạnh phúc chứ không muốn thảo luận suông: «Ta muốn gửi nó vào lời nói suông, nhưng điều đó không bằng thấy nó ở trong hành vi, rõ ràng và sâu sắc hơn»7. Vì thế, xưa nay người Trung Quốc không xem trọng việc viết sách, lập thuyết. «Trên hết là lập đức, kế đến là lập công, chót hết là lập ngôn.»8 Các triết học gia Trung Quốc thường rao giảng đạo «nội thánh ngoại vương» 內聖外王. Nội thánh (bên trong là thánh) là lập đức, ngoại vương (bên ngoài là vua) là lập công. Lý tưởng của họ là có đức của thánh nhân và có công nghiệp của đế vương, tức là thành thánh vương 聖王, tức là hạng mà Plato gọi là «triết học vương giả» 哲學王者 (ông vua triết học). Nếu không thực hành được nghiệp đế vương và không thực hành được đạo thánh nhân, thì bất đắc dĩ mới quay về mà lập ngôn. Vì thế các triết học gia Trung Quốc coi việc viết sách và lập thuyết là chuyện bất đắc dĩ. Cũng bởi thế nên trong lịch sử triết học Trung Quốc ít có những bộ sách triết học đầu đuôi nhất quán, do tác giả móc ruột viết ra. Thường thường các triết học gia hoặc môn nhân, hậu học của họ thu nhặt những thư từ, ngữ lục hàng ngày mà làm thành sách. Tùy tiện mà làm thành sách nên lý le tuy đủ vững, nhưng nghị luận để chống đỡ đạo lý đó lại thường quá đơn giản vụn vặt9.
Tóm lại, các triết học gia Trung Quốc chú trọng con người «là cái gì» mà không chú trọng con người «có cái gì». Nếu là thánh nhân thì dù không có một chút tri thức cũng vẫn là thánh nhân; nếu là ác nhân thì dù có vô hạn tri thức cũng vẫn là ác nhân. Vương Dương Minh thường lấy vàng ròng để tỉ dụ về thánh nhân. Cho là hễ vàng có màu sắc tinh ròng, tức là thánh nhân. Còn như tri thức tài khí tuy có lớn nhỏ khác nhau, cũng như tám ngàn dật10 vàng với chín ngàn dật vàng, phân lượng tuy có khác, nhưng kể về vàng ròng thì y hệt như nhau. Chất của vàng thuộc về «là cái gì», còn phân lượng thì thuộc về mặt «có cái gì». Người Trung Quốc xem trọng «là cái gì» mà không xem trọng «có cái gì», cho nên không xem trọng tri thức. Trung Quốc chỉ có mầm mống khoa học chứ không có khoa học chân chính, một phần là tại vì thế11.
Triết học Trung Quốc cũng không cho vấn đề tri thức (theo nghĩa hẹp) là một vấn đề trọng yếu trong triết học. Bởi vì các triết học gia Trung Quốc không muốn vì tri thức mà cầu tri thức, và cũng vì triết học Trung Quốc chưa chia cá nhân và vũ trụ ra làm hai cho rõ ràng. Lịch sử cận đại của Tây phương có một đặc điểm rất trọng yếu, đó là tự giác vẽ cái ta (_ngã_我).Sau khi đã tự giác về _ngã_thì cái thế giới của ngã liền chia làm hai: ngã 我 (ta) và phi ngã 非我 (không phải ta). _Ngã_là chủ quan, ngoài _ngã_là thế giới khách quan, đều là phi ngã. Đã chia ra làm _ngã_và phi ngã rồi, thì giữa khách quan và chủ quan liền có cái ranh giới phân cách không thể vượt qua, và nảy sinh vấn đề «ngã làm sao biết được phi ngã». Thế là tri thức luận 知識論 liền biến thành một bộ phận trọng yếu trong triết học Tây phương. Trong tư tưởng của người Trung Quốc chưa có tự giác một cách rõ ràng về cái ta, cho nên cũng chưa biết chia ra _ngã_và phi ngã. Vì vậy mà vấn đề tri thức (theo nghĩa hẹp) chưa trở thành một vấn đề trọng yếu trong triết học Trung Quốc.
Triết học gia không biện luận thì thôi. Hễ biện luận tất phải dùng logic. Nhưng các triết học gia Trung Quốc ít có ai gắng sức về lập ngôn. Ngoại trừ các Danh gia vốn dĩ vừa mới nổi lên là tàn ngay, cũng ít có ai đề xuất nghiên cứu trình tự và phương pháp biện luận tư tưởng một cách có ý thức. Cho nên phần thứ hai của tri thức luận, tức là logic, cũng không được phát đạt ở Trung Quốc.
Các triết học gia Trung Quốc lại còn quá chú trọng đến nhân sự nên đối với vấn đề nghiên cứu vũ trụ họ cũng hết sức giản lược. Vì thế các bộ phận của triết học mà tôi đã nêu trên, bộ phận nào cũng rất phát đạt tại Tây phương. Còn ở trong triết học Trung Quốc thì các bộ phận phát đạt không đều nhau. Chẳng qua vì các triết học gia Trung Quốc quá chú trọng đến cái đạo nội thánh 內聖 nên giảng giải rất kỹ về phương pháp tu dưỡng, tức là «phương pháp để học» (vi học chi phương 爲學之方). Điều này tuy có người cho rằng không thể gọi là triết học, nhưng chính các học giả Trung Quốc đã cống hiến rất nhiều về phương diện này.12
6. Sự thống nhất của triết học
Từ sự quan hệ giữa vũ trụ luận và nhân sinh luận đã được thuật trên đây thì ta cũng thấy được tư tưởng của một triết học gia là một thể hoàn chỉnh. Phàm một hệ thống triết học chân chính đều như một cái cây có cành, nhánh, các bộ phận trong đó, đầu đuôi đều có liền nhau, làm thành một khối. Tuy cái cây có cành lá, thân, nhánh, nhưng tự bản thân cái cây đó chính là một thể hoàn chỉnh. William James nói rằng các triết học gia đều có cái thấy (vision: kiến 見) của họ, và đều lấy cái thấy đó làm ý tứ căn bản để vận dụng nó thích hợp vào các phương diện. Sự thích dụng càng rộng thì hệ thống càng lớn. Khổng Tử nói: «Đạo ta thì nhất quán.»13 Sự thật thì hệ thống của các triết học đều nhất quán cả. Hoàng Lê Châu 黃梨洲 nói: «Nói chung, cái học có tông chỉ là chỗ đắc lực của người ta và cũng là chỗ nhập môn của kẻ cầu học. Nghĩa lý trong thiên hạ vô cùng, không dùng một vài chữ để định nó thì làm sao có thể tóm thâu nó để làm của mình? Cho nên giảng học mà không có tông chỉ tức là nói suông, là tơ rối không có đầu mối. Kẻ cầu học mà không hiểu được tôn chỉ của người ta, đọc sách của họ thì cũng chẳng khác gì Trương Khiên 張騫 khi mới đến nước Đại Hạ 大夏, không thể hiểu được yếu lĩnh của Nguyệt Thị 月氏. Đỗ Mục Chi 杜牧之 nói: «Viên bi chạy trong cái mâm, ngang dọc vòng thẳng không thể biết hết cả; điều có thể biết chắc là viên bi không chạy ra ngoài cái mâm. Tông chỉ cũng thế thôi.»14
Trong số các triết học gia Trung Quốc có Tuân Tử là người giỏi phê bình triết học. Tuân Tử cho rằng các triết học gia đều có cái sở kiến 所見 (kiến giải riêng, hiểu biết riêng) nên ông nói: «Thận Tử có thấy ở sau mà không thấy ở trước, Lão Tử có thấy chỗ co lại mà không thấy chỗ duỗi ra. Mặc Tử có thấy chỗ bằng nhau mà không thấy chỗ khác nhau. Tống Tử có thấy ít mà không thấy nhiều»15. Tuân Tử còn cho rằng các triết học gia đều có cái sở tế 所蔽 (bị che lấp) nên ông nói: «Mặc Tử bị dụng che lấp nên không biết văn. Tống Tử bị cái dục che lấp nên không biết cái được. Thận Tử bị pháp che lấp nên không biết người hiền. Thân Tử bị cái thế che lấp nên không biết cái trí. Huệ Tử bị lời nói che lấp nên không biết cái thực. Trang Tử bị trời che lấp nên không biết người.»16 William James (sách đã dẫn) nói nếu một phương diện của vũ trụ khiến một triết học gia đặc biệt chú ý đến, thì ông ta nắm lấy đầu mối đó để khái quát toàn thể. Cho nên triết học gia mà có cái sở tế là vì đã có cái sở kiến. Chỉ có vậy thôi. Do đó tư tưởng của một đại triết học gia không những là một thể hoàn chỉnh mà lại còn có một tinh thần đặc biệt, một bộ mặt đặc biệt.
Sách của các triết học gia Trung Quốc ít được tác giả dốc hết tâm lực biên soạn để cho nội dung xuyên suốt từ đầu tới cuối, do đó nhiều người bảo rằng triết học Trung Quốc không có hệ thống. (Trên đây tôi đã trích dẫn, gần đây có người nói: «Triết học của Trung Quốc giản lược vô tổ chức và phương pháp.» Nói vậy tức là cũng giống như nêu ra tính phi hệ thống này.) Nhưng hệ thống có hai thứ: hệ thống về hình thức và hệ thống về thực chất. Hai hệ thống này không có quan hệ liên đới. Triết học của các triết học gia Trung Quốc tuy không có hệ thống về hình thức, nhưng nếu nói triết học Trung Quốc không có hệ thống về thực chất thì chẳng khác gì bảo rằng triết học của các triết học gia Trung Quốc không là gì cả; và Trung Quốc không có triết học. Triết học cổ của Hi Lạp cũng không có hệ thống hình thức. Socrate vốn không hề viết sách. Plato viết sách theo thể đối thoại, Đến Aristotle mới có những luận văn thảo luận rõ ràng về các vấn đề. Nếu xét về hệ thống hình thức thì triết học của Aristotle có hệ thống hơn. Nhưng nếu kể về thực chất thì triết học của Plato cũng có hệ thống vậy. Căn cứ như trên thì triết học của một triết học gia mà đáng gọi là triết học tất phải có hệ thống thực chất - Cái gọi là hệ thống của một hệ thống triết học là ám chỉ cái hệ thống thực chất của triết học đó. Các triết học gia Trung Quốc thua kém các triết học gia Tây phương về hệ thống hình thức, nhưng hệ thống thực chất thì cũng chẳng kém gì. Một trong những yếu nghĩa của việc giảng về triết học sử là cần tìm ra một hệ thống thực chất trong một triết học không có hệ thống hình thức.
7. Triết học và triết gia
Theo trên thì thấy triết học của một triết học gia có quan hệ rất lớn đến nhân cách (chỉ chung tính tình, khí chất, kinh nghiệm của một người) hoặc cá tính của họ. Về điểm này triết học cũng giống như tôn giáo và văn học. Bởi vì tất cả các vấn đề của triết học, nếu đem so sánh với các vấn đề của khoa học, đều có tính chất rộng lớn hơn. Đối với chúng, ta không thể nghiên cứu một cách hoàn toàn khách quan. Do đó, muốn giải quyết những vấn đề đó phải đợi có sự suy nghĩ và khảo sát chủ quan cùng với cái sở kiến của triết gia, Cho nên, lý luận khoa học có thể được mọi người công nhận, còn triết học của một triết học gia chỉ có thể là ngôn luận của một phái.
William James nói rằng dựa theo tính tình và khí chất của các triết gia, chúng ta có thể chia họ làm hai loại. Một loại triết học gia lòng mềm yếu. Lòng mềm yếu nên họ không nỡ đem những sự vật có giá trị trong vũ trụ mà cho là vô giá trị, nên triết học của họ có tính duy tâm luận, tôn giáo, tự do ý chí luận, nhất nguyên luận. Một loại triết học gia lòng cứng cỏi. Lòng cứng cỏi nên họ không ngần ngại đem những sự vật có giá trị trong vũ trụ mà cho là vô gia trị, nên triết học của họ có tính duy vật luận, phi tôn giáo, đa nguyên luận.17 Høffding cũng nói rằng mọi vấn đề trong triết học đều ở vùng biên giới của tri thức chúng ta. Có dùng các phương pháp tinh xác (exact methods) cũng không chạm tới được. Cho nên nhân cách của người nghiên cứu quyết định phương hướng cho tư tưởng của họ, mà có lúc họ không tự biết, không thấy nó là đặc biệt. Đôi khi trong triết học phát sinh một vấn đề ma chính nhân cách của người nghiên cứu lại là điều kiện tiên quyết. Có một vài tư tưởng chỉ phát sinh trong một trạng huống tâm lý nào đó mà thôi. Kế đến, cái căn cứ mà người nghiên cứu dựa vào để giải quyết vấn đề cũng có quan hệ với vấn đề mà họ giải quyết. Cho nên, đối với triết học của một nhà, khi chúng ta nghiên cứu lịch sử triết học đó, cần phải chú ý đến tình thế của thời đại của nó và trạng huống tư tưởng của mỗi phương diện18. Đó là điều mà ai nghiên cứu triết học sử cũng đều phải chú ý. Mạnh Tử nói: «Ngâm thơ của họ, đọc sách của họ, có thể không biết họ sao? Ấy là nói về đời họ vậy.»19Tống Nho rất chú ý đến khí tượng 氣象 của các bậc thánh hiền đời xưa. Tuy động cơ của họ là ở phương diện tu dưỡng, nhưng khi nghiên cứu lịch sử triết học của một người, quả thật ta cũng phải chú ý đến khí tượng của người ấy.
8. Lịch sử và triết học sử
Lịch sử có hai nghĩa. Một là chỉ tự thân của sự tình, thí dụ như nói Trung Quốc có bốn ngàn năm lịch sử. Khi nói thế, người nói không ám chỉ quyển sử nào cả, chẳng qua có ý nói rằng Trung Quốc đã trải qua bốn ngàn năm mà thôi. Gọi thế là lịch sử, rõ ràng đó là chỉ tự thân của sự tình. Lịch sử còn có một nghĩa khác nữa, đó là việc ghi chép về sự tình, như nói Thông Giám 通鑑,Sử Ký 史記 là lịch sử, tức là theo ý nghĩa này. Tóm lại cái gọi là lịch sử hoặc là chỉ toàn thể hoạt động của chủ nhân ông (tức là các nhân vật lịch sử) hoặc chỉ việc ghi chép của các sử gia ve các hoạt động đó. Nếu muốn dùng hai tên cho hai nghĩa thì có thể gọi tự thân của lịch sử là lịch sử hoặc lịch sử khách quan, còn việc ghi chép về sự tình là lịch sử viết hoặc lịch sử chủ quan.
Trên đã nói, tình thế của một thời đại cho đến trạng huống tư tưởng của các phương diện có thể ảnh hưởng đến triết học của một triết học gia. Nhưng triết học của một triết học gia cũng có thể ảnh hưởng đến một thời đại cho đến tư tưởng của các phương diện của thời đại đó. Nói một cách khác, lịch sử có thể ảnh hưởng đến triết học mà triết học cũng có thể ảnh hưởng đến lịch sử. «Anh hùng tạo thời thế, thời thế tạo anh hùng». Cả hai là nhân quả của nhau. Mỗi thời đại có riêng một tinh thần triết học của một thời đại là kết tinh của tinh thần của thời đại ấy. Nghiên cứu triết học của một triết học gia cần phải «biết người ấy, luận về thời thế của họ» (tri kỳ nhân, luận kỳ thế 知其人論其世). Khi nghiên cứu lịch sử của một dân tộc hoặc một thời đại cũng cần phải biết đến triết học của thời đại ấy, dân tộc ấy. Bacon nói rằng nhiều người ghi chép về cõi thiên nhiên, về chính trị, tôn giáo, nhưng riêng về trạng huống phổ thông của học thuật qua các thời đại thì chưa có ai ghi chép. Phần này mà chưa được ghi chcp thì lịch sử thế giới chẳng khác gì một pho tượng không có mắt bởi vì nó thiếu mất phần có thể biểu thị tinh thần và sinh hoạt của con người20. Thuật lại lịch sử của một thời đại, một dân tộc, mà không đề cập triết học của thời đại ấy, dân tộc ấy, thì khác nào «hoạ long bất điểm tinh» 畫龍不點睛 (vẽ rồng mà không vẽ mắt), giống như Bacon đã nói. Nghiên cứu lịch sử của một thời đại, một dân tộc, mà không đề cập triết học của thời đại ấy, dân tộc ấy, thì khó mà hiểu được triệt để thời đại đó và dân tộc đó. «Người ta biết nhau, quý ở chỗ biết lòng nhau» (nhân chi tương tri, quý tương tri tâm 人之相知, 貴相知心. Chúng ta nghiên cứu về một thời đại, một dân tộc, cũng nên biết lòng của họ. Cho nên, chuyên sử 專史 về triết học sử có địa vị rất trọng yếu trong thông sử 通史; triết học sử cũng rất trọng yếu đối với người nghiên cứu lịch sử.
Mỗi hệ thống triết học đều có tinh thần đặc biệt và có diện mục đặc thù của nó. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, đều có một triết học. Lý lẽ do các triết học gia đời nay lập ra mọi người chưa công nhận là phải, lý lẽ do các triết học gia đời xưa lập ra mọi người cũng chưa công nhận là trái. Vì vậy, khi nghiên cứu [triết học thì một mặt phải nghiên cứu triết học sử để xem các hệ thống triết học lớn đã có những lý lẽ gì đối với thế giới và nhân sinh, một mặt phải trực tiếp quan sát thế giới và nhân sinh thực tế để tự lập lấy lý lẽ. Do đó, triết học sử càng thêm trọng yếu đối với nhà nghiên cứu triết học.
9. Lịch sử và lịch sử viết
Theo trên, lịch sử và lịch sử viết21 khác nhau. Ngoài lịch sử viết và vượt trên lịch sử viết còn có tự thân của lịch sử. Nó tồn tại mãi mãi, không hề cần đến trí thức của loài người. Lịch sử viết là những ghi chép theo sau lịch sử thực tế. Nó hay hoặc dở là do sự ghi chép có chân thật hay không, có tương hợp thực tế hay không.
Nhiều người gần đây thường nói rằng lịch sử viết cần phải chú trọng tìm nhân quả của sự tình trong lịch sử. Kỳ thật, cái gọi là nguyên nhân của một việc chẳng qua là cái đi trước (antecedent: tiên hành giả 先行者) không thể thiếu được của việc đó; và cái gọi là kết quả của một việc chẳng qua là cái khởi lên sau (consequent: hậu khởi giả 後起者) không thể thiếu được của việc đó. Nói chung, việc xảy ra trước một việc, đều là cái đi trước của việc ấy. Việc xảy ra sau một việc, đều là cái khởi lên sau của việc ấy. Một việc không thể đơn độc xảy ra, trước nó ắt phải có nhiều việc và sau nó ắt cũng phải có nhiều việc. Lịch sử viết kể lại một việc, ắt phải kể đến những việc ở trước và ở sau việc ấy. Nhưng những việc ở trước và sau đây quá nhiều, không thể kể ra cho hết, cho nên chỉ chọn những cái đi trước và cái nổi lên sau cần thiết để thuật lại mà thôi. Xưa nay lịch sử viết đều như thế cả, chứ không riêng gì «lịch sử mới» (tân lịch sử) mới bắt đầu chú trọng đến nhân quả. Tuy nhiên, có khi lịch sử viết đã ghi những cái đi trước và cái nổi lên sau cần thiết, có khi lại ghi những cái đi trước và cái nổi lên sau không cần thiết. Thí dụ như trước khi chép chiến sự thì chép việc thấy sao chổi, sau khi chép việc đế vương vô đạo thì nói đến nhật thực. Nhưng đó là do các sử gia qua các thời đại có kiến giải khác nhau đối với sự vật, chứ không phải mục đích hoặc phương pháp viết sử khác nhau. Mục đích của lịch sử viết cốt ở chỗ phù hợp với thực tế, giá trị của nó là nó có thể tạo được chữ _tín_信 hay không.
Những sự tình hoạt động trong lịch sử một khi đã xảy ra thì không hiện trở lại nữa. Những sử liệu mà lịch sử viết dùng làm bằng cứ chẳng qua là lời thuật lại của kẻ đã thấy việc đó, dựa vào việc đó, hoặc là những giấy tờ, di tích có quan hệ đến việc đó, tức là cái gọi là «văn hiến». Những tài liệu đó vì có liên quan trực tiếp với những điều lịch sử viết ghi chép nên gọi là «sử liệu gốc» (nguyên thuỷ đích sử liệu 原始的史料: original source). Những ghi chép chính thức hoặc không chính thức về một việc, vốn cũng là lịch sử viết nhưng vì nó có vào thời đại mà sự việc ấy phát sinh hoặc có gần thời đại đó, các sử gia đời sau cũng trích dẫn làm căn cứ, dùng như sử liệu, thì gọi là «sử liệu phụ trợ» (phụ trợ đích sử liệu 輔助的史料: secondary source).
Các sử gia căn cứ vào những sử liệu này mà viết được lịch sử hoàn toàn đáng tin hay không, thì vẫn còn là một nghi vấn. Thế gian có kẻ viết sử hoặc vì bị ép buộc hoặc vì bị danh lợi cám dỗ, hoặc vì một mục đích nào đó, nên không có ý viết tín sử. Bọn viết sử như thế tất nhiên khói cần nói đến. Còn người thực lòng muốn viết tín sử thì lịch sử do họ viết ra cơ hồ cũng khó mà phù hợp hoàn toàn với thực tế. Nordau nói rằng cái khách quan chân thật trong lịch sử viết cũng giống như cái mà Kant gọi là «tự thân của vật» trong trí thức của người ta vậy. Lịch sử viết mãi mãi không phù hợp với thực tế22. Lời này không khỏi quá đáng, nhưng sử gia muốn viết tín sử hoàn toàn kỳ thực gặp phải nhiều khó khăn. Hệ Từ của Chu Dịch nói: «Sách không chép hết lời, lời không nói hết ý.»23 Trang Tử nói: «Người xưa và những cái không thể truyền của họ đều đã chết rồi. Thế thì cái mà ngài đọc đó chỉ là cặn bã của người xưa mà thôi.»24 Lời nói không hết ý. Hai người đang đối diện nói chuyện với nhau mà còn có khi không hiểu nhau, nói chi «sách lại không chép hết lời» (thư bất tận ngôn). Hơn nữa, ngôn ngữ văn tự xưa nay khác nhau. Nếu ta có sử liệu rất hoàn bị, liệu ta có bảo đảm rằng mình hiểu được tất cả mà chẳng sai lầm không? Chúng ta nghiên cứu cổ sử, không chỉ dựa vào thư tịch mà còn dựa vào văn tự trên bia đá và đồ đồng (kim thạch văn tự (金石文字). Tất nhiên chúng đều là «sách chép không hết lời, lời nói không hết ý». Nghiên cứu lịch sử chỉ là dựa vào cặn bã của cổ nhân, mà chính những cặn bã đó chúng ta cũng không thể hiểu hết. Đó là một khó khăn. Nếu chúng ta hoàn toàn hiểu được sách xưa, lại có những kẻ hiếu học nghĩ sâu, biết rõ ý của người viết sách, nhưng sách xưa cũng không thể tin hết cả được, Mạnh Tử nói: «Cả tin vào sách chẳng bằng không có sách; thí dụ như thiên Vũ Thành [trong Kinh Thư] ta chỉ tin lấy hai ba đoạn thôi.»25 Các sử gia vốn có thể dùng phương pháp khoa học để thẩm tra sử liệu, lấy những điều đáng tin, bỏ những điều không đáng tin tức là công việc phân tích sử liệu, Ngoài văn tự thư tịch, các sử gia còn có thể dựa vào những sử liệu khác nữa. Nhưng sử liệu phần nhiều đều vụn vặt, không quan hệ với nhau. Sau khi đã phân tích sử liệu rồi, sử gia tất phải tổng hợp tất cả những sử liệu vụn vặt đó và dùng sức tưởng tượng mà kết chúng thành một xâu. Đã vận dụng sức tưởng tượng tức là đã chủ quan, vậy thì những điều họ trình bày khó mà hoàn toàn phù hợp với lịch sử khách quan được. Đó là điều khó khăn thứ hai. Nghiên cứu khoa học tự nhiên nếu có giả thiết thì có thể dùng thực nghiệm để xác đỊnh nó đúng hay sai. Các sử gia đối với những giả thiết về sự kiện lịch sử thì lại tuyệt đối không thể dùng thực nghiệm, Hàn Phi nói: «Khổng Tử và Mặc Tử đều nói về Nghiêu Thuấn, mà việc chọn lựa [các dữ kiện] lại khác nhau; [nhưng họ] đều tự cho là nói đúng về Nghiêu và Thuấn, Nghiêu và Thuấn không sống lại, biết lấy ai mà định luận sự thành thực của Nho và Mặc?»26 Vậy là «người chết rồi, không ai đối chứng» (nhân tử vô đối chứng 人無對證). Đó là điều khó khăn thứ ba. Do những điều khó khăn đó mà sử gia chỉ có thể hết lòng viết tín sử, còn sử của họ viết ra có đáng tin chăng thì không thể bảo đảm được.
Lịch sử chia làm lịch sử và lịch sử viết, triết học sử cũng chia làm triết học sử và triết học sử viết. Lịch sử viết đã không thể hoàn toàn phù hợp với lịch sử thì triết học sử viết cũng khó lòng phù hợp với triết học sử. Hơn nữa, sử liệu của triết học sử viết thì chỉ dựa vào văn tự thư tịch, thế lại càng khó tránh khỏi khó khăn thứ ba vừa nói trên. Vì vậy, triết học sử của Tây phương chỉ có một, mà triết học sử viết của họ thì có cả trăm bộ, trong số đó không có hai bộ hoàn toàn giống nhau. Triết học sử Trung Quốc cũng chỉ có một mà triết học sử viết của Trung Quốc thì ngày càng nhiều. Sách của người này viết thì bị người khác chê sai, sách của người kia viết thì bị người nọ chê sai. Các triết học gia ngày xưa không sống lại, rốt cuộc ai có thể xác định được đúng sai? Đã không ai xác định được, thì lịch sử viết và triết học sử viết đành phải viết đi viết lại mãi thôi.
10. Triết học sử viết kiểu tự thuật và triết học sử viết kiểu tuyển lục
Triết học sử viết có hai thể thức: tự thuật 敘述(kể lại) và tuyển lục 選錄 (chọn và chép lại). Triết học sử của người Tây phương viết phần nhiều là theo kiểu tự thuật. Dùng phương pháp này, người viết triết học sử có thể kể lại triết học sử theo sự hiểu biết của mình. Nhưng nó có cái dở là nếu độc giả chỉ đọc một quyển sách ấy thôi thì họ không tiếp xúc được sử liệu gốc, không những dễ bị kiến giải của người viết triết học sử che lấp, lại còn khó mà hiểu rõ những gì người viết kể lại. Những sách sử của người Trung Quốc hầu như viết theo kiểu tuyển lục. Thí dụ: Tống Nguyên học án 宋元學案 và Minh Nho học án 明儒學案 của Hoàng Lê Châu 黃梨洲 là hai bộ triết học sử về đời Tống, Nguyên, Minh; Cổ văn từ loại toản 古文辭類纂 của Diêu Nãi 姚鼐 và Kinh sử bách gia tạp sao 經史百家雜鈔 của Tăng Quốc Phiên 曾國藩 là hai bộ văn học sử Trung Quốc. Dùng phương pháp tuyển lục, người viết văn học sử hoặc triết học sử tuyển chọn và chép lại những trứ tác gốc của các văn học gia hoặc triết học gia. Khi tuyển lục, tất nhiên người tuyển lục cũng có nêu ra kiến giải chủ quan của mình, nhưng độc gia có cái lợi là có thể tiếp xúc trực tiếp với sử liệu gốc, dễ có kiến thức khá minh xác về văn học sử và triết học sử mà mình nghiên cứu. Nhưng chỉ dùng phương pháp tuyển lục thì văn học sử gia hay triết học sử gia khó trình bày kiến giải riêng của họ một cách có hệ thống, và vì thế mà độc giả khó biết kiến giải đó. Do đó, bộ Trung Quốc triết học sử này tôi thử viết theo cả hai phương pháp, may ra có được kết quả tốt hơn chăng?
11. Lịch sử là tiến bộ
Tổ chức của xã hội tiến triển từ đơn giản đến phồn tạp. Học thuật tiến triển từ không rõ ràng đến rõ ràng. Người sau căn cứ vào kinh nghiệm của người trước, cho nên họ đều có thể rút tỉa tinh hoa của người trước ở mọi phương diện. Vì vậy, lịch sử là tiến bộ. Quan sát triết học sử Trung Quốc, ta sẽ thấy điều đó không sai. Phạm vi và vấn đề nghiên cứu của triết học Trung Quốc sau đời Hán thì không nhiều và rộng bằng trước đời Hán. Nhưng sau đời Hán, lý luận trong triết học trở nên rõ ràng hơn trước đời Hán. Những người bình luận không xét kỹ, thấy Khổng Tử nói về Nghiêu Thuấn, thấy Đổng Trọng Thư, Chu Hi, Vương Dương Minh nói về Khổng Tử, thấy Đái Đông Nguyên, Khang Hữu Vi cũng nói về Khổng Tử, bèn cho rằng người xưa có đủ tất cả mà người nay chẳng có gì hết. Thực tế, Đổng Trọng Thư chỉ là Đổng Trọng Thư, Vương Dương Minh chỉ là Vương Dương Minh. Nếu biết Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露 chỉ là triết học của Đổng Trọng Thư, nếu biết Đại học vấn 大學問 chỉ là triết học của Vương Dương Minh, thì sẽ thấy rõ sự tiến bộ của triết học Trung Quốc. Tổ chức của xã hội tiến triển từ đơn giản đến phồn tạp và học thuật tiến triển từ không rõ ràng đến rõ ràng, đó là điều thực nhiên 實然 chứ không phải đương nhiên 當然.
Có người bảo rằng điều mà những người như Đổng Trọng Thư và Vương Dương Minh nói thì trong sách người xưa cũng đã nói rồi. Đổng Trọng Thư và Vương Dương Minh chỉ làm công việc phát huy cái có sẵn thôi, sao gọi là triết học riêng của họ? Họ có cống hiến mới mẻ nào đáng nói đâu? Giả sử chúng ta chỉ thừa nhận hai nhà đó chỉ phát huy cái có sẵn, thì chúng ta cũng không nên coi nhẹ việc phát huy, bởi vì phát huy là tiến bộ. Đứa trẻ phát triển thành người lớn, người lớn chẳng qua là đã phát huy những quan năng tiềm tàng trong đứa bé mà thôi. Trứng gà biến thành gà, thì gà chẳng qua là đã phát huy những quan năng tiềm tàng trong trứng gà mà thôi. Nhưng sao có thể nói đứa trẻ là người lớn, trứng gà là gà? Dùng danh từ của Aristotle mà nói thì tiềm năng (potentiality) và hiện thực (actuality) rất khác nhau. Từ tiềm năng đến hiện thực là tiến bộ. Muốn xem dấu vết sự tiến bộ của triết học Trung Quốc thì trước tiên chúng ta phải đem tài liệu của thời đại nào trả lại cho thời đại ấy, lời của ai thì trả lại cho người ấy. Có như thế thì mới thấy rõ bộ mặt thật của triết học của các triết học gia, và thấy sự tiến bộ của triết học Trung Quốc là hiển nhiên.
Những nhà nghiên cứu học vấn của Trung Quốc trước đây, hoặc không phân biệt sách giả (ngụy thư 偽書)với sách thật (chân thư 眞書), hoặc biết phân biệt nhưng lại cho sách giả là vô giá trị, đó là một nguyên nhân khiến triết học sử Trung Quốc nhìn bề ngoài cơ hồ không tiến bộ. Chúng ta nghiên cứu triết học sử tất phải biết phân biệt sử liệu giả và thật, vì nếu không thế thì không thể thấy rõ bộ mặt thật của tư tưởng các thời đại. Nếu chỉ nghiên cứu về triết học thì chúng ta chỉ chú trọng những điều nói trong sách là đúng hay sai. Còn những lời đó do ai nói ra, thuộc thời đại nào, thì không có gì quan trọng cả. Sách đó tuy giả nhưng cũng không vì thế mà giảm giá trị, sách kia tuy thật nhưng không vì thế mà tăng thêm giá trị. Theo triết học sử mà nói, sách giả tuy không thể đại biểu cho tư tưởng thời đại mà nó giả mạo nhưng nó là tư tưởng của thời đại sản sinh ra nó, chính là sử liệu của thời đại sản sinh ra nó. Như thiên Dương Chu trong sách Liệt Tử, tuy không phải là học thuyết của Dương Chu, nhưng nó biểu hiện một cách hệ thống một trào lưu tư tưởng khoảng đời Ngụy Tấn. Nó chính là sử liệu triết học đời Ngụy Tấn. Cho nên tuy xem thiên Dương Chu là giả, nhưng ta cũng không nên vất bỏ đi, mà chỉ nên dời nó xuống đời sau mà thôi. Dời nó xuống đời sau vì muốn lịch sử viết tương hợp với thực tế để có thể tạo được chữ tín.
12. Tiêu chuẩn để chọn tư liệu viết lịch sử triết học Trung Quốc
Trung Quốc vốn không có danh từ triết học. Nhiều người không có quan niệm minh xác về nội dung và phạm vi của triết học nên cho rằng hễ những sách gần với cái mà xưa gọi là «kinh» 經 và «tử» 子27 đều có thể lấy làm sử liệu cho triết học sử28. Nhưng theo những điều đã nói trên, đối với nội dung của triết học chúng ta đã có quan niệm minh xác, vậy thì khi chọn tài liệu để viết triết học sử, chúng ta cần phải có một tiêu chuẩn nhất định. Những trứ thuật của người xưa có thể dùng làm sử liệu cho triết học sử là:
-
Nội dung của triết học đã trình bày trên đây đã xác định phạm vi của triết học đồng thời chỉ rõ các vấn đề vốn có trong triết học. Những trứ thuật của người xưa có quan hệ đến những vấn đề đó và những thảo luận ở trong phạm vi đó đều có thể dùng làm sử liệu cho triết học sử. Nếu không vậy, thì không dùng làm sử liệu (thí dụ như sách của binh gia 兵家).
-
Như nói ở trên, triết học gia tất phải có «cái thấy» (kiến 見) riêng để lập hệ thống của mình. Cho nên những trứ thuật có cái thấy mới mẻ thì mới có thể làm sử liệu viết triết học sử. Nếu chỉ là những lời trần thuật thì không dùng làm sử liệu. Hoàng Lê Châu nói: «Cái đạo của học vấn xem cái tự dùng được của mỗi người là chân thực. Phàm kẻ bàng môn đạo thuật, nếu không phải là kẻ sĩ tầm thường thì là kẻ cốt ở mưu sinh. […] Lấy nước giúp nước, có thể gọi là học vấn hay sao?»29 Lời này chính là nói ý đó.
-
Một triết học tất có quan niệm cốt lõi của nó (tức là cái thấy riêng của triết học gia). Hễ trứ thuật nào không có quan niệm cốt lõi, tức là sách của tạp gia, đại loại như Lã Thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử, v.v… đều không thể dùng lùm sử liệu gốc? nhưng vì nó ghi lại lời của các nhà riêng biệt, có giá trị như báo cáo, cho nên có thể dùng nó làm sử liệu phụ trợ.
-
Triết học của một triết học gia cần phải nêu ra biện luận lý trí. Vì thế, phàm những câu, những đoạn vụn vặt, không thể coi là sử liệu gốc được. Thí dụ, Kinh Thi nói: «Dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức.» 民之秉彝好是懿德 (Dân chúng có tính chất bình thường, nên họ thích nết tốt). Nhưng như đã nói trên dây, triết học của một thời đại có tương quan nhân quả với tình thế và trạng huống tư tưởng của thời đại ấy. Cho nên, những ngôn luận ấy cũng có thể sưu tập để hiểu tư tưởng lưu hành trong một thời, để hiểu rõ bối cảnh của hệ thống triết học.
-
Triết học của một triết học gia có quan hệ với nhân cách của triết học gia ấy. Cho nên những trần thuật của triết học gia, nếu có thể biểu thị được nhân cách của họ thì đều có thể được chọn làm sử liệu.
Theo những tiêu chuẩn trên đây mà sưu tập sử liệu để viết triết học sử Trung Quốc thì «dẫu không trúng nhưng cũng không đi xa [sự thật] vậy» (Tuy bất trúng, bất viễn hĩ 雖不中不遠矣).
Notes
-
W.P Montague cũng chia triết học thành ba bộ phận: Phương pháp luận 方法論, Hình thượng học 形上學, và Giá trị luận 價値論. Phương pháp luận là Tri thức luận đã nói trên; Hình thượng học tức là Vũ trụ luận đã nói trên. Mỗi bộ phận này đều có hai phần như trên. Giá trị luận cũng chia làm hai phần: (a) Luân lý học 論理學: nghiên cứu tính chất của cái thiện và cách ứng dụng nó vào hành vi. (b) Mỹ học 美學: nghiên cứu tính chất của cái đẹp (mỹ) và cách ứng dụng nó vào nghệ thuật. (xem: W.P. Montague, The Ways of Knowing, tr.1) ↩︎
-
Wiliam James, The pluralistic Universe, trang 13 - 14. ↩︎
-
Tuân Tử 荀子(Phi Thập Nhị Tử 非十二子): «Kỳ trì chỉ hữu cố, kỳ ngôn chi thành lý». 其持之有故其言之成理. ↩︎
-
Mạnh Tử 孟子(Đằng Văn Công hạ 滕文公下): «Dư khởi hảo biện tai? Dư bất đắc dĩ dã.» 予豈好辯哉予不得已也 ↩︎
-
Luận Ngữ 論語 (Công Dã Tràng 公冶長): «Phu Tử chi ngôn tính dữ thiên đạo» 夫子之言性與天道 ↩︎
-
Nguyên văn: «Nãi chiết chi chi loại, phi huề Thái Sơn dĩ siêu Bắc Hải chi loại.» 乃折枝之,非携泰山以超北海之类 ↩︎
-
Nguyên văn: «~~Ngô ~~Ngã dục thác chi không ngôn, bất như kiến chi hành sự chi thâm thiết trước minh dã.» 我欲托之空言,不如見之行事之深切著明也 (Câu này tra trên google thì không tìm được câu có chữ Ngô) ↩︎
-
Nguyên văn: «Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn.» 太上有立德, 其次有立功, 其次有立言 [LAM chú]. ↩︎
-
Ngày xưa ở Trung Quốc dùng thẻ tre để ghi chép. Vì thẻ tre quá nặng nên khi viết sách và lập ngôn thì cổ nhân thường mong sao lời lẽ đơn giản và ngắn, có khi chỉ chép đoạn kết luận. Cách này lâu ngày thành thói quen. Về sau, tuy không còn bị vật chất hạn chế nữa mà người ta cũng cứ theo thói đó, không chịu sửa đổi. ↩︎
-
Dật 鎰 = đơn vị xưa, bằng 20 lượng. [LAM chú] ↩︎
-
Xem Why China has no science (Tại sao Trung Quốc không có khoa học) của Phùng Hữu Lan, in trong: The International Journal of Ethics (chuyên san luân lý quốc tế), bộ 32, số 3. ↩︎
-
Gần đây có người nói: «Triết học của nước ta kém về tổ chức, phương pháp. Người gần đây thường xem đó là dở. Họ không biết rằng tinh thần triết học của nước ta chính là ở chỗ đó. Bởi vì những vi ngôn đại nghĩa [lời nhỏ, ý nghĩa lớn] của triết học nếu không nhờ ngộ nhập thì không thể hiểu… Văn tự là để ghi chép Đạo, nhưng Đạo ở ngoài văn tự. Như vậy thì nói tổ chức làm gì, nói phương pháp làm gì?» (xem: Lục Mậu Đức 陸袤德, Chu Tần Triết học sử 周秦哲學史, trang 4. Những lời này có thế đại biểu cho ý kiến của một số người. Chúng ta không phải không xem trọng giác ngộ, nhưng cái mà giác ngộ có được là một thứ kinh nghiệm chứ không phải là một thứ học vấn, không phải là triết học. triết học tất phải dùng ngôn ngữ văn tự để biếu đạt lý lẽ. Tuy có người bảo Đạo 道 thì nằm ngoài ngôn ngữ văn tự, nhưng triết học thì nằm ở ngôn ngữ văn tự. Giống như cái sự vật mà khoa học nói, cũng nằm ngoài ngôn ngữ văn tự, nhưng những sự vật đó chỉ là sự vật chứ không phải là khoa học. Những nguyên lý, công thức mà ngôn ngữ văn tự biểu đạt mới chính là khoa học. Những sự vật làm ra nhờ dựa theo những nguyên lý công thức đó, thí dụ như các sản vật công nghiệp, cũng chỉ là sự vật chứ không phải là khoa học. ↩︎
-
Luận ngữ 論語 (Lý Nhân 里仁): «Ngô đạo nhất quán chi.» 吾道一以贯之. Dịch sát: Đạo ta chỉ có Một mà xuyên suốt tất cả. ↩︎
-
Hoàng Lê Châu 黃梨洲, Minh Nho học án 明儒学案, Phát phàm 发凡 ↩︎
-
Tuân Tử 荀子 (Thiên Luận 天論): «Thận Tử hữu kiến ư hậu, vô kiến ư tiên. Lão Tử hữu kiến ư khuất, vô kiến ư tín. Mặc Tử hữu kiến ư tề, vô kiến ư ky. Tống Tử hữu kiến ư thiểu, vô kiến ư đa.» 慎子有見於後,無見於先。老子有見於詘,無見於信。墨子有見於齊,無見於畸。宋子有見於少,無見於多。有後而無先,則群眾無門。有詘而無信,則貴賤不分。Chữ khuất (hay truất) 詘 thông với khuất 屈 (co); chữ tín 信 thông với thân 伸 (duỗi) [LAM chú] ↩︎
-
Tuân Tử 荀子(Giải Tế): «Mặc Tử tế ư dụng nhi bất tri văn. Tống Tử tế ư dục nhi bất tri đắc. Thận Tử tế ư pháp nhi bất tri hiền. Thân Tử tế ư thế nhi bất tri trí. Huệ Tử tế ư từ nhi bất tri thực. Trang Tử tế ư thiên nhi bất tri nhân.» 昔宾孟之蔽者,乱家是也。墨子蔽于用而不知文。宋子蔽于欲而不知得。慎子蔽于法而不知贤。申子蔽于埶而不知知。惠子蔽于辞而不知实。庄子蔽于天而不知人 ↩︎
-
Xem W. James, Pluralistic Universe (Vũ trụ đa nguyên). ↩︎
-
Harald Høffding, History of philosophy (Lịch sử triết học), tr. xvi. ↩︎
-
Mạnh Tử 孟子 (Vạn Chương hạ 萬章下): «Tụng kỳ thi, độc kỳ thư, bất tri kỳ nhân khả hồ, thị dĩ luận kỳ thế dã.» 頌其詩,讀其書,不知其人可乎,是以論其世也 ↩︎
-
Bacon, The Advancement of Learning (sự tiến bộ của học thuật). ↩︎
-
Tức tự thân của lịch sử và lịch sử thành văn do đời ghi chép lại.[LAM chú]. ↩︎
-
Nordau, _The interpretation of History (giải thích lịch sử),_tr.12. ↩︎
-
Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. 書不盡言,言不盡意 ↩︎
-
Trang Tử 莊子(Thiên Đạo 天道): «Cổ chi nhân dữ kỳ bất khả truyền dã tử hĩ, nhiên tắc quân chi sở độc giả, cổ nhân chi tao phách dĩ phu.» 古之人與其不可傳也死矣,然則君之所讀者,古人之糟魄已夫. ↩︎
-
Mạnh Tử 孟子 (Tận Tâm hạ 盡心下): «Tận tín thư, tắc bất như vô thư. Ngô ư Vũ thành, thủ nhị tam sách nhi dĩ.» 盡信書,則不如無書。吾於武成,取二三策而已矣 ↩︎
-
Hàn Phi Tử (Hiển Học ): «Khổng tử, Mặc tử câu đạo Nghiêu Thuấn, nhi thủ xá bất đồng, giai tự vị chân Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn bất phục sinh, tương thùy sử định Nho Mặc chi thành hồ?» 孔子, 墨子俱道堯舜, 而取舍不同,皆自謂真堯舜. 堯舜不復生,將誰使定儒墨之誠乎? ↩︎
-
Cổ tịch Trung Quốc phân làm bốn loại: kinh 經, sử 史, tử 子, tập 集. Trong đó kinh là xưa nhất. Kinh gồm các sách lưu lại lời nói của thánh nhân. Sử gồm các sách liên quan đến lịch sử Trung Quốc. Tử gồm các sách của các triết gia hay tư tưởng gia (như Lão Tử, Trang Tử, v.v…). Tập bao gồm các tác phẩm văn học (văn tập, thi tập) của các tác giả dịch lại. [LAM chú] ↩︎
-
Cao Lại Vũ Thứ Lang 高瀨武次郎 (Nhật Bản) - tác giả của Chi na triết học sử (lịch sử triết học Trung Quốc) 支那哲學史 - có thể đại biểu cho những người có ý kiến như vậy. Trong quyển sách của mình, ông đã nêu ra sự quan trọng của các sách binh gia 兵家. Như về Tôn Tử 孫子, ông nói: «Văn của Tôn Tử, tinh mà giản lược, khúc chiết mà cao khiết, không thẹn mà là kiệt tác thời Xuân Thu. […] Văn ông hư hư thực thực, giản dị mà uyên thâm, không thể thêm bớt một chữ. […] Cho nên sách của Tôn Tử không những là sách báu của binh gia mà còn là áng văn chương hào hùng hiếm hoi trên phương diện văn tự nữa.» (Bản dịch chữ Hán của Triệu Lan Bình 趙蘭平, quyển I, trang 286). Sự nhiệt thành này khiến người ta dễ ngờ binh học sử là văn học sử. ↩︎
-
Minh Nho học án 明儒學案 (thiên Phát Phàm 发凡) ↩︎