haschema
Ba mươi Triết gia Tây Phương

BACON (1561-1626)

Đăng bởi: haschema
Friday, November 8, 2019

Triết gia, nhà nghị luận và chính khách người Anh. Tên đầy đủ: Francis Bacon.

Bacon chào đời tại Luân Ðôn, theo học Ðại học Cambridge và trường luật Gray’s Inn.

Phụ thân ông là nhà quí tộc Nicholas Bacon, chưởng quản của nữ hoàng Elizabeth I. Trong khi làm nghị sĩ quốc hội, Nicholas chống chính sách thuế của nữ hoàng nên sự nghiệp chính trị bị trục trặc. Mãi về sau, Nicholas mới được tái bổ dụng, nhưng chỉ cho làm thành viên không chính thức của Hội đồng Luật gia.

Sự nghiệp chính trị của Francis Bacon bắt đầu năm 1601, khi ông đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên tình bằng hữu, chống lại một ân nhân và là bạn thiết. Liền đó ông được bổ nhiệm một vai trò tích cực trong công tố viện, và quá trình ấy khiến ông bị nhiều người chê trách. Khi James I lên kế vị, vận mệnh của Bacon tăng tiến. Ông được phong hiệp sĩ năm 1603, chưởng quản năm 1617 và chánh thẩm tòa án tối cao năm 1618. Cùng năm đó, ông được phong Nam tước Verulam và ba năm sau, 1621, Tử tước St. Albans.

Nhưng vừa nhận tước Tử tước, Bacon liền bị cáo giác nhận hối lộ khi làm chánh thẩm — một tệ nạn thông dụng thời ấy. Ông nhận tội, bị phạt 40.000 bảng, loại khỏi pháp đình, cấm tham chính và tống ngục Tower. Sau đó, hình phat bằng tiền và tù được tái xét. Tuy thế, sự nghiệp chính trị của Bacon chấm dứt. Ông về hưu, dành trọn phần đời còn lại để viết.

Bacon viết cả triết học lẫn văn chương. Ông dự trù một công trình lớn lao. Ðó là bộ sách Instauratio Magna, nhưng chỉ hoàn tất hai phần, cuốn The Advancement of Learning (Tăng tiến kiến thức, 1605) về sau được ông triển khai ra tiếng La-tin thành cuốn De Augments Scientiarum (1623), và cuốn Novum Organum. Người ta còn đồn rằng có một số vở kịch mang tên Shakespeare là do ông viết vì trong đó, có nhiều chi tiết liên quan tới sinh hoạt cung đình trong khi Shakespeare chỉ là dân giả.

Ðóng góp của Bacon vào triết học chính là việc ông áp dụng phương pháp qui nạp của khoa học hiện đại vào triết học, đối lập với phương pháp tiên nghiệm của kinh viện học trung cổ. Ông thúc giục sự thẩm tra triệt để vào mọi trường hợp và tránh việc đặt lý thuyết trên các dữ liệu không thỏa đáng. Nhiều người phê bình Bacon là quá máy móc, không thành công trong việc tiến hành những thẩm tra của chính ông cho tới tận cùng luận lý của chúng, và không bắt kịp kiến thức đương thời.

Tới thế kỷ 19, Thomas Macaulay (1800-1859), sử gia và nhà nghị luận người Anh, phát động phong trào phục hồi uy tín cho Bacon như một nhà khoa học. Ngày nay, những đóng góp của ông được đánh giá với lòng tôn kính đáng kể. Cuốn The New Atlantis (Ðảo Atlantis mới, 1627) là một loại tưởng quốc Utopia khoa học. Các chi tiết của nó được phần nào thực hiện bởi tổ chức Hiệp hội Hoàng gia năm 1660, ba mươi tư năm sau khi tác giả qua đời. Các luận văn Essays (1567-1625), phần lớn có tính cách giảng huấn cách tiếp nhân xử thế, là những bài viết được đại chúng ưa thích nhất. Chúng nổi tiếng nhờ bút pháp sinh động, những quan sát tinh tế và phát biểu đánh động lòng người. Cho đến nay, chúng vẫn được nhiều người dùng làm sách ‘học làm người’.

Khu vực bình luận